|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trả tiền để dán logo lên máy tính: Độc chiêu tiếp thị giúp Intel 'hóa rồng' siêu tốc

23:55 | 19/10/2018
Chia sẻ
Chiến dịch dán logo lên các máy tính trong thập niên 90 là một trong những độc chiêu tiếp thị giúp Intel trở thành tập đoàn công nghệ lớn thứ sáu thế giới.

Hồi những năm 90, người ta chỉ biết Intel là một "xưởng sản xuất chip". Khi đó, nhu cầu sở hữu máy tính cá nhân cứ tăng dần theo thời gian khiến các tiệm máy tính luôn đông nghẹt khách hàng. Nhưng người mua lại lựa chọn sản phẩm dựa vào các tính năng, hoặc chọn sản phẩm theo gợi ý của người quen. Hầu như không ai quan tâm đến con chíp nhỏ xíu nằm sâu trong máy tính mà họ không thể thấy bằng mắt thường.

Chứng kiến cảnh tượng khách hàng chen chúc trong những cửa hàng máy tính, ban lãnh đạo Intel nảy ra một ý tưởng vĩ đại. Họ quyết định chi vài trăm triệu USD để biến ý tưởng thành hiện thực.

Giải pháp đầu tiên là phối hợp quảng cáo với đối tác sản xuất. Intel yêu cầu các nhà sản xuất máy tính gắn logo "Intel Inside" bên ngoài máy tính. Đổi lại, nhà sản xuất nhận tiền của Intel để dán logo.

Sau đó, Intel triển khai chiến dịch quảng cáo quy mô lớn. Nội dung quảng cáo nêu bật thế mạnh về công nghệ của Intel, khiến công chúng cảm thấy Intel ở tầm trên so với các xưởng cung cấp linh kiện thông thường.

tra tien de dan logo len may tinh doc chieu tiep thi giup intel hoa rong sieu toc
Với những người không am hiểu công nghệ, logo của Intel trên máy tính là vật bảo chứng về chất lượng của máy.

Nhờ hai giải pháp ấy, chip của Intel dần trở thành bộ phận cốt lõi trong mỗi bộ máy tính. Người tiêu dùng bắt đầu tìm và lựa chọn máy tính cá nhân với logo của Intel. Hành vi ấy của họ giúp Intel có lợi thế cạnh tranh về thương hiệu trên thị trường, đem về một khoản doanh thu khổng lồ để đầu tư thêm vào nghiên cứu và phát triển. Với những người không am hiểu về công nghệ, logo của Intel trên máy tính là vật bảo chứng cho chất lượng của sản phẩm.

Âm hưởng thành công của chiến dịch "Intel Inside" kéo dài đến tận hơn 2 thập kỷ. Nó trở thành một bài học kinh điển trong tạo dựng thương hiệu tại nhiều trường kinh doanh nổi tiếng trên thế giới.

Trước khi chiến dịch "Intel Inside" diễn ra, giá trị vốn hoá thị trường của Intel chưa tới một tỷ USD. Nhưng đến năm 2003, giá trị vốn hóa của hãng đã vượt 5 tỷ USD.

Vào năm 1992, năm đầu tiên chiến dịch "Intel Inside" diễn ra, doanh thu toàn cầu của Intel tăng hơn 63%. Mức độ nhận biết của logo Intel trong tâm trí người tiêu dùng châu Âu tăng lên đến 94% vào năm 1995, trong khi chỉ 24% người dùng biết đến Intel trước khi chiến dịch diễn ra.

Năm 2001, Intel vươn lên trở thành thương hiệu có giá trị thứ sáu trên toàn thế giới, mở ra một kỷ nguyên đầy thành công cho tập đoàn công nghệ đa quốc gia.

Xem thêm

Nhạc Dương