|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận Thuỷ sản Sóc Trăng (Stapimex) vượt mặt 'vua tôm' Minh Phú năm 2020, EPS lên tới 108.000 đồng

11:38 | 15/04/2021
Chia sẻ
Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Stapimex đạt hơn 756 tỷ đồng, gấp 1,2 lần Minh Phú và gấp hơn 3,3 lần Sao Ta. Bước sang năm 2021, doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức 400 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Thuỷ sản Sóc Trăng (Stapimex) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2020, dự kiến tổ chức ngày 24/4 tại Sóc Trăng.

Theo tài liệu này, Stapimex đặt kế hoạch sản lượng thành phẩm sản xuất năm 2021 đạt 32.000 tấn, tăng 31,6% so với thực hiện năm 2020, kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD, tăng nhẹ 1,3% và lợi nhuận 400 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng một nửa kết quả năm vừa rồi. 

Ngoài ra, Stapimex dự kiến trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức năm 2021 là 50% mệnh giá cổ phiếu trở lên.

Trước đó, năm 2020, công ty ghi nhận sản lượng thành phẩm sản xuất là 24.320 tấn, vượt 24,7% so với kế hoạch đề ra và tăng 31% so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu đạt 296 triệu USD, vượt gần 48% kế hoạch năm và tăng 45% so với năm 2019.

Doanh thu của công ty gần 6.933 tỷ đồng, tăng 43,6% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 780 tỷ đồng, gấp hơn 3,3 lần kế hoạch năm và gấp 2,9 lần năm 2019. Lợi nhuận sau thuế 756,8 tỷ đồng, gấp 2,9 lần năm trước đó. 

Công ty có vốn điều lệ 77,5 tỷ đồng. Với con số lãi khủng thì EPS năm 2020 của công ty lên tới hơn 108.000 đồng.

Thuỷ sản Sóc Trăng (Stapimex) vượt mặt nhiều tên tuổi ngành thủy sản nhưng kế hoạch 2021 khiêm tốn - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của MPC, Stapimex và FMC năm 2020. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính các công ty)

Đáng chú ý, kết quả lợi nhuận năm 2020 của Stapimex đã vượt qua những tên tuổi lớn trong ngành như Tập đoàn Minh Phú (Mã: MPC) với lợi nhuận sau thuế 617 tỷ đồng, tăng 38,3% so với năm 2019 hay CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) lợi nhuận sau thuế 225 tỷ đồng, xấp xỉ năm 2019.

Như vậy, so với "vua tôm" Minh Phú, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Stapimex đã gấp hơn 1,2 lần, vươn lên dẫn đầu ngành, đồng thời gấp hơn 3,3 lần FMC.

Tuy nhiên, xét về giá trị xuất khẩu năm 2020, MPC vẫn đứng ở vị trí cao nhất với kim ngạch hơn 588 triệu USD, sản lượng xuất khẩu gần 54.000 tấn.

Còn FMC ghi nhận doanh số 191,1 triệu USD, với sản lượng tôm thành phẩm chế biến là 20.307 tấn, sản lượng tôm thành phẩm tiêu thụ là 17.241 tấn.

Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) trong tháng 2/2021, 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam chiếm 24,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, Stapimex đứng ở vị trí thứ ba sau Công ty CP Minh Phú Hậu Giang và Tập đoàn Minh Phú. Các vị trí còn lại thuộc về các doanh nghiệp như Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty CP thực phẩm Sao Ta, Công ty CP Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau, Công ty TNHH Thủy sản Hải Long,...

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, Stapimex dự kiến trích 60% để bổ sung quỹ đầu tư phát triển, tương đương hơn 454 tỷ đồng và trả cổ tức bằng tiền mặt 10.000 đồng/cổ phần, tương đương 70 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2020, Stapimex có 1.845 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 40,7% so với con số đầu năm. Trong đó hàng tồn kho là 282 tỷ đồng, giảm 25,5% so đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền đạt 31 tỷ đồng, gấp gần 7,4 lần so với cuối năm ngoái. 

Cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp đạt 1.377 tỷ đồng, gần gấp đôi so với đầu năm. Tổng nợ phải trả là 468 tỷ đồng, trong đó, nợ đi vay của công ty gần 240 tỷ đồng, giảm gần 32% so với đầu năm và chiếm 13% cơ cấu nguồn vốn.

Tiền thân của Stapimex là doanh nghiệp nhà nước, được thành lập từ năm 1978. Đến năm 1993, công ty đổi tên thành Công ty Thủy sản xuất nhập khẩu Tổng hợp Sóc Trăng, sau đó cổ phần hóa trở thành công ty cổ phần, lấy tên là Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng vào tháng 6/2006.

Hoạt động chính của Stapimex là sản xuất và xuất khẩu, tiêu thụ nội địa các mặt hàng thủy sản đông lạnh, đặc biệt là chế biến và xuất khẩu tôm sú sang khoảng 20 quốc gia, trong đó Mỹ và Nhật là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Hiện, Stapimex có 292 cổ đông, nắm giữ hơn 7 triệu cổ phiếu. Trong đó, ông Tạ Văn Vững, Tổng giám đốc Stapimex nắm giữ hơn 1,4 triệu cổ phiếu, chiếm hơn 20%; bà Nguyễn Thị Bảy nắm giữ 15,9%, bà Trần Thị Cẩm Phả nắm giữ 11,2%; ông Trần Nguyễn Hoàng Phú, Phó Tổng giám đốc, nắm hơn 351.000 cổ phiếu, tương đương trên 5%.

Ngoài ra, ông Trần Văn Bằng, Phó Chủ tịch HĐQT nắm giữ 155.000 cổ phiếu, khoảng 2,2%, ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT giữ gần 122.000 cổ phiếu, tương đương 1,7%.

P. Dương