|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trả lại tên cũ Pacific Airlines sau 30 năm, Jetstar liệu có hết lận đận?

17:32 | 16/06/2020
Chia sẻ
Nhiều lần đổi chủ và tái cơ cấu, Jetstar được trả lại tên cũ là Pacific Airlines vốn đã có từ năm 1991. Lần tái cơ cấu thứ ba này, Qantas đã chính thức thoái vốn, Vietnam Airlines tiếp nhận và vận hành Pacific Airlines.

Sau nhiều tháng đàm phán, Tập đoàn Qantas (Úc) đã chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam, giao lại toàn bộ phần vốn góp tại Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines. Việc đầu tiên Vietnam Airlines thực hiện sau khi tiếp nhận 30% vốn góp từ Qantas là thay  tên thương hiệu Jetstar thành Pacific Airlines.

Như vậy, sau 30 năm, Pacific Airlines đã được trả lại tên gọi đầu tiên và bắt đầu cuộc tái cơ cấu mới, lần tái cơ cấu thứ ba.

Hãng hàng không cổ phần đầu tiên mang tên Pacific Airlines

Giữa tháng 6/1991, Pacific Airlines chính thức thành lập, được xem là hãng hàng không cổ phần đầu tiên của Việt Nam, sau khi luật sửa đổi cho phép nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực hàng không nội địa.

Giai đoạn đầu, tổng số vốn đầu tư của Pacific Airlines khoảng 40 tỉ đồng. Cục hàng không dân dụng Việt Nam và 4 doanh nghiệp thành viên chiếm khoảng 86,49% cổ phần. Số cổ phần còn lại thuộc sở hữu của Saigon Tourist (khoảng 13,06%) và Công ty thương mại đầu tư phát triển Giao thông vận tải (Tradevico, chiếm khoảng 0,45%).

Trở lại tên cũ Pacific Airlines sau 30 năm, Jetstar có hết lận đận? - Ảnh 1.

Jetstar sẽ trở lại tên cũ Pacific Airlines sau 30 năm, kể từ năm 1991. Ảnh: VNA.

Tuy nhiên, đến năm 1993, hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines chính thức ra đời. Đây cũng là năm Cục Hàng không dân dụng Việt Nam tái cơ cấu lại các bộ phận khai thác. Cục chuyển giao hết cổ phần đang sở hữu tại Pacific Airlines cho Vietnam Airlines. Sau đó, Pacific Airlines trở thành một đơn vị thành viên của Vietnam Airlines.

Sau hơn 10 năm hoạt động nhưng kém hiệu quả, năm 2006, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập, trực thuộc Bộ Tài chính. Số cổ phần mà Vietnam Airlines nắm giữ tại Pacific Airlines được chuyển sang cho SCIC.

Năm 2007, Pacific Airlines có một cổ đông ngoại là Tập đoàn Qantas (Úc), một trong những hãng hàng không thuộc top đầu thế giới. Tham vọng của đại gia hàng không Úc là trở thành cổ đông chiến lược của Pacific Airlines, không chỉ làm hàng không giá rẻ trong nước mà còn mở rộng khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Giai đoạn đầu, Qantas chi 50 triệu USD để hữu được 18% cổ phần Pacific Airlines, và tiếp tục rót vốn để tiến tới sở hữu 30% cổ phần. Nhờ khoản đầu tư này mà Pacific Airlines có thể bù lỗ, và cái tên Jetstar Pacific Airlines chính thức ra đời.

Đến cuối năm 2011, cổ đông của Jetstar gồm SCIC chiếm khoảng 70% cổ phần, Qantas chiếm 27%, Saigon Tourist 3%.

Sang đầu năm 2012, Thủ tướng giao Vietnam Airlines quay lại tiếp nhận toàn bộ phần vốn nhà nước tại SCIC, và thực hiện tái cơ cấu lần thứ hai hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific.

Jetstar quay về Vietnam Airlines đã bắt đầu có lãi

Nguyên nhân Vietnam Airlines được giao tiếp quản 70% vốn tại Jetstar là do tình hình kinh doanh của hãng bay giá rẻ nhiều lần đổi chủ và tái cơ cấu trước đó thật sự không hiệu quả. 

Thậm chí, đến cuối năm 2011, hãng có nguy cơ phá sản, do mất khả năng thanh toán, vốn chủ sở hữu âm hơn 600 tỉ đồng, tổng lỗ lũy kế khoảng 2.500 tỉ đồng. 

Với kinh nghiệm điều hành, Vietnam Airlines được kì vọng sẽ gỡ khó, tái cơ cấu toàn diện cho Jetstar. Và Vietnam Airlines cử lãnh đạo sang điều hành cùng đại diện nhiều kinh nghiệm của Qantas.

Trở lại tên cũ Pacific Airlines sau 30 năm, Jetstar có hết lận đận? - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh của Jetstar trong giai đoạn tái cơ cấu lần thứ hai. Đồ hoạ: Phúc Minh.

Trong 2 năm đầu tiên Vietnam Airlines tiếp quản, Jetstar Pacific đã dần dần giảm lỗ. Đến năm 2014, hãng lần đầu tiên cân đối được thu chi, ghi nhận 8 tỉ đồng lợi nhuận.

Năm 2015 được xem là năm bứt phá của Jetstar, khi lợi nhuận cả năm tăng lên 122 tỉ đồng. Tuy nhiên, niềm vui này cũng không thể duy trì khi ngay năm sau, Jetstar lại báo lỗ "khủng" hơn 900 tỉ đồng.

Sau khi rà soát toàn bộ hoạt động, kết quả kinh doanh của Jetstar mới được cải thiện hơn, giảm lỗ dần và đến năm 2018 chính thức có lãi trở lại với 34 tỉ đồng. Thống kê sơ bộ 9 tháng đầu năm 2019, Jetstar lãi 205 tỉ đồng. 

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết kể từ năm 2012, Chính phủ giao hãng tái cấu trúc, quá trình này hết sức gian nan. Tuy nhiên, hiện việc tái cấu trúc đã cơ bản hoàn thành và bắt đầu đà có lãi từ năm 2018.

Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines - ông Trịnh Hồng Quang, cũng cập nhật thêm riêng tháng 1 năm nay, Jetstar lần đầu tiên báo lãi kỉ lục 150 tỉ đồng, nhưng vì chịu tác động của đại dịch COVID-19 nên dự kiến năm nay sẽ phải lỗ 1.200 tỉ đồng.

Tái cơ cấu trong thời điểm nhiều rủi ro

Tái cơ cấu ngay giữa thời điểm hàng không thế giới gánh chịu khủng hoảng nặng nề vì dịch COVID-19, nhưng ông Quang cho rằng đây là thời điểm phù hợp nhất, Qantas và Vietnam Airlines thống nhất tái cơ cấu cổ đông. Qantas sẵn sàng rút khỏi thị trường Việt Nam và Vietnam Airlines nắm 98% cổ phần của Jetstar Pacific, đưa Jetstar trở về tên ban đầu Pacific Airlines.

Đi kèm việc đổi tên, logo và bộ nhận diện thương hiệu mới của Pacific Airlines cũng mang màu sắc chủ đạo của Vietnam Airlines. 

Theo dự định, Vietnam Airlines sẽ tập trung phát triển Pacific Airlines thành một hãng hàng không giá rẻ, bởi doanh nghiệp xác định hàng không giá rẻ chiếm hơn 50% thị phần tại Việt Nam, trong khi Vietnam Airlines tập trung vào phân khúc cao cấp hơn. 

Ông Quang cho rằng việc đồng bộ hoá hệ thống bán và mạng bay, Pacific Airlines và Vietnam Airlines sẽ tăng cường hiệu quả khai thác, năng lực cạnh tranh trong cả phân khúc hàng không truyền thống lẫn chi phí thấp, phục hồi sau Covid-19. 

Tuy nhiên, lần tái cơ cấu mới nhất này Pacific Airlines cũng sẽ gặp nhiều chông gai, bởi ngành hàng không đang trong giai đoạn thách thức nhất từ trước đến nay, và thị phần giá rẻ đang tập trung vào Vietjet.


Phúc Minh

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.