Top10 tăng/giảm tuần 4 - 7/5: Tâm điểm cổ phiếu thép, TCB phá đỉnh lịch sử
Sự phân hóa từ nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khiến thị trường suy yếu trong phiên giao dịch cuối tuần, trong khi đó nhóm cổ phiếu thép có nhiều mã đóng cửa tăng trần hoặc sát trần.
Đóng cửa, VN-Index giảm 8,76 điểm xuống 1.241,81 điểm, trong đó VN30-Index giảm 3,91 điểm còn 1.340,73 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 118 mã tăng/307 mã giảm, ở rổ VN30 có 7 mã tăng, 22 mã giảm và 1 mã giữ tham chiếu.
TCB phá đỉnh lịch sử
Thống kê nhóm 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua trên sàn HOSE, cổ phiếu DTL của Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc dẫn đầu với tỷ lệ tăng là 24,58%. Cụ thể, mã này giao dịch 4 phiên với 2 phiên tăng trần và 2 phiên tăng điểm, đóng cửa phiên cuối tuần tại 18.500 đồng/cp. Cùng với đó, một số cổ phiếu vừa và nhỏ có mức tăng tốt như AGM (23%), TGG (16%) và NAF (15,94%).
Ở nhóm cổ phiếu tăng cao nhất trên sàn HOSE đáng chú ý nhất là bluechip TCB, đây cũng là một trong những cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index trong tuần vừa qua.
Cụ thể, cổ phiếu TCB của Techcombank đã phá đỉnh lịch sử, leo lên vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết trên HOSE. Chốt phiên giao dịch thứ sáu (7/5), thị giá mã này dừng tại 47.050 đồng/cp.
Thông tin mới đây, đại gia ngân hàng đến từ phố Wall là JPMorgan Chase công bố báo cáo phân tích một số nhà băng Việt Nam và nâng định giá cổ phiếu TCB lên mức 55.000 đồng/cp, cao hơn 22% so với mức định giá 45.000 đồng/cp thông báo vào cuối năm 2020.
Tâm điểm tuần vừa qua là nhóm cổ phiếu ngành thép, đơn cử như mã HSG của Tập đoàn Hoa Sen tăng khá tốt với tỷ lệ 15,59%, chốt phiên 7/5 tại 36.700 đồng/cp. Các cổ phiếu ngành thép khác cũng ghi nhận tuần giao dịch tích cực như NKG (tỷ lệ tăng 15,38%) và TLH (12,7%).
Cổ phiếu thép gây chú ý trong thời gian gần đây trong bối cảnh giá thép xây dựng liên tục tăng cao. Hôm thứ Năm (6/5), giá thép kỳ hạn của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục sau kỳ nghỉ Lễ Lao động kéo dài 5 ngày, vượt quá triển vọng về nhu cầu và giá các nguyên liệu sản xuất thép.
Điểm chuẩn quặng sắt của châu Á cũng tăng lên sau khi Trung Quốc tuyên bố đình chỉ vô thời hạn mọi hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế Chiến lược với Australia.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ABS của Công ty Cổ phần Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận tiếp tục giai đoạn điều chỉnh khi mất 25% giá trị với 4/4 phiên giảm sàn trong tuần qua. Bên cạnh đó, các mã đầu cơ như PXT, SJF, HQC, FTM và HAI cũng trượt dốc với tỷ lệ giảm trên 10%.
THS nổi sóng sau thời gian dài ngủ quên
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu THS của Công ty Cổ phần Thanh Hoa - Sông Đà vừa trải qua chuỗi tăng trần 11 phiên liên tiếp và chưa có dấu hiệu suy giảm. Nếu tính từ giữa tháng 4 tới nay, mã này đã tăng hết biên độ 14/16 phiên. Chốt phiên giao dịch ngày 7/5, thị giá cổ phiếu dừng tại 22.100 đồng/cp, tức tăng 256% sau 3 tuần.
Theo ghi nhận của người viết, trong nhiều phiên tăng trần, khối lượng khớp lệnh chỉ đạt mức tối thiểu là 100 cổ phiếu, thanh khoản trung bình cũng chỉ đạt hơn 10.700 đơn vị.
Một số mã thanh khoản thấp tăng giá mạnh trong tuần qua như CTC (40,38%), ECI (32,24%), QST (21%), GLT (17,46%), MEL (14,5%) và L43 (14%).
Tại chiều giảm, cổ phiếu MPT của Tập đoàn Trường Tiền dẫn đầu với thị giá mất 25,93% giá trị.
Lọt top giảm giá còn có cổ phiếu KDM của Tổng Công ty Phát triển khu đô thị Dân cư Mới với tỷ lệ 22,12%. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, mã này đã tăng 2,2 lần lên 8.100 đồng/cp. Ngoài ra, một số mã giảm dưới 20% trong tuần qua có SGC, ACM, DPC, TTT, MCO, CET, KTT và SAF.
Tân binh HSV bứt phá
Chào sản từ UPCoM từ 27/4, tân binh HSV của Công ty Cổ phần Gang thép Hà Nội có chuỗi tăng giá ấn tượng, chốt phiên cuối tuần tại 33.800 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ 73,78%. Cùng với đà tăng giá, thanh khoản của mã này trong phiên giao dịch cuối tuần đạt tới 155.000 đơn vị, mức cao nhất kể từ khi giao dịch.
Ngoài ra, thị trường UPCoM còn chứng kiến nhịp tăng của các mã thị giá nhỏ như DRG (72,5%), TTS (64,44%), APL (55,75%), PIS (48,86%), BTH (43,21%) và TVG (38,89%)
Lọt top giảm giá còn có cổ phiếu EMG của Công ty Cổ phần Thiết bị Phụ tùng Cơ điện với tỷ lệ 40%. Trước đó, mã này dừng tại 18.500 đồng/cp và không có thanh khoản trong một thời gian dài.
Top10 cổ phiếu giảm giá còn ghi nhận các mã RCC, HGW, HLY, DCR, HD6, STV, KHB, TTG và HFC. Đây đều là những cổ phiếu giao dịch với thanh khoản rất thấp hoặc không có giao dịch.