|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM chưa mở lại chợ truyền thống, sẽ lo cho người dân ít nhất 3-4 tháng nữa

07:52 | 07/09/2021
Chia sẻ
Trong ngày cuối cùng của hai tuần giãn cách xã hội mức cao nhất theo Chỉ thị 16, TP HCM vẫn chưa có chủ trương mở lại chợ truyền thống nhưng sẽ mở điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền.

TP HCM chưa chủ trương mở lại chợ truyền thống

Chiều 6/9, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh trên địa bàn TP.

Báo cáo tình hình TP sau 14 ngày tăng cường giãn cách, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đánh giá, việc thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt giãn cách xã hội với nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó" đã có chuyển biến rõ rệt, phương tiện lưu thông giảm khoảng 85% so với trước ngày 22/8.

Về tình hình cung ứng hàng hóa, từ ngày 23/8 đến nay, TP đã tổ chức "đi chợ hộ" cho hơn 1,3 triệu hộ dân (đạt tỷ lệ 99% trong tổng số hộ đăng ký).

Theo VietNamNet, riêng nhu cầu đăng ký trong ngày 5/9 đạt hơn 96.000 hộ, tăng gần 18% so với hôm trước (tương đương tăng gần 14.700 hộ). Đã có hơn 103.000 hộ được cung ứng hàng hóa, tỷ lệ đạt 107% số hộ đăng ký (trong đó có hơn 6.700 lượt đăng ký của những ngày trước được giải quyết).

1,3 triệu hộ dân được ‘đi chợ hộ’, TP HCM vẫn chưa mở lại chợ truyền thống - Ảnh 1.

Trung tâm An sinh TP HCM đã hỗ trợ trên 1,6 triệu túi an sinh cho người dân. (Ảnh: Người Lao Động).

TP hiện có hơn 2.700 điểm cung ứng hàng hóa đang hoạt động, bao gồm 92 siêu thị, 2.100 cửa hàng tiện ích và 522 cửa hàng tạp hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, TP chưa có chủ trương về việc mở lại các chợ truyền thống. Hầu hết chợ truyền thống và ba chợ đầu mối vẫn đang tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Các chợ đang hoạt động chủ yếu ở vùng ven, ngoại thành, nhưng rất ít.

Tối 7/9, TP dự kiến mở điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền, nhưng không mở lại chợ. Điểm trung chuyển giúp nguồn hàng từ các địa phương về TP và đến các địa chỉ cần thiết, chứ không mua bán, giao dịch. Các xe lớn sẽ chở hàng về điểm trung chuyển, sau đó dùng xe nhỏ chở về từng địa điểm.

Về công tác chăm lo an sinh xã hội, theo HCDC, từ ngày 15/8 đến 6/9, đã có hơn 1,68 triệu túi an sinh được chuyển tới người dân. Việc chi các gói hỗ trợ được đẩy nhanh tiến độ, đến nay đã chi trên 4.896 tỷ đồng. TP đã vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền trên 329 tỷ đồng.

TP HCM đang xây dựng 3 kịch bản sau ngày 15/9 dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh của thành phố và các tỉnh. Dù là kịch bản nào, Thành phố vẫn thực hiện công tác an sinh xã hội, lo cho người dân ít nhất 3-4 tháng nữa. 

Cùng với đó, TP cũng đã cho phép một số nhân viên của mạng lưới cung ứng hàng hóa cùng phương tiện được lưu thông; bổ sung 20.000 giấy đi đường cho nhân viên hệ thống bán lẻ; cho phép đội ngũ shipper được hoạt động để bổ trợ các lực lượng tại địa phương.

Lấy hơn 3,4 triệu mẫu xét nghiệm, hoàn thành tiêm 6,6 triệu liều vắc xin

Ông Dương Anh Đức cho biết, TP đã tích cực triển khai kế hoạch cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và xét nghiệm diện rộng toàn thành phố.

Trong đó, xét nghiệm toàn bộ người dân ở khu vực có nguy cơ cao (vùng cam) và rất cao (vùng đỏ). Với hơn 2 triệu mẫu test nhanh đợt 1, có hơn 75.500 người dương tính (tỷ lệ 3,66% số mẫu xét nghiệm). Ở đợt 2, TP đang triển khai hơn 1,4 triệu mẫu, trong đó có hơn 39.000 người dương tính (2,7%), SGGP cho hay.

Ngoài ra, đợt 1, TP đã lấy hơn 965.000 mẫu gộp đại diện hộ gia đình tại vùng xanh; gần 223.700 hộ tại vùng cận xanh và gần 286.600 hộ tại vùng vàng. Tỷ lệ dương tính ghi nhận tại vùng xanh, cận xanh là 0,8%, vùng vàng là 1,5%.

1,3 triệu hộ dân được ‘đi chợ hộ’, TP HCM vẫn chưa mở lại chợ truyền thống - Ảnh 2.

Hơn 24.100 F0 tại các khu cách ly tập trung quận, huyện và TP Thủ Đức và gần 84.00 F0 cách ly tại nhà. (Ảnh: HCDC).

Hiện tại, TP HCM đã nhận được hơn 5,6 triệu liều vắc xin COVID-19 do Bộ Y tế phân bổ, bên cạnh nguồn tài trợ 5 triệu liều. Đến nay, TP đã tiêm gần 6,6 triệu mũi, gồm hơn 6 triệu mũi 1 (84%) và gần 500.000 mũi 2 (gần 7%).

Trong đợt dịch thứ 4, bắt đầu từ ngày 27/4 đến sáng 6/9, TP đã có tổng cộng 251.933 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Trong đó, 251.473 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 460 trường hợp nhập cảnh.

Trong ngày 5/9, có 2.915 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 128.396. Có 233 trường hợp tử vong trong ngày, tổng số tử vong đến nay là 10.685.

TP đang điều trị 42.863 ca; tổng số bệnh nhân xuất viện đến nay là 125.481 người. Hơn 24.100 F0 tại các khu cách ly tập trung quận, huyện và TP Thủ Đức và gần 84.00 F0 cách ly tại nhà, bên cạnh hơn 27.500 F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly theo dõi tại nhà.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin thêm, hiện số ca F0 có hiện tượng tăng lên, danh sách cập nhật không kịp nên không kịp thời phát các túi thuốc điều trị.

Ngoài ra, khi F0 tăng thì lực lượng y tế cơ sở đáp ứng không kịp. TP đang có nhiều giải pháp để tăng cường nhân lực, thêm 40 đội về quận, huyện.

Ông Châu cũng cho biết về tình hình ca tử vong, hôm nay có 233 ca, thấp hơn những ngày trước và có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn cao. Vì hiện nay, số ca đang điều trị là trên 9.000, hơn 1.000 ca đang đặt máy thở. 

 Hệ thống điều trị đang cố gắng hết sức với tất cả các biện pháp cao cấp nhất để điều trị cho bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong các ca bệnh nặng rất cao, khoảng 30% trong số các ca thở máy tử vong, vì phổi tổn thương rất nặng.

Sơn Thạnh