Cần nhanh chóng biến TP HCM thành trung tâm tài chính của khu vực, cạnh tranh với Hong Kong và Singapore
Hôm nay (21/2), tại Phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) với chủ đề “Phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”, ông Dominic Scriven, Trưởng Nhóm Công tác Thị trường Vốn VBF, cho biết thị trường vốn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai, theo VTV.
Theo ông Dominic Scriven, thị trường vốn của Việt Nam đã có sự phát triển và thành công vượt bậc khi hiện tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán của Việt Nam khoảng 7,75 triệu tỷ, chiếm 95,6% GDP, vượt mục tiêu đặt ra cho Việt Nam vào năm 2025.
"Thị trường chứng khoán Việt Nam có tỷ suất sinh lợi tốt nhất trong vòng 10 năm so với các thị trường lớn trên thế giới", ông Dominic Scriven nhấn mạnh.
Trưởng Nhóm Công tác Thị trường Vốn VBF cho rằng thị trường vốn là nguồn tài chính chủ lực cho sự phát triển của các công ty trong khối kinh tế tư nhân.
Tại đây, các công ty có thể tiếp cận các đối tác chiến lược thông qua các giao dịch trên thị trường vốn. Đồng thời tìm ra mức định giá phù hợp cho doanh nghiệp của mình, bao gồm cả việc nâng cao vị thế thương mại.
"Thị trường vốn là một kênh sàng lọc - nơi chúng ta có thể "đãi cát tìm vàng" để tìm ra các doanh nghiệp tốt và loại bỏ đi các doanh nghiệp yếu kém", Dominic Scriven cho biết.
Để phát triển thị trường vốn, ông Dominic Scriven cho rằng phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của nhà đầu tư.
"Điều này chỉ được gây dựng thông qua việc nâng cao tính minh bạch và công bằng của thị trường, áp dụng biện pháp trừng phạt thoả đáng với các hành vi vi phạm và thực thi các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam chúng ta, hiện có sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân", ông Dominic Scriven nhấn mạnh.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Dominic Scriven nhận định thị trường vốn của Việt Nam hiện nay còn bị giới hạn, khi thị trường nợ phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán phụ thuộc vào các nhà đầu tư cá nhân.
"Chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa để phát triển và kêu gọi sự tham gia của các đối tượng khác, như khuyến khích các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm và các loại hình nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp khác", ông Dominic Scriven đề xuất.
Mặc dù Việt Nam có một nền kinh tế mở đáng kể, tuy nhiên sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường vốn của Việt Nam còn khá thấp so với mức mà Việt Nam có thể đạt được.
"Trước mắt, chúng ta nên đẩy nhanh việc biến TP HCM thành một trung tâm tài chính của khu vực, tìm ra những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực như Hong Kong và Singapore”, ông Dominic Scriven nói.