|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM phải phát triển theo mô hình nào để lọt Top 50 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới vào năm 2030?

11:28 | 14/03/2022
Chia sẻ
Theo chuyên gia Trần Hoàng Ngân, việc phát triển trung tâm tài chính tại TP HCM không chỉ giới hạn ở không gian địa lý mà cần tiếp cận theo định hướng không gian mềm.

Theo báo cáo của Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) gửi UBND TP về tiến độ xây dựng đề án phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế, lộ trình giai đoạn 2021-2025 sẽ củng cố vị thế TP HCM là trung tâm tài chính quốc gia, theo Pháp luật TP HCM.

Ở giai đoạn đầu, TP sẽ nâng cấp từ trung tâm tài chính thứ cấp thành trung tâm tài chính quốc tế trong xếp hạng Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI); bước đầu định hình được khu trung tâm tài chính - thương mại phức hợp tại Thủ Thiêm để thu hút các dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) và ngân hàng (NH) số.

Định hướng trong giai đoạn này sẽ thí điểm cơ chế để các tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính; cấp phép fintech và NH số theo cơ chế quản lý nhà nước thí điểm; thành lập thị trường giao dịch hàng hóa phát sinh ở cấu trúc liên thông với các sở giao dịch hàng hóa quốc tế.

TP HCM phải phát triển theo mô hình nào để lọt Top 50 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới vào năm 2030? - Ảnh 1.

Lộ trình giai đoạn 2021-2025 sẽ củng cố vị thế TP HCM là trung tâm tài chính quốc gia. (Ảnh: Zing).

Giai đoạn 2026-2030 sẽ phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và giai đoạn từ năm 2031 trở đi sẽ trở thành trung tâm tài chính toàn cầu. Mục tiêu là được xếp hạng trong nhóm 50 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới trên bảng xếp hạng GFCI vào năm 2030 và trong nhóm 20 vào năm 2045.

Mô hình của trung tâm tài chính quốc tế TP HCM sẽ bao gồm ba cấu phần: Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh.

Bốn chương trình hành động để TP có thể triển khai ngay đến năm 2025 gồm: Ưu tiên phát triển fintech, ngân hàng số và thị trường giao dịch tài chính số; thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực; phát triển khu tài chính - thương mại Thủ Thiêm; phát triển thị trường hàng hóa.

Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM sẽ tạo ra nhân tố thu hút các định chế tài chính nước ngoài, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế khi đến Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng đề án phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế vẫn đang còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Đánh giá về vấn đề này, tại Hội thảo Đề án phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế hồi tháng 2, theo TTXVN, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng với hiện trạng thị trường tài chính Việt Nam hiện nay thì việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế thật sự là một thách thức. 

Bởi lẽ, mức độ của định chế tài chính Việt Nam với các nước còn khoảng cách khá xa. Do vậy, để thực hiện phải có nhiều cách làm thực sự đột phá, vượt trội và quan trọng là lựa chọn nhà đầu tư chiến lược hiểu về đất nước, con người Việt Nam.

Lý do là bởi quy mô các thị trường này rất lớn. Còn ở các nước Đông Nam Á khi xây dựng trung tâm tài chính thì bắt buộc phải có lộ trình tự do hóa tài chính. Trong khi đó, ít nhất từ nay đến năm 2030, Việt Nam chưa thể có tự do hóa tài chính mạnh mẽ. Đây là vấn đề cần phải được tháo gỡ bằng một lộ trình cụ thể.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nhận xét trung tâm tài chính không phải tòa nhà, cao ốc, hay một khu phức hợp cụ thể. Đó là một hệ sinh thái và hệ sinh thái này đã rất phát triển tại quận 1. Do đó, bên cạnh trụ sở tài chính sẵn có tại quận 1, TP HCM sẽ phát triển trung tâm tài chính - thương mại tại Thủ Thiêm.

Cùng quan điểm, chia sẻ với Người lao động mới đây, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM được đề xuất gắn với quá trình phát triển đô thị của TP, có sự kết nối hoạt động tài chính ở khu đô thị hiện hữu (quận 1 và quận 3) với khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, việc phát triển trung tâm tài chính không chỉ giới hạn ở không gian địa lý mà cần tiếp cận theo định hướng không gian mềm. 

Trong đó, phần cốt lõi của thị trường tiền tệ ngân hàng, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh, các định chế tài chính và các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ trực tiếp và gián tiếp nhằm thu hút nhà đầu tư.

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, trung tâm tài chính quốc tế này sẽ kết nối trung tâm tài chính hiện hữu ở quận 1 với trung tâm tài chính thương mại phức hợp ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Song, vị trí đặt ở đâu không quá quan trọng vì xu hướng kết nối online, giao dịch online, công nghệ đang phát triển... Chẳng hạn, có thể là mô hình trung tâm tài chính với phố tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, kế toán) đi cùng các trung tâm thương mại, đầu tư, dịch vụ du lịch phức hợp mang tầm vóc quốc tế, khu phi thuế quan.

Từ tháng 3/2020, Trung tâm tài chính TP HCM đã được đánh giá và xếp hạng là một thị trường tài chính thứ cấp trên bảng xếp hạng Chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu (Global Financial Centres Index - GFCI).

Đến tháng 9/2021, TP HCM hiện đang đứng đầu danh sách 10 trung tâm tiềm năng được xem xét để đưa vào danh sách đánh giá chính thức của GFCI, nhờ đạt mức điểm cao nhất về số lượng nội dung đánh giá (148/150).

Phương Trang