Cửa sáng cho tôm Việt Nam tại Mỹ
Theo dữ liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), trong tháng 2 năm nay, Mỹ nhập khẩu tổng cộng 52.903 tấn tôm, trị giá khoảng 450,8 triệu USD. Con số này tăng lần lượt 3% về khối lượng và 3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính trung bình, Mỹ trả 8,52 USD (tương đương 196.500 đồng) cho mỗi kg tôm nhập khẩu, giảm 1 xu so với giá ghi nhận hồi tháng 2/2020 và giảm 1% so với mức 8,64 USD/kg (tương đương 199.000 đồng/kg) hồi tháng 1 năm nay.
Trong đó, Ấn Độ chiếm 38% tổng lượng tôm nhập khẩu của Mỹ, xếp sau là Ecuador với 21%, Indonesia với 18,4% và Việt Nam với 8,2%.
Khó đánh bại lợi thế giá của Ecuador
Theo Undercurrent News, Ecuador đã bắt đầu tích cực giành thị phần tôm nhập khẩu tại Mỹ kể từ tháng 7 năm ngoái, khi Trung Quốc đình chỉ giấy phép xuất khẩu của nhiều công ty tôm lớn tại Ecuador do lo ngại virus SARS-CoV-2 lưu trên bao bì đóng gói.
Theo nhà phân tích thị trường Willem van der Pijl, khối lượng tôm mà Ecuador xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc năm ngoái giảm 9% so với năm 2019. Tuy nhiên, tính chung thì khối lượng tôm xuất khẩu của đất nước Mỹ Latin vẫn tăng 7% trong năm 2020 lên 670.000 tấn.
Do vắng bóng thị trường tỷ dân, Ecuador phải tìm kiếm các thị trường mới để bán gần 80.000 tấn tăng thêm so với năm 2019, ông van der Pijl lý giải. Do đó, chỉ riêng trong năm 2020, xuất khẩu tôm của Ecuador sang Mỹ tăng 50% và sang châu Âu tăng 27%.
Trong tháng 2 năm nay, Mỹ nhập khẩu khoảng 11.210 tấn tôm từ Ecuador, tổng trị giá hơn 72,5 triệu USD - tăng 29% về khối lượng và 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Undercurrent News cho biết, Ecuador có lợi thế lớn so với Ấn Độ, Indonesia và một số nhà cung ứng tôm lớn của Mỹ. Tôm thẻ chân trắng của Ecuador rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại của các nước khác.
Trung bình tháng 2 năm nay Mỹ chỉ phải trả khoảng 6,47 USD (tương đương gần 150.000 đồng) cho mỗi kg tôm Ecuador, mức giá này giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Ấn Độ xuất khẩu tôm với giá 8,78 USD/kg (tương đương 202.500 đồng/kg), tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Giá tôm của Indonesia dao động quanh 8,73 USD/kg (tương đương 202.000 đồng/kg), tương đương mức giá tháng 2/2020.
Dù giá tôm Ecuador dường như đang khá ổn định, các nhà xuất khẩu ở đất nước Mỹ Latin này vẫn lo ngại rằng giá tôm có thể đi xuống trong vài tuần tới khi mà giá của nhiều mặt hàng xuất khẩu khác của Ecuador đã giảm sâu.
Chia sẻ với Undercurrent News, một nhà sản xuất tôm nhỏ của Ecuador nói: "Tôi hy vọng giá tôm sẽ duy trì ở mức hiện tại, dù các dấu hiệu liên quan đều cho thấy khả năng cao là giá sẽ giảm trong tương lai gần".
"Giá chuối, cà phê và ca cao của Ecuador đã lao dốc trong vài tuần qua khi đại dịch COVID-19 và làn sóng lây nhiễm thứ ba càn quét châu Âu, mà đây vốn là thị trường quan trọng của Ecuador. Nhiều người lo lắng giá tôm sẽ chịu chung số phận", nguồn tin tiếp tục.
Cửa sáng cho tôm Việt Nam
Hai nước khác cũng chứng kiến doanh số bán hàng sang Mỹ tăng đột biến trong tháng 2 năm nay là Việt Nam và Argentina.
Cụ thể, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 4.365 tấn tôm, trị giá khoảng 43,5 triệu USD trong tháng 2/2021 - tăng 41% về khối lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá tôm trung bình rơi vào khoảng 9,98 USD/kg (tương đương hơn 230.000 đồng/kg).
Trong khi đó, Argentina đã xuất sang nền kinh tế lớn nhất thế giới khoảng 1.385 tấn tôm đỏ và thu về 14,6 triệu USD, tăng khoảng 49% về khối lượng và 55% về giá trị so với tháng 2/2020. Mỹ trả cho Argentina trung bình 10,55 USD/kg (tương đương hơn 243.000 đồng/kg).
Đáng chú ý, một quốc gia Nam Mỹ khác là Peru đã xuất khẩu sang Mỹ được 520 tấn tôm trị giá 3,7 triệu USD trong tháng 2 năm nay, tăng 28% về khối lượng và 26% về giá trị so với cùng kì năm trước.
Nhu cầu đối với tôm chất lượng cao của Mỹ và Canada đã góp phần thúc đẩy doanh số bán hàng của ba nước Việt Nam, Argentina và Peru, Undercurrent News nhận định.
Ấn Độ cần cải tiến
Ở diễn biến khác, các chuyên gia nuôi trồng thủy sản cảnh báo rằng, dù Ấn Độ vẫn giữ ngôi vương trong danh sách các nhà cung ứng tôm lớn nhất của Mỹ, doanh nghiệp ngành tôm Ấn Độ vẫn cần tìm kiếm các thị trường mới.
Hiệp hội các chuyên gia nuôi trồng thủy sản Ấn Độ (SAP) đã đề cập lại vấn đề trên trong một sách trắng mới công bố gần đây. Theo đó, SAP đề xuất Ấn Độ nên xây dựng chương trình tiếp thị riêng hoặc tham gia vào một sáng kiến toàn cầu để thúc đẩy mức tiêu thụ tôm ở các thị trường lớn.
SAP gợi ý Ấn Độ nên nghiên cứu những thị trường như châu Âu hoặc Nhật Bản, cũng như đầu tư vào phát triển thương hiệu "Made in India" để tăng độ cạnh tranh với sản phẩm tôm của các thị trường khác.
Dù khá lạc quan về triển vọng dài hạn của ngành tôm Ấn Độ, chuyên gia van der Pijl dự đoán trong nửa đầu năm nay, đất nước Nam Á sẽ phải chật vật phục hồi sản lượng tôm sau những biến động về sản lượng hồi năm ngoái.
Hơn nữa, hàng tồn kho tại Mỹ đang khá cao nên nhu cầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới đối với tôm Ấn Độ có thể sẽ bị kìm hãm. Ngoài ra, một thị trường lớn khác của Ấn Độ là Trung Quốc cũng đang chuyển sang tiêu thụ tôm trong nước do lo ngại virus SARS-CoV-2 trên hàng hóa.
Hai nhà cung ứng tôm lớn khác của Mỹ là Mexico và Trung Quốc lại gặp nhiều trở ngại hơn. Trong tháng 2 năm nay, Mỹ nhập khoảng 1.784 tấn tôm (trị giá 20,1 triệu USD) từ Mexico, giảm 20% về khối lượng và giảm 26% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp khối lượng tôm Mexico xuất sang Mỹ giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Ngoại giao Mỹ đe dọa sẽ cấm nhập khẩu tôm hoang dã từ Mexcio do lo ngại về các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng trong quá trình đánh bắt tôm của Mexico. Theo Undercurrent News, lệnh cấm này có thể có hiệu lực vào ngày 20/4 tới.
Trong khi đó, tôm Trung Quốc vẫn bị áp thuế quan mà chính quyền cựu Tổng thống Trump ban hành trong cuộc thương chiến với Bắc Kinh. Trong tháng 2 năm nay, Mỹ chỉ nhập khẩu 415 tấn tôm từ Trung Quốc, trị giá 2,1 triệu USD. Các con số này cùng giảm 63% về khối lượng và giá trị so với tháng 2 năm ngoái.