Tổng Giám đốc PV GAS: Giá dầu giảm sâu không ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, tác động dịch COVID-19 lên dự án chắc chắn có
Kịch bản kinh doanh giảm tốc
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS) diễn ra vào sáng ngày 5/5, ban lãnh đạo công ty nhận định tình hình kinh doanh năm nay gặp nhiều khó khăn.
Trước hết, công ty cho biết nguồn khí trong nước suy giảm. Trong khi đó, nguồn khí mới LNG bổ sung chưa kịp thời và xuất hiện đơn vị ngoài ngành cung cấp LNG cạnh tranh trực tiếp với công ty.
Bên cạnh đó, sự cố thiết bị gây gián đoạn cấp khí/dừng cấp khí của phía thượng nguồn gia tăng. Đồng thời, các chi phí khác như chi phí bảo dưỡng sửa chữa, chi phí thu dọn mỏ, chi phí mua khí PM3-Cà Mau cũng ngày một tăng.
Đối với các dự án đầu tư, công ty cũng phải huy động nguồn vốn lớn để đảm bảo tiến độ như dự án đường ống dẫn khí NCS2 điều chỉnh - giai đoạn 2, dự án đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt, dự án kho chứa LNG 1 MMTPA tại Thị Vải, dự án mở rộng, nâng công suất kho chứa LNG tại Thị Vải từ 1 triệu tấn/năm lên 3 triệu tấn/năm…
Riêng tại dự án đường ống dẫn khí NCS2 điều chỉnh - giai đoạn 2, quá trình sản xuất ống thép và bọc ống sau khi hoàn thành thi công gặp khó khăn, ảnh hưởng chung đến toàn dự án.
Ngoài ra, ban lãnh đạo PV GAS cho rằng, chính sách liên quan đến cước phí/giá khí vẫn chưa được phê duyệt chính thức cũng là một trong những thách thức. Bởi lẽ, một số hợp đồng/phụ lục sửa đổi về mua bán khí với khách hàng sẽ mất nhiều thời gian để đàm phán và đi đến thống nhất.
Từ những cơ sở trên, PV GAS trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2020 dựa trên kịch bản giá dầu 60 USD/thùng và tỷ giá USD/VND là 23.500 đồng. Trong đó, doanh thu mục tiêu 66.164 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.636 tỉ đồng, lần lượt giảm 12% và 45% so với kết quả thực hiện trong năm 2019.
Tác động kép từ giá dầu và COVID-19
Liên quan đến việc giá dầu thế giới lao dốc trong thời gian vừa qua, ông Dương Mạnh Sơn - Tổng Giám đốc PV GAS nhận định việc này có ảnh hưởng nhưng ảnh hưởng không lớn đến hiệu quả kinh doanh của công ty.
Ngược lại, tác động bởi dịch COVID-19 lên dự án chắc chắn có. Ví dụ, bệnh nhân số 271 (mắc bệnh ở Anh) là một trong những chuyên gia ngành dầu khí tham gia nhiều dự án, trong đó có một số dự án của PV GAS ở khâu thượng nguồn. Theo đó, những chuyên gia đi cùng chuyến bay cũng phải thực hiện cách li.
Tuy nhiên, phía công ty cho biết vẫn làm việc với các nhà thầu, nhà thầu phụ để xem xét, điều chỉnh kế hoạch nhằm tối ưu tiến độ cũng như rút ngắn thời gian.
Theo đó, các dự án sẽ được thực hiện đúng vào quí III thay vì kéo dài qua sang năm. Dự kiến, Sao Vàng Đại Nguyệt sẽ cho sản lượng 400-500 triệu m3 và doanh thu khoảng 50 triệu USD/năm trong giai đoạn 2021-2031.
"Chúng tôi hi vọng sẽ có biện pháp hỗ trợ kĩ thuật để khắc phục tác động kép từ COVID-19 và giá dầu", đại diện công ty chia sẻ.
Dự án Lô B chờ tín hiệu "bật đèn xanh" từ Chính phủ
Hiện tại, dự án Lô B do PV GAS sở hữu 51%, tập đoàn PVN nắm 28%, phần còn lại thuộc về các đối tác Thái Lan và Nhật Bản.
Tổng Giám đốc PV GAS cho biết, "việc cả mẹ và con (PVN và PV GAS) cùng tham gia một hợp đồng là không phù hợp với qui định hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đồng ý cho phép hai đơn vị có phương thức chuyển giao phù hợp. Do sự phức tạp về mặc thủ tục nên đến nay cả hai bên vẫn chưa có động thái gì về vấn đề này."
Mặt khác, dự án có đặc thù chuyển ngang giá khí cho nơi tiêu thụ cuối cùng, tức là các nhà máy điện. Việc này ảnh hưởng đến giá điện tổng thể của khâu phát điện tại Việt Nam nên cần có qui chế cụ thể từ Chính phủ.
Hiện dự toán công trình và các thiết kế cố định của dự án cơ bản đã xong và đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu EPC. Theo Tổng giám đốc PV GAS, việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. PV GAS và các bên liên quan đang chuẩn bị sẵn sàng để khi được Chính phủ "bật đèn xanh" sẽ triển khai nhanh.
Liên quan đến các hợp đồng BOT đang chậm tiến độ, PV GAS cho biết việc thực hiện các dự án này phải có sự bảo lãnh Chính phủ với nhà đầu tư nước ngoài cũng như chủ nợ.
"Tất cả hợp đồng này đều rất chặt chẽ và liên kết mật thiết, nếu có bất kì sự thay đổi nào ngoài việc có sự đồng ý của Chính phủ còn phải có sự đồng ý của luật sư, chủ nợ, cổ đông… Do vậy, không phải Chính phủ đồng ý là có thể thay đổi được", ông Dương Mạnh Sơn cho hay.
Về vấn đề chênh lệch giá, lãnh đạo công ty cho biết trước đây hợp đồng kí kết trên cơ sở giá cố định trong bao tiêu. Còn bây giờ nếu tính theo giá thị trường thì phải do Nhà nước quyết định chứ không phải phía doanh nghiệp.
Để có cơ sở hạch toán cho PV GAS ghi nhận cần có qui chế riêng hoặc thông tư riêng về tình huống này. Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo để xin ý kiến các ban ngành liên quan.
Còn về kế hoạch thoái vốn Nhà nước, ông Dương Mạnh Sơn thông tin đến cổ đông: "Trước đây, Chính phủ có cho phép có thể thoái vốn Nhà nước tại PV GAS xuống 65%. Tuy nhiên, sau khi chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước thì không nhất thiết phải thoái vốn và chưa có kế hoạch thoái vốn. Hiện tại, vốn Nhà nước tại công ty là 95,76%".