Nếu không đột phá, Trung tâm Tài chính quốc tế TP HCM vẫn chỉ là ý tưởng
Từ thế mạnh về thị trường tài chính của thành phố qua các năm, kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đang được lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh khởi động trở lại và rốt ráo đẩy mạnh triển khai để hiện thực hóa ý tưởng trên.
Ngày 25/2, tại buổi hội thảo góp ý Đề án phát triển Tp. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trở thành trung tâm tài chính quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức cho Tp.Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, Tp. Hồ Chí Minh cũng đang hội tụ cả lợi thế, tiềm năng, yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Theo bà Phan Thị Thắng, Tp. Hồ Chí Minh có lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện chính trị, xã hội ổn định và sự năng động kinh tế. Thành phố đã và đang là một đầu tàu chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam.
Với tiềm năng và sự phát triển mạnh mẽ của Tp. Hồ Chí Minh sẽ giúp củng cố động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần vào sự phát triển chung của Việt Nam cả trên phương diện nội tại lẫn trên trường quốc tế.
Vì vậy, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là khát vọng của thành phố, mà còn là ý chí, quyết tâm của trung ương nhằm cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thực tế, từ tháng 3/2020, Trung tâm tài chính Tp. Hồ Chí Minh đã được đánh giá và xếp hạng là một thị trường tài chính thứ cấp trên bảng xếp hạng Chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu (Global Financial Centres Index - GFCI).
Đến tháng 9/2021, Tp. Hồ Chí Minh hiện đang đứng đầu danh sách 10 trung tâm tiềm năng được xem xét để đưa vào danh sách đánh giá chính thức của GFCI, nhờ đạt mức điểm cao nhất về số lượng nội dung đánh giá (148/150).
Với các lợi thế trên, Tp. Hồ Chí Minh có điều kiện đầy đủ hơn so với các địa phương khác để phát triển trung tâm nếu xét trên các tiêu chí và đặc điểm của trung tâm tài chính quốc tế, đặc biệt là mức độ tập trung của thị trường và các định chế tài chính cũng như tiềm năng phát triển.
Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Tp. Hồ Chí Minh sẽ tạo ra nhân tố thu hút các định chế tài chính nước ngoài, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế khi đến Việt Nam.
Tuy nhiên, việc xây dựng đề án phát triển Tp. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế vẫn đang còn rất nhiều khó khăn, thách thức, bao gồm cả việc xây dựng cơ chế chính sách, nhất là cần những quy định mang tính đột phá chưa từng có.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường ĐH Fulbright, quốc tế đánh giá Tp. Hồ Chí Minh có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính toàn cầu chính thức. Tuy nhiên, về năng lực cạnh tranh, Việt Nam còn tồn tại một số điểm yếu.
Chẳng hạn, các dịch vụ mới nổi tăng trưởng nhanh trong thời gian qua nhưng có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới hay không, và có trở thành những tổ chức tài chính số hay chỉ là những startup “chết yểu”?
“Ở các nước Đông Nam Á, muốn làm trung tâm tài chính quốc tế thì đều phải tiến tới tự do hoá tài chính. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế Mỹ đánh giá, từ đây tới năm 2030, Việt Nam vẫn chưa thể tự do hoá tài chính mạnh mẽ, vì đồng VND chưa được chuyển đổi tự do hoàn toàn.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cũng chưa đề cập lộ trình tự do hoá tài chính. Đây là vấn đề cần phải được tháo gỡ bằng một lộ trình cụ thể”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm.
Chuyên gia Võ Trí Thành cũng cho rằng, với hiện trạng thị trường tài chính Việt Nam hiện nay thì việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế thật sự là một thách thức. Bởi lẽ, mức độ của định chế tài chính Việt Nam với các nước còn khoảng cách khá xa.
Do vậy, để thực hiện phải có nhiều cách làm thực sự đột phá, vượt trội và quan trọng là lựa chọn nhà đầu tư chiến lược hiểu về đất nước, con người Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, để hình thành và vận hành hiệu quả các trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế cần rất nhiều nỗ lực thực hiện, bao gồm định hướng mô hình phù hợp, xây dựng cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực.
Đặc biệt, Tp. Hồ Chí Minh phải xác định các chính sách chiến lược mang tính đột phá để có thể cạnh tranh, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn tài chính lớn đầu tư vào trung tâm tài chính Việt Nam; huy động các nguồn lực bên trong và bên ngoài cũng như hỗ trợ kết nối với các trung tâm tài chính thế giới để phát triển hạ tầng phần cứng của trung tâm tài chính…