|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TOP 10 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất năm 2023

14:30 | 09/02/2024
Chia sẻ
Sau năm 2023, phần lớn ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính đều ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm. Vietcombank vẫn tiếp tục giữ vị trí quán quân với tỷ lệ bao phủ đạt hơn 230%.

 

 Đồ họa: Alex Chu.

Trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khiến cho sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân giảm sút, thúc đẩy rủi ro nợ xấu tăng lên. Trước áp lực gia tăng của nợ xấu, các ngân hàng đã tích cực trích lập, nâng bộ đệm dự phòng rủi ro. 

Tổng số dư dự phòng rủi ro vào cuối năm 2023 của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính là 184.200 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ tăng của số dư dự phòng không theo kịp đà tăng của nợ xấu (tăng 40,5%). 

Do vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/số dư nợ xấu), tại đa số các ngân hàng đã giảm so với thời điểm cuối năm ngoái. Tính chung toàn ngành, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm từ 121% xuống còn 94%, tương ứng mức giảm 26,3 điểm %. 

Trong đó, có 23/28 ngân hàng báo cáo tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm trong năm vừa qua. Cuối năm 2022, có 10/28 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu vượt ngưỡng 100%, nhưng đến cuối năm 2023, chỉ còn 6 nhà băng ở trên mốc này là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Bac A Bank, MB và Techcombank. 

Vietcombank tiếp tục là ngân hàng dẫn dầu về tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Tuy nhiên, do số dư nợ xấu tăng 59,3% trong năm vừa qua, tỷ lệ bao phủ của nhà băng này đã giảm 86,6 điểm %, xuống hơn 230%. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank vẫn gấp gần 2,5 lần trung bình ngành.

Hai đại diện tiếp theo trong nhóm Big4 đã công bố báo cáo tài chính quý IV là BIDV và VietinBank lần lượt xếp ở vị trí thứ hai và ba. Những vị trí còn lại trong Top 10 thuộc về Bac A Bank, MB, Techcombank, LPBank, ACB, SeABank và SHB. 

Trong đó, SHB đã cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng, từ thứ 16 lên 10 nhờ việc tăng cường trích lập dự phòng. SHB cũng là ngân hàng có tỷ lệ bao nợ xấu tăng cao nhất trong 28 nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh. 

Ở chiều ngược lại, MB chứng kiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm sâu nhất, từ 238% xuống còn 117%. Ngoài ra, một số ngân hàng như Vietcombank, Bac A Bank hay TPBank cũng ghi nhận tỷ lệ bao phủ giảm nhanh chóng. 

Tuy nhiên, nếu lấy mốc so sánh là quý III/2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã ghi nhận sự cải thiện. Theo thống kê, tỷ lệ bao phủ vào cuối quý III của 28 ngân hàng niêm yết là 93%, trong khi sang đến cuối năm 2023, tỷ lệ này đã cải thiện lên mức 94,5%. 

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao cho thấy ngân hàng có sự chuẩn bị tốt cho rủi ro, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Vì vậy, mội ngân hàng đều có tính toán nhằm giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức hợp lý để vừa dự phòng được nợ xấu, vừa đảm bảo lợi nhuận cho mình. 

Ghi chú: Tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành = Tổng dự phòng rủi ro/Tổng số dư nợ xấu x 100 (%).

Minh Quang