|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VDSC: Chu kỳ tăng giá nguyên liệu của cá tra bắt đầu trong nửa đầu năm 2021

19:00 | 25/02/2021
Chia sẻ
Giá bán cá nguyên liệu đã duy trì dưới giá thành trong gần hai năm khiến nhiều nông dân “treo ao” trong thời gian dài. Diện tích nuôi cá tra cả nước đã giảm mạnh 9%, báo hiệu cho sự sụt giảm nguyên liệu trong nửa đầu năm 2021.

Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết năm 2020, dịch bệnh trên toàn cầu đã kéo dài thêm chuỗi ngày giảm giá xuất khẩu từ cuối năm 2018 của ngành cá tra. 

Giá đã rơi mạnh về mức thấp nhất trong năm năm gần đây. Giá bán thấp hơn giá thành trong thời gian dài khiến nhiều nông dân ngừng thả nuôi mới. Điều này báo hiệu một sự thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu và giá nguyên liệu tăng cao trong nửa đầu năm 2021 trước khi giảm dần trong nửa cuối năm.

Tuy nhiên, mức giảm sẽ không mạnh nhờ nhu cầu thế giới phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhu cầu cá tra toàn cầu sẽ dần phục hồi sớm tại Trung Quốc, Bắc Mỹ và châu Âu nhờ có vắc xin. 

Dù vậy tâm lý ngần ngại chấp nhận vắc xin của một bộ phận lớn người dân các nước Âu Mỹ có thể sẽ dẫn đến sự thiếu hụt đơn hàng lớn và giá xuất khẩu khó tăng mạnh.

Phân tích cụ thể triển vọng đầu tư, VDSC cho rằng nhu cầu cá nuôi làm thực phẩm sẽ ngày càng tăng. 

Theo dự báo của WHO, dân số thế giới sẽ vượt 9,5 tỷ người vào năm 2030 nhưng ngành đánh bắt cá từ tự nhiên sẽ không tăng trưởng để đảm bảo đa dạng sinh học. Vì vậy, cá nuôi sẽ dần thay thế cá tự nhiên trong việc cung cấp đạm cho con người. 

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), tỷ lệ cá nuôi trong tổng nguồn cung cấp cá sẽ tăng từ 47% trong năm 2016 lên 54% vào năm 2030. 

VDSC: Chu kỳ tăng giá nguyên liệu của cá tra bắt đầu trong nửa đầu năm 2021 - Ảnh 1.

Thủy sản đánh bắt và nuôi trồng trên toàn cầu. Nguồn: FAO/VDSC

Bên cạnh đó, nhu cầu cá tra sẽ sớm trở lại tại các thị trường chính gồm Trung Quốc, Bắc Mỹ và châu Âu (chiếm tổng cộng 65% kim ngạch xuất khẩu hàng năm) nhờ người dân tại các nước này được tiếp cận với các loại vắc xin COVID-19 sớm hơn các nước khác. 

Song song đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Anh (UKVFTA) sẽ kích thích nhu cầu cá tra của người dân EU. 

Theo EVFTA, thuế nhập khẩu vào EU 27 sẽ được giảm từ mức 5,5% (2019) xuống 0% (2023) đối với cá tra nguyên liệu và từ 7% (2019) xuống 0% (2027) đối với cá tra chế biến. Các cam kết thuế quan của UKVFTA cũng sẽ tương tự EVFTA. 

Đến nay, mức độ hưởng lợi của các doanh nghiệp cá tra từ EVFTA chưa rõ ràng do dịch bệnh đã cản trở tiêu thụ. 

Theo VDSC nguồn cung thiếu hụt làm sẽ tăng giá cá nguyên liệu trên thị trường trong nửa đầu năm 2021. 

Giá bán cá nguyên liệu đã duy trì dưới giá thành trong gần hai năm khiến nhiều nông dân “treo ao” trong thời gian dài. Diện tích nuôi cá tra cả nước cuối tháng 9/2020 đã giảm mạnh 9% so với cuối năm 2019, báo hiệu cho sự sụt giảm nguyên liệu trong nửa đầu năm 2021. 

"Vì vậy, giá cá nguyên liệu có thể tăng mạnh trong nửa đầu năm và khuyến khích nông dân thả nuôi nhiều hơn. Hệ quả là giá nguyên liệu sẽ giảm dần trong nửa cuối năm nhưng mức giảm không lớn nhờ được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu thụ phục hồi", VDSC dự báo.

Tuy nhiên, bước sang năm 2021, theo McKinsey, có đến 45% người dân Mỹ trưởng thành cho biết sẽ quan sát tính hiệu quả của vắc xin COVID-19 trên thực tế rồi mới quyết định có tiêm ngừa hay không. 

Điều này sẽ khiến niềm tin tiêu dùng phục hồi chậm và giá xuất khẩu khó tăng mạnh khi thiếu đơn hàng lớn. Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp, theo đó, có thể sẽ thu hẹp trong nửa đầu năm và hồi phục dần trong nửa cuối năm. 

Như Huỳnh