|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

TP HCM 'khát' xăng dầu, Lọc hoá dầu Bình Sơn và PVOIL chịu sức ép lớn

17:47 | 11/10/2022
Chia sẻ
Petrovietnam cho biết việc khan hiếm xăng dầu trên thị trường, đặc biệt ở TP HCM đã gây nhiều sức ép trực tiếp đến các đơn vị sản xuất như CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn và phân phối như PVOIL.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho biết trong các ngày 8, 9, 10/10 vừa qua, tình hình xăng dầu trên thị trường xảy ra nhiều biến động, nhiều cửa hàng xăng dầu tại khu vực phía Nam treo bảng không bán hàng. Ngoài ra, một số cửa hàng chỉ phục vụ một cột đổ xăng, khách hàng phải xếp hàng dài và chờ trong thời gian lâu mới đến lượt.

Việc khan hiếm xăng dầu trên thị trường đã gây nhiều sức ép trực tiếp đến các đơn vị sản xuất xăng dầu thuộc Petrovietnam như CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn và phân phối như Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL). 

Cụ thể, Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất - nơi cung cấp khoảng 30% sản phẩm xăng, dầu cho thị trường trong nước  đã thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo sản xuất lượng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tăng công suất vận hành trung bình lên 105%, sản xuất được khoảng 5,18 triệu tấn xăng dầu. Điều này giúp Lọc hóa dầu Bình Sơn vượt 6% kế hoạch 9 tháng và đạt 80% kế hoạch của năm 2022.

Vừa qua, cơn bão số 4 (Noru) đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung, khiến việc sản xuất của nhà máy lọc dầu Dung Quất gặp khó khăn, song nhà máy vẫn đảm bảo tiến độ và cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại đang là cao điểm của mùa mưa bão, thời tiết xấu gây không ít rủi ro cho quá trình sản xuất. Hiện, Lọc hóa dầu Bình Sơn đang thực hiện lên các phương án, biện pháp để ứng phó với các điều kiện thời tiết cụ thể, đảm bảo tiến độ và vận hành nhà máy.

 Người dân xếp hàng chờ đổ xăng ở TP HCM. (Ảnh: Petrovietnam)

Còn về phía doanh nghiệp phân phối, PVOIL cho biết 9 ngày đầu tháng 10, sản lượng xăng dầu doanh nghiệp cung cấp cho các đơn vị trong hệ thống toàn quốc vượt 7% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 16%.

Cá biệt tại thị trường TP HCM, sản lượng xăng dầu do PVOIL cung cấp cho các đầu mối phân phối cũng vượt tới 28% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 35%.

Trong 9 ngày đầu tháng 10, sản lượng bán lẻ của các đơn vị thành viên là CTCP Xăng dầu Dầu khí Sài Gòn (PVOIL Sài Gòn) và CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức (Timexco) đều tăng so với bình thường, trong đó mặt hàng xăng tăng 30%, dầu DO tăng 10%.

Riêng hai ngày 8, 9/10, nhiều cây xăng trên địa bàn TP HCM đóng cửa, khách hàng ồ ạt chuyển qua các cây xăng PVOIL, tăng gấp 3 lần so với bình thường, gây áp lực lớn cho công tác điều độ hàng hoá. Sản lượng xăng bán lẻ của PVOIL Sài Gòn và Timexco tăng 60%, dầu DO tăng 25%.

Lượng khách hàng tăng cao khiến công tác nhập xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu gặp khó khăn, xảy ra tình trạng tạm dừng cung cấp.

Lý giải về điều này ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVOIL cho biết khách hàng tăng trong khi hàng về không kịp nên cửa hàng phải tạm dừng 1 -2 giờ để lấy hàng.

“Hiện tình trạng khan hiếm xăng dầu ở TP HCM đang khá căng thẳng, lượng khách vẫn đổ dồn về PVOIL và Petrolimex. PVOIL luôn duy trì bán hàng, chỉ dừng 1-2h để nhập hàng khi lượng hàng hết và tuyệt đối không có chuyện đóng cửa”, ông Dương nói.

Trong những ngày tới, PVOIL sẽ khắc phục các khó khăn chung của thị trường, đảm bảo nguồn hàng và duy trì hoạt động ổn định của các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn TP HCM và toàn bộ hệ thống. Doanh nghiệp cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm có giải pháp hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và khách hàng.

Hoàng Anh