|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước đẩy mạnh mua ròng hơn 1.600 tỷ đồng tuần thị trường đỏ lửa, tập trung gom cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán

19:10 | 20/06/2022
Chia sẻ
Tổ chức trong nước có tuần mua ròng trọn vẹn 5/5 phiên với tổng giá trị lên tới 1.623 tỷ đồng. Tính riêng kênh khớp lệnh thì họ gom ròng 1.815 tỷ đồng.

Diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong 13 – 17/6 hợp đồng tương lai đáo hạn và ETFs cơ cấu danh mục. VN-Index đóng cửa giảm 5,2%, tương đương đánh mất 66,78 điểm xuống ngưỡng mốc 1.217,3 cùng mức giảm trên diện rộng của 345 cổ phiếu so với 51 cổ phiếu tăng.

Với diễn biến tiêu cực của thị trường chung, phần lớn các nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ. Cổ phiếu dịch vụ tài chính giảm mạnh nhất với tỷ lệ mất giá là 20,2%, theo sau là ô tô phụ tùng (-11,5%), tài nguyên cơ bản (-10,9%). Cùng với ngành ngân hàng, các ngành có tính chu kỳ cao như chứng khoán, tài nguyên đóng góp phần lớn vào đà giảm của thị trường.

Giữa sắc đỏ của thị trường chung, khối ngoại vẫn mua ròng gần 1.080 tỷ đồng với ETF Diamond và Fubon đóng góp phần lớn. Cùng với NĐT ngoại, tổ chức trong nước cũng có tuần mua ròng trọn vẹn 5/5 phiên với tổng giá trị lên tới 1.623 tỷ đồng. Tính riêng kênh khớp lệnh thì họ gom ròng 1.815 tỷ đồng.

 Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Tổ chức trong nước mua ròng trọn vẹn 18 nhóm ngành

Với lực cầu áp đảo, tổ chức trong nước vừa có tuần mua ròng tích cực ở toàn bộ các nhóm ngành, trong đó cổ phiếu của các nhà băng thu hút mạnh mẽ nhất dòng tiền của các tổ chức nội với giá trị mua ròng đạt 673 tỷ đồng.

Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng lan tỏa sang nhóm bất động sản với giá trị vào ròng hơn 194 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền tổ chức nội còn chảy vào các ngành dịch vụ tài chính (174 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (163 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (111 tỷ đồng), công nghệ thông tin (108 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (103 tỷ đồng).

Theo thống kê, nhóm chứng khoán đã giảm 50,08% kể từ thời điểm đầu năm, giảm mạnh nhất thị trường và cách xa nhóm giảm mạnh khác là thép, giảm 34% trong khi ngân hàng chỉ giảm 22,6%.

Định giá của nhóm tài chính đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 3 năm và giảm sâu xuống dưới đường -2 lần độ lệch chuẩn cho thấy nhóm này bị bán quá đà, để ngỏ kỳ vọng khi cung cạn hoặc khi dòng tiền tăng đủ mạnh sẽ kéo theo giá tăng.

Trái ngược với ngân hàng, cổ phiếu ngành điện, nước, xăng dầu khí đốt ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch tăng 0,4% so với tuần trước, và là mức cao nhất trong vòng 10 tuần liên tiếp, tăng gần gấp 4 lần so với tuần thấp nhất trong số 10 tuần này.

Thống kê của FiinTrade chỉ ra, chỉ số dòng tiền tích lũy vào nhóm điện, nước & xăng dầu khí đốt bắt đầu đi lên mạnh mẽ từ cuối tháng 5/2022 và đang tiến về mức cao nhất trong năm, điều này cho thấy dòng tiền vào nhóm này ồ ạt trong 3 tuần qua, chủ yếu tập trung vào nhóm điện, khí.

Nối tiếp, hoạt động giải ngân dưới trăm tỷ đồng cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là hàng cá nhân & gia dụng (80 tỷ đồng), bán lẻ (54 tỷ đồng), hóa chất (54 tỷ đồng), …

 Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp. 

Cổ phiếu nào được mua/bán nhiều nhất?

 (Ảnh: Thảo Bùi).

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào chứng chỉ quỹ FUEVFVND.

Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 131,2 tỷ đồng cổ phiếu MBB của MBBank. Theo quan sát, MBB nằm trong Top2 ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index, cụ thể mã này đã lấy đi 4,1 điểm của chỉ số.

Cùng với MBB, một đại diện khác từ nhóm các nhà băng là STB cũng được tổ chức nội gom ròng với giá trị là 85 tỷ đồng.

Mặc dù diễn biến của phần lớn các mã ngân hàng vận động kém sắc trong tuần vừa qua, nhóm này cũng thu hút mạnh mẽ dòng tiền của các tổ chức nội. Gần đây, Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp. 

Trở lại với giao dịch của tổ chức trong nước, dòng tiền nhóm này cũng tìm đến các đại diện nhóm bất động sản và thep như VIC (110 tỷ đồng) và HPG (104 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, mã VND của VNDirect chịu áp lực rút vốn mạnh nhất với giá trị rút ròng 45,9 tỷ đồng, có phần vượt trội hơn các mã còn lại trong Top5. Hoạt động bán mạnh cổ phiếu của VND của VNDirect diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm sâu và lùi về vùng giá hồi cuối tháng 7/2021.

Trở lại với giao dịch của tổ chức trong nước, dòng tiền rút khỏi chứng chỉ quỹ ASM (19 tỷ đồng), NT2 (16 tỷ đồng) và ACB (11 tỷ đồng).

Thảo Bùi