TOP 10 sự kiện nổi bật ngành tài chính năm 2020
1. Thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì hoạt động ổn định và phục hồi mạnh mẽ
Tháng 7/2020, ngành tài chính đánh dấu 20 năm hoạt động của thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh dịch bệnh tác động đáng kể đến kinh tế xã hội, thị trường chứng khoán duy trì hoạt động ổn định và phục hồi tích cực.
Mặc dù chứng kiến nhiều phiên giảm mạnh trong quý I, chỉ số chứng khoán phục hồi mạnh mẽ với VN-Index đạt 1003,08 điểm, tăng 4,4%; HNX-Index đạt mức 147,7 điểm, tăng 44% so với cuối năm 2019.
Thanh khoản của thị trường cổ phiếu duy trì ở mức khá cao với giá trị giao dịch bình quân đạt 6.671 tỷ đồng/phiên, tăng 43,2% so với năm trước. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 4.770 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm 2019, tương đương 79% GDP.
Đồng thời, trong năm 2020, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước điều hành thị trường chứng khoán duy trì hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đồng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…
2. Tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN
Trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của sự bùng phát dịch COVID-19 trên toàn cầu, Bộ Tài chính Việt Nam trên cương vị Chủ trì Tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN đã chủ động khắc phục khó khăn, đề xuất chương trình làm việc... tổ chức thành công các hội nghị trong năm theo phương thức trực tuyến.
Một trong những kết quả nổi bật của Hội nghị là việc các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN đã thông qua sáng kiến của Việt Nam về “Tài chính bền vững trong ASEAN”. Đây cũng là 1 trong 13 sáng kiến của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được các Lãnh đạo cấp cao ghi nhận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vừa qua.
Sáng kiến này được xây dựng với mục đích thúc đẩy tài chính bền vững của khu vực thông qua việc phát triển thị trường vốn bền vững.
3. Điều hành NSNN chủ động, hiệu quả, chặt chẽ, tiết kiệm
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các phương án điều hành thu, chi và cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) phù hợp với các kịch bản tăng trưởng kinh tế, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch bệnh, củng cố nền tảng vĩ mô...
Để bảo đảm cân đối ngân sách, bên cạnh việc sử dụng nguồn vượt thu NSNN năm 2019, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiến hành rà soát, cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và ra nước ngoài, tiết kiệm thêm chi thường xuyên chưa cần thiết, cấp bách…
Nhờ vậy, năm 2020 Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương; lạm phát được giữ vững dưới 4%; các chỉ tiêu về bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 đều trong phạm vi Quốc hội quyết định.
4. Ban hành nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch COVID-19
Tính đến ngày 30/11/2020, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua 3 Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) 6 Nghị quyết của UBTVQH (trong đó có 4 nghị quyết đã được UBTVQH thông qua).
Đồng thời, trình Chính phủ ban hành 25 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 103 Thông tư.
Các nội dung văn bản có nội dung như miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu khẩu phục vụ việc phòng, chống dịch COVID-19; cắt giảm một loạt các loại phí, lệ phí...
5. Hoàn tất sắp xếp, hợp nhất chi cục thuế
Từ cuối năm 2018 đến hết tháng 2/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành 111 quyết định thành lập chi cục thuế khu vực trực thuộc 63 cục thuế tỉnh, thành phố trong cả nước.
Qua đó, đã tiến hành sắp xếp hợp nhất 565 chi cục thuế để thành lập 269 chi cục thuế khu vực, giảm 296 chi cục thuế. Đồng nghĩa, từ con số 711 chi cục thuế, sau khi hợp nhất toàn ngành chỉ còn lại 415 chi cục thuế, tăng 5 đơn vị so với kế hoạch được giao (kế hoạch giảm còn 420 chi cục thuế) và vượt trước kế hoạch 10 tháng.
Việc cắt giảm chi cục thuế đã giúp hệ thống thuế tinh gọn bộ máy, giảm bớt các tầng nấc trung gian, các bộ phận quản lý nội ngành để tập trung nguồn lực cho bộ phận quản lý thuế trực tiếp.
6. Cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã xây dựng dự thảo Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Mục tiêu của đề án là cải cách căn bản, toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm giải quyết triệt để những bất cập còn tồn tại hiện nay như cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa...
Theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ, việc triển khai Mô hình mới sẽ có nhiều tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế, cụ thể số liệu đạt được 1 năm thực hiện như sau cắt giảm được 86.166 tờ khai (khoảng 54,4%) phải kiểm tra so với năm 2019; tiết kiệm được 2,4 triệu ngày công…
7. Kho bạc Nhà nước hoàn thành 100% đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4
Đến ngày 30/11/2020, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã hoàn thành kết nối 100% đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và tích hợp thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Việc đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử ngân sách có thể giao dịch với KBNN 24/7, giảm thời gian đi lại và giảm chi phí hoạt động cho các đơn vị.
Về phía các đơn vị KBNN, dịch vụ công trực tuyến góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, là bước đi đầu tiên tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử.
8. Cải cách và hiện đại hóa tiếp tục giữ vững vị trí tiên phong và đạt nhiều kết quả ấn tượng
Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ 2/17 bộ về cải cách hành chính năm 2019 (PAR index 2019) với 94,77 điểm. Bộ Tài chính tiếp tục xếp thứ nhất trong khối các bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin.