|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tôm nước ấm Ấn Độ thoát đề xuất đánh thuế mới của Mỹ

09:24 | 21/04/2021
Chia sẻ
Tháng trước, Đại diện Thương mại Mỹ đã đề xuất áp thuế đến 25% đối với hàng loạt hàng hóa của 6 nước để đáp trả thuế dịch vụ kỹ thuật số mà các nước này áp cho các công ty công nghệ Mỹ. Một số mặt hàng thủy sản của Ấn Độ cũng lọt vào danh sách đề xuất, ngoại trừ sản phẩm tôm nước ấm.

Tôm nước ấm Ấn Độ "thoát hiểm"

Cuối tháng 3, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đề xuất đánh thuế lên đến 25% đối với một loạt hàng hóa của 6 nước Áo, Ấn Độ, Italy, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh. Nguyên nhân bắt nguồn từ thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST) lên tới 800 triệu USD/năm mà 6 nước này áp cho các công ty Mỹ.

Chỉ 17 mặt hàng trong danh sách đề xuất của USTR có liên quan đến lĩnh vực thủy sản. Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu tổng cộng 6.584 tấn các mặt hàng thủy sản này, giá trị đạt khoảng 64,4 triệu USD.

Bạch tuột Tây Ban Nha, tôm Ấn Độ và cá cơm Italy là sản phẩm thủy sản nằm trong danh sách đề xuất đánh thuế của USTR, theo Undercurrent News. Chỉ tính riêng năm 2020, Mỹ nhập khẩu lần lượt 5.414 tấn bạch tuột Tây Ban Nha các loại, trị giá 49,4 triệu USD; 5.704 tấn tôm Ấn Độ các loại, trị giá 5,7 triệu USD; và 342 tấn cá cơm các loại, trị giá 4,5 triệu USD.

Tôm nước ấm Ấn Độ thoát đề xuất đánh thuế mới của Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters.

Đáng chú ý, nằm ngoài đề xuất đánh thuế của USTR là tôm nước ấm Ấn Độ - một trong những mặt hàng thủy sản nhập khẩu lớn nhất của Mỹ và là đối thủ của tôm Việt Nam. Năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất thế giới mua khoảng 47.403 tấn tôm loại này, giá trị đạt khoảng 408,5 triệu USD.

Cũng theo Undercurrent News, không mặt hàng thủy sản nào của Áo, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh bị đưa vào danh sách đề xuất áp thuế của Mỹ.

USTR dự kiến sẽ tổ chức các buổi trao đổi trực tuyến với doanh nghiệp vào đầu tháng 5 và hạn chót để bất kỳ ai muốn tham dự đăng ký là ngày 21/4. Các phiên họp như vậy thường nhằm mục đích thảo luận xem chính phủ nên loại hoặc thêm mặt hàng nào vào danh sách đánh thuế.

Tuy nhiên, ông Nathan Rickard - luật sư tại công ty luật Picard Kentz & Rowe (trụ sở tại Maryland, Mỹ) và đang đại diện Liên minh Tôm miền Nam (SSA), cho biết hiệp hội các nhà sản xuất tôm này hiện không có dự định yêu cầu chính phủ tăng cường thuế quan với tôm nước ấm Ấn Độ.

Ngành thủy sản chưa "hết khổ" vì Mục 301, Luật Thương mại Mỹ

Từ ngày 2/6 năm ngoái, dựa theo Mục 301 của Luật Thương mại Mỹ, USTR đã bắt đầu điều tra các cáo buộc liên quan đến thuế DST và khi đó ông Donald Trump vẫn là đương kim Tổng thống Mỹ.

Các cuộc điều tra của USTR chủ yếu tập trung vào 9 nước và Liên minh châu Âu (EU), nhưng Brazil, Cộng hòa Czech, Indonesia và EU vẫn chưa thông qua thuế DST nên USTR đã dừng điều tra với họ.

Tháng 1 năm nay, USTR xác định 6 nước Áo, Ấn Độ, Italy, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh đang áp dụng 6 loại thuế khác nhau, có dấu hiệu "phân biệt đối xử với các công ty mạng của Mỹ", "không phù hợp với các nguyên tắc áp thuế quốc tế" và tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp Mỹ. Theo đó, USTR đề xuất áp thuế quan trừng phạt tương xứng.

Dựa trên đề xuất cuối tháng 3, Undercurrent News nhận thấy USTR đang muốn thu lần lượt 325 triệu USD thuế từ Anh; 160 triệu USD từ Thổ Nhĩ Kỳ; 155 triệu USD từ Tây Ban Nha; 140 triệu USD từ Italy; 45 triệu USD từ Áo; và 55 triệu USD từ Ấn Độ.

Ngoài đề xuất áp thuế với 17 mặt hàng thủy sản, USTR còn muốn đánh thuế với thảm và hàng dệt may từ Thổ Nhĩ Kỳ; dầu gội đầu, quần áo và điều hòa không khí từ Anh; cũng như đồ thủy tinh từ Áo.

Luật sư Jessica Rifkin của công ty luật Benjamin England & Associates (trụ sở tại Illinois, Mỹ) cho biết đến nay chưa có khách hàng nào hoạt động trong lĩnh vực thủy sản bày tỏ thái độ lo lắng.

Mặc dù ngành thủy sản vẫn còn chịu nhiều bất ổn vì Mục 301 (Luật Thương mại Mỹ), bà Rifkin hy vọng chính quyền Tổng thống Biden sẽ không áp dụng chiến lược táo bạo mà ông Trump từng áp dụng với Mục 301 để chống lại hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc.

Khả Nhân