Tôm Ấn Độ đang vật lộn để duy trì thị phần ở các thị trường lớn
Trong một cuộc phỏng vấn với Undercurrent News , ông Jagdish Fofandi, chủ tịch Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (SEAI), cho biết nước này hiện đang đối mặt với cuộc đấu tranh để giữ lại thị trường Mỹ - một quốc gia được xem là trụ cột của nhiều nước xuất khẩu thuỷ sản.
Vị này cho biết :“Bản thân Mỹ cũng là thị trường sản xuất tôm thẻ chân trắng thuộc top đầu thế giới. Ấn Độ đang có lợi thế về chế biến và chúng tôi có những sản phẩm chế biến sâu mà Mỹ chưa thể làm được. Thế nhưng có vẻ như Ecuador đang dần đuổi kịp chúng tôi. Và nếu sản lượng ở Ecuador tăng mạnh, thì đây sẽ là áp lực lớn cho các nhà cung cấp trong đó có Ấn Độ. Khi đó, chúng tôi buộc phải thích nghi với việc này”.
Trước đây, Ecuador thường xuất khẩu tôm nguyên co sang thị trường Trung Quốc. Nhưng hiện tại, quốc gia Nam Mỹ này đang đẩy mạnh các sản phẩm chế biến sâu hơn.
Điều này đồng nghĩa riêng mặt hàng chế biến sâu tại thị trường Mỹ, Ấn Độ đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn từ Ecuador với vị trí địa lý gần hơn rất nhiều. Điều này giúp Ecuador có lợi thế rất lớn về mặt chi phí vận chuyển so với Ấn Độ nhất là trong bối cảnh giá cước tàu đang ngày một tăng phi mã.
“Bất lợi lớn nhất với chúng tôi hiện nay là cước vận tải. Trước khi COVID-19 xảy ra, cước vận tải chỉ khoảng 15 rupee/kg nhưng hiện tại con số này đã lên tới 70 rupee/kg. Một số quốc gia đang tìm cách hạ nhiệt giá cước vận tải nhưng có vẻ vấn đề này sẽ còn kéo dài đến năm sau. Các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu cũng không thể làm gì ngoài việc chấp nhận mức giá cao”, ông Jagdish Fofandi cho biết.
Giá tôm nguyên liệu đang tăng khá mạnh trên toàn cầu, với mức tăng 22-25% do nhu cầu phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19.
Nhờ vậy năm ngoái, xuất khẩu tôm của Ấn Độ đạt giá trị và khối lượng cao kỷ lục với hơn 734 nghìn tấn, đem về 5,7 tỷ USD.
Người đứng đầu SEAI tin rằng những năm tới nhiệm vụ trọng tâm của Ấn Độ tại thị trường Mỹ là củng cố thị phần đang có.
“Với tình hình sản lượng tôm ở mọi nơi đều tăng trong đó có các nước đối thủ như Indonesia, Việt Nam, Thái Lan; sức ép cạnh tranh đối với Ấn Độ là rất lớn. Do đó, chúng tôi sẽ ưu tiên việc cũng cố thị phần tại Mỹ”, ông Jagdish Fofandi nói.
Ngoài thị trường Mỹ, ngành tôm Ấn Độ cũng đang gặp khó khăn tại Trung Quốc. Năm ngoái, chính quyền Trung Quốc quyết định đình chỉ một số công ty xuất khẩu tôm của Ấn Độ sau khi phát hiện virus Sars-CoV-2 có trên bao bì một số lô hàng thuỷ sản đông lạnh.
Một năm sau, tình hình cũng không khá khẩm hơn khi Trung Quốc vẫn siết chặt việc kiểm dịch.
“Hiện tại, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác đang gặp vấn đề tại thị trường Trung Quốc liên quan đến các chính sách kiểm dịch ngặt nghèo. Có tới 100 nhà máy Ấn Độ bị đình chỉ xuất khẩu vào Trung Quốc mặc dù chính phủ hai nước đã thương thảo nhiều lần với nhau. Chúng tôi hi vọng tình hình sắp tới sẽ được cải thiện bởi Trung Quốc đang kiểm soát tốt dịch bệnh”, ông Jagdish Fofandi nói.
Còn tại Châu Âu, đây vẫn là thị trường tiềm năng mà Ấn Độ chưa khai thác hết, dại diện SEAI cho biết: “Tôi nhìn thấy miếng bánh lớn tại đây, nơi mà thị phần của tôm Ấn Độ mới chỉ 4%. Còn quá nhiều dư địa để phát triển tại ty trường Châu Âu. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất lại EU là quy định nghiêm ngặt về quản lý dư lượng thuốc kháng sinh trên tôm”.
Hiện tại, tỷ lệ EU lấy mẫu xét nghiệm đối với tôm Ấn Độ là 50% trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam và Thái Lan chỉ 10%.
Hơn thế nữa, Việt Nam có lợi thế về thuế quan hơn so với Ấn Độ nhờ Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA.
Mặc dù vậy, với ông Jagdish Fofandi, EU vẫn là thị trường tiềm năng nếu khai thác thành công bởi Ấn Độ có một số công ty đang bán hàng tại Châu Âu nhiều năm qua. Hiện tại, đang có 14 công ty xuất khẩu tôm đang chờ được EU cấp phép xuất khẩu trở lại và nhiều công ty khác đang chờ được cấp mới.
“Chúng tôi có những nhà máy chế biến tôm hàng đầu thế giới nhưng vẫn chưa được EU cấp phép để xuất khẩu. Đó là vấn đề lớn, chính phủ Ấn Độ cũng đang thương thảo với EU về vấn đề này”