|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tổng thống Trump và cam kết 4.000 tỉ USD sẽ chảy về Mỹ: Hứa thật nhiều, thất hứa thật nhiều

13:46 | 30/03/2019
Chia sẻ
Trong năm 2018, các doanh nghiệp Mỹ chuyển về nước tổng cộng 665 tỉ USD lợi nhuận từ nước ngoài, thấp hơn nhiều so với con số 4.000 tỉ USD mà Tổng thống Trump hứa hẹn khi ông kí ban hành luật giảm thuế cho doanh nghiệp tháng 12/2017.

Hứa thật nhiều, thất hứa thật nhiều

Trong quí IV/2018, các doanh nghiệp Mỹ mang về nước 85,9 tỉ USD lợi nhuận từ nước ngoài, thấp hơn so với con số 100,7 tỉ USD của quí trước, đồng thời là mức thấp nhất của cả năm 2018. Cộng với tổng của ba quí đầu năm là 579 tỉ USD (điều chỉnh tăng so với ước tính 571,3 tỉ USD trước đó), các doanh nghiệp đã mang về Mỹ xấp xỉ 665 tỉ USD lợi nhuận trong năm 2018.

Trong năm 2017, trước khi sắc thuế mới của Tổng thống Trump được ban hành, doanh nghiệp Mỹ chỉ mang về nước hơn 155 tỉ USD. Con số năm 2018 đã tăng đáng kể so với 2017 nhưng còn cách rất ra cam kết của Tổng thống Trump.

Tổng thống Trump và cam kết 4.000 tỉ USD sẽ chảy về Mỹ: Hứa thật nhiều, thất hứa thật nhiều - Ảnh 1.

Số lợi nhuận từ nước ngoài mà doanh nghiệp Mỹ mang về nước tăng đột biết trong quí I/2018 nhưng rồi giảm mạnh các quí sau đó, còn 85,9 tỉ USD trong quí IV. Nguồn: Bloomberg.

Trước đây, khi doanh nghiệp Mỹ mang lợi nhuận từ nước ngoài về Mỹ sẽ phải chịu thuế suất 35%. Từ cuối tháng 12/2017 khi chính sách thuế mới được áp dụng, các doanh nghiệp chỉ phải chịu thuế suất một lần, 15,5% đối với tiền mặt và tài sản thanh khoản cao – hoặc 8% đối với tài sản không thanh khoản, cho dù có chuyển lợi nhuận về Mỹ hay không. (Ngoài ra, thuế suất thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ cũng giảm từ 35% xuống còn 21%, tương ứng mức giảm 40%, hay 14 điểm %). 

Chính sách thuế này được Đảng Cộng hòa đưa ra và Tổng thống Trump kí ban hành mà hoàn toàn không có sự ủng hộ của Đảng Dân chủ.

Ông Trump kì vọng việc giảm thuế từ 35% xuống 15,5% hay 8% sẽ khuyến khích doanh nghiệp đưa ít nhất 4.000 tỉ USD lợi nhuận đang ở nước ngoài về Mỹ. Theo ông Trump, số tiền này sau đó sẽ được dùng để đầu tư vào công xưởng, nhà máy và tạo ra việc làm, kích thích kinh tế.

Vì sao không thể đạt mục tiêu 4.000 tỉ USD?

Nhiều chuyên gia đến từ các tổ chức nghiên cứu và ngân hàng đầu tư ước tính, số lợi nhuận mà doanh nghiệp Mỹ đang "cất giấu" ở nước ngoài chỉ khoảng 1.500-2.500 tỉ USD thay vì con số "khủng" 4.000 tỉ USD mà ông Trump đưa ra.

Đó là chưa kể, doanh nghiệp sẽ không thể mang toàn bộ lợi nhuận ở nước ngoài về nước, theo nghiên cứu của Đại học Pennsylvania năm 2016. Chỉ khoảng 54% số lợi nhuận doanh nghiệp ở nước ngoài được giữ dưới dạng tiền mặt và tài sản thanh khoản cao. Còn lại 46% lợi nhuận ở dưới dạng kém thanh khoản và chỉ còn cách bán đi thì mới có thể đem về Mỹ được.

Theo một nghiên cứu của Đại học Richmond và Claremont McKenna, những lập luận về việc lợi nhuận được đưa về Mỹ giúp làm tăng thu nhập và thúc đẩy đầu tư đa số đều bị thổi phồng.

"Các thay đổi chính sách có tác động rất nhỏ đến quyết định thuê lao động và đầu tư nếu doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận thị trường tín dụng", các nhà nghiên cứu viết vào năm 2018.

Johnson & Johnson, EBay Inc., và Cigna Corp. là những tập đoàn đã chính thức tuyên bố sẽ giữ lợi nhuận ở nước ngoài.

Mang nhiều tiền về để mua lại cổ phiếu

Thay vì đầu tư để tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp dùng số tiền tiết kiệm được nhờ giảm thuế để mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quĩ.

Năm 2018, doanh nghiệp Mỹ công bố kế hoạch mua cổ phiếu quĩ với qui mô lớn chưa từng có trong lịch sử: 1.100 tỉ USD. Thực tế, các doanh nghiệp đã mua hơn 800 tỉ USD, cao hơn cả số tiền đầu tư mới hoặc nâng cấp trang thiết bị sản xuất.

Đây là lần đầu tiên qui mô mua lại cổ phiếu lớn hơn chicho tài sản cố định, mặc dù luật thuế mới cho phép doanh nghiệp khấu trừ thu nhập chịu thuế nếu đầu tư mua mới máy móc.

Theo số liệu của Citigroup, chi phí tài sản cố định của doanh nghiệp Mỹ năm 2018 là khoảng 700 tỉ USD.

Các hãng công nghệ lớn như Apple là những công ty giữ nhiều tiền ở nước ngoài nhất. Năm 2018, Apple tuyên bố công ty này sẽ mang 250 tỉ USD lợi nhuận về Mỹ. Hiện không rõ Apple đã mang bao nhiêu về, nhưng công ty này đã chi tới 76,4 tỉ USD vào hoạt động mua lại cổ phiếu trong năm 2018, tăng từ 34,4 tỉ USD năm 2017. Trong 10 năm qua, riêng Apple đã chi tới 260,4 tỉ USD để mua lại cổ phiếu. Một số công ty khác cũng "bạo chi" cho hoạt động này là Wells Fargo, Microsoft và Merck.

Tổng thống Trump và cam kết 4.000 tỉ USD sẽ chảy về Mỹ: Hứa thật nhiều, thất hứa thật nhiều - Ảnh 2.

CEO Apple tại một sự kiện ngày 23/3/2019. Ảnh: AFT/Getty Images.

Các chính trị gia Đảng Dân chủ từng nhiều lần lớn tiếng chỉ trích chính sách thuế này của Đảng Cộng hòa là chỉ làm lợi cho các tập đoàn và cổ đông lớn chứ không giúp nhiều cho người lao động.

Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện, ông Richard Neal từng mở đầu một buổi điều trần về sắc thuế này bằng việc tuyên bố: Tầng lớp trung lưu đã bị bỏ lại phía sau.

"Nhà đầu tư cổ phiếu đang hưởng lợi. CEO của doanh nghiệp cũng rất sung sướng. Những người thừa kế bạc tỉ đang có cuộc sống tươi đẹp. Chúng ta đừng giả vờ rằng những lần tăng điểm của thị trường chứng khoán và sự đi lên của lợi nhuận doanh nghiệp có thể vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế hiện nay", ông Neal phát biểu hôm thứ Tư tuần trước.

Theo giá sư kế toán Lisa De Simone của Đại học Stanford cho rằng, vì lo sợ nguy cơ Đảng Dân chủ có thể thay đổi luật thuế này trong những năm tới nên các doanh nghiệp vẫn còn ngần ngại, chưa muốn thay đổi toàn diện hoạt động của mình.

Bà nói: "Doanh nghiệp có rất nhiều điều phải lo khi làm những việc mà luật thuế này muốn họ làm, như đem lợi nhuận, tài sản vô hình hay chuyển sản xuất về Mỹ. Những hoạt động này rất khó có thể đảo ngược khi chính sách thuế thay đổi".

Kiên Dương, Song Ngọc