|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: Đưa TP HCM thành trung tâm tài chính mạnh thứ hai khối ASEAN đứng trước nhiều thách thức

17:23 | 25/02/2022
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, TP HCM có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính toàn cầu chính thức. Tuy nhiên, về năng lực cạnh tranh, Việt Nam còn tồn tại một số điểm yếu.

Tại Hội thảo Đề án phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế sáng 25/2, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC), cho biết, từ tháng 3/2020, TP HCM đã được đánh giá là một trung tâm tài chính thứ cấp trên bảng xếp hạng Chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu (GFCI), theo Zing.

Đến tháng 9/2021, thành phố đứng đầu danh sách 10 trung tâm tiềm năng được xem xét để đưa vào danh sách đánh giá chính thức của GFCI.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nói rõ thêm, GFCI đánh giá TP HCM là một trung tâm tài chính toàn cầu, nhưng xếp hạng không nói là trung tâm tài chính quốc gia hay quốc tế, mà là trung tâm tài chính toàn cầu thứ cấp. Tính chất thứ cấp này nằm ở năng lực cạnh tranh.

Đưa TP HCM thành thị trường tài chính mạnh thứ hai khối ASEAN, chỉ sau Singapore - Ảnh 1.

TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường ĐH Fulbright. (Ảnh: Người lao động).

Để đánh giá năng lực cạnh tranh của thành phố, đề án so sánh với 14 trung tâm khác trong khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Nam Á. Xét trên yếu tố địa kinh tế, thị trường tài chính trong khối ASEAN có thể phân thành ba nhóm: Yếu; trung bình; mạnh. Trong đó, Singapore là quốc gia duy nhất ở nhóm mạnh.

Theo điểm đánh giá, ông Thành cho biết năng lực cạnh tranh của TP HCM ngang bằng các thành phố lớn trong khu vực như Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia) và không thua Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) nhiều.

"Ta bằng Manila, Jakarta nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh thì có thể vượt và tiến tới ngang Bangkok, Kuala Lumpur trong giai đoạn 2026-2030. Song, khách quan thì không thể bắt kịp Singapore, Hong Kong", ông Thành nhận định.

TP HCM đặt mục tiêu là thị trường tài chính mạnh thứ hai trong khối ASEAN, chỉ sau Singapore. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng đề án này nhanh nhất phải đến cuối nhiệm kỳ mới có thể thông suốt chính sách đột phá, từ đó triển khai trong giai đoạn 2026-2030.

Theo ông, trung tâm tài chính không phải tòa nhà, cao ốc, hay một khu phức hợp cụ thể. Đó là một hệ sinh thái và hệ sinh thái này đã rất phát triển tại quận 1. Do đó, bên cạnh trụ sở tài chính sẵn có tại quận 1, TP HCM sẽ phát triển trung tâm tài chính - thương mại tại Thủ Thiêm.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm, về năng lực cạnh tranh, Việt Nam còn tồn tại một số điểm yếu. Chẳng hạn như TP HCM là nơi đây hiện hữu nhiều dịch vụ mới nổi, tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng liệu sẽ phát triển ngắn hạn hay dài hạn, theo TTXVN.

Câu hỏi là liệu những doanh nghiệp này có thành tổ chức tài chính số, hay chỉ là start-up (khởi nghiệp) rồi "chết yểu", ông chia sẻ.

Chuyên gia cũng cho hay chỉ có các trung tâm tài chính quốc tế tại Trung Quốc có thể hình thành theo hướng không tự do hóa tài chính, dòng vốn nước ngoài vào ra được kiểm soát chặt chẽ. 

Còn theo Chuyên gia Võ Trí Thành, với hiện trạng thị trường tài chính Việt Nam hiện nay thì việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế thật sự là một thách thức. Bởi lẽ, mức độ của định chế tài chính Việt Nam với các nước còn khoảng cách khá xa. Do vậy, để thực hiện phải có nhiều cách làm thực sự đột phá, vượt trội và quan trọng là lựa chọn nhà đầu tư chiến lược hiểu về đất nước, con người Việt Nam.

Lý do là bởi quy mô các thị trường này rất lớn. Còn ở các nước Đông Nam Á khi xây dựng trung tâm tài chính thì bắt buộc phải có lộ trình tự do hóa tài chính. Trong khi đó, ít nhất từ nay đến năm 2030, Việt Nam chưa thể có tự do hóa tài chính mạnh mẽ. Đây là vấn đề cần phải được tháo gỡ bằng một lộ trình cụ thể.

Phương Trang