|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trăn trở nỗi lo mất người tài khi khởi nghiệp

08:36 | 29/07/2018
Chia sẻ
Nếu không sẵn sàng đón nhận cái “được”, việc mất người tài chắc chắn sẽ xảy ra, và đó là điều chẳng start-up nào mong muốn!

Tại một sự kiện khích lệ tinh thần khởi nghiệp ở TP.HCM hồi đầu tháng 5 vừa qua, một bạn trẻ đã đặt ra câu hỏi đầy trăn trở cho các diễn giả, là nữ doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát và doanh nhân Lê Đăng Khoa, nhà đầu tư chuyên nghiệp vào các dự án start-up. Câu hỏi là: “Một start-up giàu tiềm năng, gặp nhà đầu tư quan tâm, làm sao để người sở hữu ý tưởng start-up như em có thể giành tối đa mức cổ phần trong liên doanh sau này?”.

Hay gần đây, có một cặp vợ chồng doanh nhân đã gửi băn khoăn tới ông Trần Quí Thanh, người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát, để nhờ giải đáp, rằng họ được cha mẹ để lại cho một số vốn để khởi nghiệp, và đã mở công ty 3 năm, song hoạt động không khởi sắc. Nhiều người khuyên họ nên chuyển sang vị trí Chủ tịch, và thuê người tài về đảm nhiệm vai trò CEO - Giám đốc điều hành. Nhưng họ lại băn khoăn: Người tài về công ty của họ điều hành, liệu có thể qua mặt chủ và biến thương hiệu, mô hình kinh doanh đã có thành… của riêng hay không?

tran tro noi lo mat nguoi tai khi khoi nghiep
Tư duy dùng người tài luôn nhất quán trong chiến lược quản trị của người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Vấn đề này chắc chắn là sự trăn trở của rất nhiều chủ nhân start-up khác, bởi khi mọi thứ còn đang ở giai đoạn non trẻ, việc có những nhân sự tài năng trợ giúp và nguồn vốn đầy đủ là vô cùng cần thiết. Mối lo của doanh nghiệp start-up là: Khi những người tài tham gia điều hành doanh nghiệp trở nên… giỏi hơn chủ của mình, nắm giữ các yếu điểm của doanh nghiệp, và nếu họ “lật kèo”, thì làm sao để giữ nổi doanh nghiệp start-up còn non trẻ? Trước băn khoăn như vậy, vị doanh nhân dày dặn kinh nghiệm Trần Quí Thanh đã thẳng thắn chỉ rõ: “Nếu không giỏi điều hành thì phải giỏi… dùng người. Cái giỏi này mới thực sự là giỏi nhất!”.

Cụ thể hơn, nhà lãnh đạo tập đoàn nước giải khát hàng đầu Việt Nam bày tỏ: “Nếu người sếp doanh nghiệp là người giỏi nhất, tất cả nhân viên cấp dưới chỉ nghe theo để làm, thì như vậy là quá bất cập và nguy hiểm! Cần có người giỏi làm, và vai trò của lãnh đạo là biết dùng người!”. Ông Trần Quí Thanh chia sẻ thêm, tại doanh nghiệp của mình, ông không bao giờ muốn nghe nhân viên hỏi: “Thưa anh, việc này phải xử lý như thế nào?”, mà thích những người đưa ra phương án xử lý, đề xuất rõ ràng và cụ thể: “Thưa anh, chúng ta có thể giải quyết như thế này…”.

Lãnh đạo doanh nghiệp nên là người hỏi, cho tới khi có mọi câu trả lời!

Tại một sự kiện chia sẻ bí quyết kinh doanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh đã bày tỏ rằng, trong 3 cách điều hành: “Chuyên quyền” (lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo một công việc cụ thể); “Dân chủ” (lắng nghe và ghi nhận mọi ý kiến đóng góp của nhân viên); “Cố vấn” thì ông thường dùng cách “cố vấn” nhiều nhất.

Đó là cách dùng người kết hợp hoàn hảo giữa “chuyên quyền” và “dân chủ”. Khi lắng nghe nhân viên cấp dưới trình bày kế hoạch công việc chi tiết, ông Trần Quí Thanh luôn khuyến khích nhân viên chỉ rõ mọi phương án mà người này đề xuất. Sau đó, ông sẽ hỏi.

“Khi lắng nghe cấp dưới trình bày một bản kế hoạch triển khai công việc, tôi thường đặt ra nhiều câu hỏi, thực chất là để cố vấn cho kế hoạch đó hoàn hảo. Nếu người trình bày không trả lời thỏa mãn được các câu hỏi, tức là giải pháp đó có vấn đề, và họ phải tìm cách tối ưu. Cứ như vậy, cả tôi và họ đều cùng nhau tư duy, để cuối cùng tìm ra giải pháp hợp lý nhất”, người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát bày tỏ.

Với cách dùng người như vậy, ông Trần Quí Thanh tự tin rằng doanh nghiệp có thể khai thác hiệu quả những ưu điểm của người tài, và bản thân lãnh đạo cũng vẫn nắm rõ được mọi kế hoạch, phương án sẽ triển khai. “Hãy tự tin, mạnh dạn tìm người giỏi hơn mình, mời về hợp tác một cách trọng thị” là lời khuyên của người sáng lập Tân Hiệp Phát trước nỗi băn khoăn “được - mất” của những chủ nhân start-up non trẻ. Bởi trong tư duy tầm chiến lược của mình, ông Trần Quí Thanh luôn tin rằng, nếu giấu kín một mô hình, mà e ngại sự trợ giúp từ nhân tài và nhà đầu tư có nguồn vốn, start-up sẽ không thể phát triển, và chỉ có thể tồn tại lay lắt rồi chờ ngày… đóng cửa.

“Nếu sâu sát công việc, nếu biết dùng người và kiểm tra chéo những yếu tố nhạy cảm, thì tôi tin việc mở lòng đón nhận người tài sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp start-up tiến những bước mới rất nhanh và mạnh!”, ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã khẳng định như vậy khi nói về vai trò của nhân sự tài năng trên con đường khởi nghiệp.

Câu chuyện của “người khổng lồ” Apple trong ngành công nghệ cũng có điểm tương đồng. Người ta tự hỏi, nếu như Steve Jobs thiên tài đến vậy mà vẫn lo có người giỏi hơn “soán ngôi vị” điều hành số 1 của ông ấy ở Apple thì có lẽ Hãng “Táo khuyết” đã chẳng huy hoàng và “người khổng lồ” đã không có lợi nhuận khủng cho đến hôm nay.

Khi Steve Jobs một trong những chiến lược gia tài ba nhất ngành công nghệ bước xuống khỏi “ngai vàng” của mình, thì đồng thời một tài năng xuất chúng nữa cũng mở ra triển vọng thênh thang cho “người khổng lồ Táo khuyết” là Tim Cook. Chức vụ của Tim Cook ở Apple trước khi được bổ nhiệm thay thế Steve Jobs là Giám đốc điều hành (CEO), và sau 13 năm phục vụ ở Hãng “Táo khuyết”, người đàn ông 51 tuổi mới chính thức được Hội đồng quản trị Apple bổ nhiệm với chức danh mới: Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Apple.

tran tro noi lo mat nguoi tai khi khoi nghiep
Doanh nhân Tim Cook - người tài được đưa về và o bế giúp Apple giữ ngôi vị “người khổng lồ” ngành công nghệ

Đây là lần thứ tư Tim Cook kế nhiệm Steve Jobs thiên tài. Bởi từ năm 2004, Tim Cook nắm tạm quyền CEO của Apple trong 2 tháng khi Steve Jobs phải trải qua ca phẫu thuật điều trị bệnh ung thư tụy. Năm 2009 lại thêm 4 tháng nắm quyền CEO khi Steve Jobs phải cấy ghép gan và cuối cùng khi sức khỏe của Steve Jobs có vấn đề, Tim Cook cũng trở thành người đại diện cho Steve Jobs điều hành các công việc ở Apple cho đến khi chính thức điều hành toàn bộ guồng quay của “người khổng lồ”.

4 lần đứng ở vị trí quan trọng số 1 của công ty nổi tiếng nhất thế giới, nhưng khi nhìn lại những gì mà chúng ta biết về Tim Cook tôi mới giật mình nhận ra rằng người đàn ông này thực sự kết hợp quản trị giữa chuyên quyền và dân chủ, đồng thời với sự đề cao phương pháp cố vấn đối với cấp dưới.

Khi người tài được đưa về và o bế

Người tài như Tim Cook, nếu không được Apple đưa về và o bế từ những ngày đầu khởi nghiệp thì đã chẳng có sự kế nghiệp “người khổng lồ Táo khuyết” ngày nay. Tim Cook từng có 29 năm làm việc trong ngành quản trị có liên quan tới công nghệ thông tin với 12 năm làm việc ở IBM sau đó là Compaq trước khi được Steve Jobs mời về Apple năm 1998. Nhiệm vụ đầu tiên mà Steve Jobs giao phó cho Tim Cook là giúp Apple thoát khỏi thảm họa tồn kho của công ty này vào những năm giữa thập niên 1990 thế kỷ trước.

Đó là khoảng thời gian, những sản phẩm của Apple mất sức hấp dẫn với người tiêu dùng, hàng đống sản phẩm với đủ loại từ băng cát sét đến máy chụp ảnh kỹ thuật số, máy tính để bàn nằm tồn kho vì không thể tiêu thụ được, gần như đánh gục Apple. Bên cạnh đó, sự leo thang của hệ điều hành Windows với phiên bản Windows 95 đã gần như đánh bật dòng máy tính cá nhân của Apple khỏi thị trường.

Người tài Tim Cook về với “Táo khuyết” đã đi tới quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy của Apple trên toàn thế giới, dồn việc sản xuất thiết bị sang vai của các nhà thầu như Foxconn, Windtelk và chỉ nắm giữ thật chặt khâu thiết kế, tiếp thị vào tiêu thụ. Chiến lược này đã chứng minh được hiệu quả tuyệt vời và cho đến tận bây giờ vẫn là cách Apple sử dụng để cho ra đời hàng trăm triệu máy iPhone, iPad, Macbook mỗi năm.

Và có thể nói, người tài Tim Cook đã giúp “người khổng lồ Táo khuyết” tái cơ cấu lại toàn bộ hệ thống sản xuất, vận hành lưu thông sản phẩm của Apple, giúp hãng có thể vượt qua cơn sóng gió cách đây hơn 20 năm. Có thể nói, bên cạnh Steve Jobs, Tim Cook chính là người có công lớn thứ hai trong việc tái thiết Apple từ đống đổ nát. Đó có lẽ chính là câu trả lời thỏa đáng từ Tân Hiệp Phát, Apple, đối với chủ nhân start-up nào còn do dự khi muốn đưa về và o bế người tài tham gia vào guồng quay của doanh nghiệp.

Xem thêm