|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu cá tra Việt Nam tại Mỹ tăng cao nhưng xu hướng giá vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc

08:04 | 08/04/2021
Chia sẻ
Undercurrent News dẫn lời một số nguồn tin cho biết nhu cầu đối với cá tra nuôi Việt Nam tăng cao trong hai tháng 2 và 3 năm nay, giá cá thu mua tại ao theo đó cũng tăng lên. Tuy nhiên, nhu cầu hiện vẫn thấp hơn so với mức bình thường hàng năm, chủ yếu là do sức mua hạn chế của Trung Quốc - thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.

Trước đó, Undercurrent News từng đưa tin, ngành cá tra Việt Nam đang chờ đợi thời đểm các khách hàng Trung Quốc quay trở lại thị trường cũng như dự đoán ảnh hưởng của diễn biến này đến giá cá tra nói chung.

"Giá cá tra tại ao không thực sự tăng quá mạnh nhưng có khởi sắc", một nhà phân tích trong ngành chia sẻ. "Vài tuần sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, chúng tôi phân vân không rõ có phải giá cá tra giảm do công nhân nghỉ lễ hay không, nhưng sau đó khách hàng bắt đầu mua cá tra trở lại, mỗi tuần nhu cầu cũng cải thiện một chút".

Nhu cầu cá tra Việt Nam của Mỹ tăng cao nhưng xu hướng giá vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc - Ảnh 1.

Vị chuyên gia cho biết một số doanh nghiệp chế biến nhỏ tại Trung Quốc đã bắt đầu hỏi giá cá tra, trong khi trước đó họ không mấy quan tâm. "Khách hàng vẫn chưa chịu xuống tiền, nhưng dù sao họ cũng đang cân nhắc...", nhà phân tích nói với Undercurrent News.

Quy trình kiểm soát thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc vẫn nghiêm ngặt như trước, nhưng tốc độ dường như đã nhanh hơn. Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - CEO CTCP Vĩnh Hoàn, cho biết thông tin tương tự. Doanh số tháng 3/2021 của Vĩnh Hoàn đã "gần bằng 90% so với bình thường", bà Tâm cho hay.

"Gần đây, không khách hàng nào của chúng tôi phàn nàn về sự chậm trễ trong thủ tục hải quan tại Trung Quốc", bà Tâm nói. Ngoài ra, một số khách hàng xác nhận rằng lượng hàng tồn kho của Trung Quốc đang rất thấp, nhưng điều này khá hợp lý vì các công ty Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu cá tra từ tháng 11 năm ngoái.

Nhu cầu cá tra Việt Nam của Mỹ tăng cao nhưng xu hướng giá vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc - Ảnh 2.

Nguồn tin của Undercurrent News cho biết nông dân tại Việt Nam cũng không thực sự hối hả thả nuôi cá mới như giai đoạn này các năm trước.

"Người nông dân vẫn đang chờ đợi tín hiệu từ các thị trường lớn trước khi thả nuôi cá mới. Hiện tại Việt Nam đang bước vào mùa khô, thông thường nông dân sẽ thả giống và giá cá giống có xu hướng tăng. Tuy nhiên năm nay có nhiều dấu hiệu lẫn lộn, một số nông dân vẫn tiếp tục giữ cá trong ao mà không thu hoạch", nguồn tin của Undercurrent News chia sẻ.

"Diễn biến trên thị trường cá tra Việt Nam trong một hoặc hai tuần nữa sẽ chỉ ra cán cân cung - cầu trong nửa cuối năm 2021", nguồn tin nhấn mạnh.

Sau khi thăm một số trang trại cá tra, nguồn tin trên cho biết do nhiều người còn ngần ngại chưa muốn thu hoạch nên có một lượng cá tra cỡ thương phẩm đang chờ trong ao. Nông dân đang chờ đợi giá tăng thêm một chút để kiếm lời.

Nhu cầu cá tra Việt Nam của Mỹ tăng cao nhưng xu hướng giá vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc - Ảnh 3.

"Đặc biệt, nhiều con cá tra loại nặng hơn 1 kg mà Việt Nam hay bán cho Trung Quốc vẫn còn trong ao. Do giá thấp quá nên nông dân bây giờ khó xuất cá đi. Qua đó có thể thấy nông dân Việt Nam vẫn còn rất thận trọng", nguồn tin nhận xét. Người này còn ước tính khoảng 50% người nuôi đang hạn chế cho cá ăn để ngăn cá lớn nhanh, hy vọng giá sẽ cải thiện trong thời gian tới.

Dù vậy, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm cho biết Vĩnh Hoàn không tìm được nguồn cá tra để mua, ngay cả khi họ trả giá cao hơn. Bà Tâm tin rằng giá cá thu mua tại trang trại và giá xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng từ từ, khi mà nhu cầu phục hồi chậm nhưng giá thức ăn "tăng vọt".

"Vĩnh Hoàn cho rằng vào tháng 4, khách hàng sẽ bắt đầu chấp nhận mức giá cao hơn do nguồn cung vẫn ở mức khiêm tốn. Giai đoạn mùa hè năm nay (khoảng tháng 5 - 7), nguồn cung cá sẽ hạn chế hơn bình thường vì nông dân thường thu hoạch cá tra vào mùa hè nhưng năm nay nhiều khả năng là không", bà Tâm lập luận.

Nhu cầu khả quan ở Mỹ

Nguồn tin khác của Undercurrent News cho biết dù thị trường bán lẻ tại Liên minh châu Âu (EU) nhìn chung vẫn ổn định nhưng ngành dịch vụ thực phẩm vẫn còn khá kém khả quan.

"Tuy cước phí vận tải biển tăng cao, giá cá tra vẫn không tăng. Việt Nam đang cố gắng kéo giá lên, nhưng không công ty châu Âu nào đặt đơn hàng", nguồn tin này chia sẻ hồi cuối tháng 3.

Ông dự đoán giá phi lê cá tra tháng 3 (FOB, sơ chế theo yêu cầu của EU) vào khoảng 2,2 USD/kg (tương đương gần 51.000 đồng/kg) và giá phi lê cá tra cao cấp, chưa qua sơ chế là khoảng 3,3 USD/kg (tương đương hơn 76.000 đồng/kg). Mức giá mà nguồn tin đưa ra về cơ bản là đang đi ngang, ít biến động trong thời gian qua.

Trong khi đó, nhu cầu tại Mỹ lại tốt hơn, ông Bob Noster - lãnh đạo cấp cao của công ty Seattle Shrimp & Seafood (SSS) cho hay.

"Nhu cầu của Mỹ đang rất mạnh, vì cả các nhà bán lẻ và công ty khai thác dịch vụ ăn uống đều đang bận rộn với hoạt động kinh doanh trong mùa xuân và mùa hè", ông Noster nhấn mạnh.

Vị lãnh đạo của SSS cho biết để hoàn thành đơn hàng, các nhà máy sơ chế cá tra tại Việt Nam vẫn tiếp tục thu mua nguyên liệu bên ngoài với giá nhỉnh hơn để bổ sung cho nguồn cá tra thu mua từ trang trại.

Ông Noster nói thêm, giá cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ đã tăng khoảng 6 - 7% kể từ cuối tháng 2. Giá phi lê cá tra tại Mỹ đã tăng từ 1,6 - 1,65 USD/pound (tương đương 81.000 - 83.500 đồng/kg) hồi cuối tháng 2 lên 1,7 - 1,75 USD/pound (tương đương 86.000 - 89.000 đồng/kg).

"Mức giá của các lô cá tra nhập khẩu từ Việt Nam trong tháng 4 cao hơn nữa, tôi dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục trong một vài tháng tới. Sản lượng cá tra ở Việt Nam thường đạt đỉnh vào mùa hè... cho nên chúng tôi đoán giá của các đơn hàng tháng 5 và 6 sẽ giảm nhẹ nhưng dù sao vẫn phụ thuộc vào thói quen mua hàng của Trung Quốc", ông Noster cho hay.

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.