|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cảnh báo dấu hiệu bất thường khi nhiều hội nhóm hô hào NĐT tạo tài khoản giao dịch T+0

14:50 | 20/06/2022
Chia sẻ
Chuyên gia nhấn mạnh, một khi chúng ta đầu tư chứng khoán hay tài chính, chỉ khi quản trị được thì mới nên tham gia. Còn với những thứ hàm chứa rất nhiều rủi ro trong bối cảnh thị trường đi xuống thì chúng ta nên cân nhắc đến việc chúng ta sẽ có thể không được pháp luật bảo vệ nếu một ngày rủi ro đó xảy ra.

Nở rộ mời chào giao dịch T+0

Có thể thấy việc thị trường đi xuống trong thời gian gần đây và tài khoản nhà đầu tư bốc hơi hàng chục phần trăm giá trị đã khiến nhiều người bị tâm lý ăn thua chi phối. Tâm lý nóng vội muốn gỡ nhanh, làm giàu nhanh đã khiến nhà đầu tư nằm trong tầm ngắm của những trò lừa đảo với những lời hứa hẹn hấp dẫn.

Phóng sự gần đây của VTV Digital cho thấy nhiều nhà đầu tư được mời gọi vào một group đầu tư gọi là “Stock X”, cho phép mọi người giao dịch trong ngày T+0.

Theo quy định của luật chứng khoán hiện hành, nhà đầu tư không phân biệt nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức đều giao dịch theo chu kỳ T+3 trên thị trường chứng khoán cơ sở. Ví dụ sau khi giao dịch mua thành công thì đến 16h30’ sau hai ngày làm việc (T+2) thì cổ phiếu sẽ về tài khoản, và vào ngày làm việc tiếp theo (T+3) thì nhà đầu tư mới có thể bán nhưng gần đây đã xuất hiện một số nhóm Zalo hô hào các nhà đầu tư góp vốn để có thể giao dịch T+0 nhằm mua và bán cổ phiếu cơ sở ngay trong ngày. Đặc biệt hoạt động của các nhóm này có rất nhiều điểm bất thường.

Theo chia sẻ của một nhà đầu tư trong nhóm, ban đầu có người gọi điện tự xưng là nhân viên của công ty tư vấn đầu tư, mời chào tham gia vào nhóm Zalo để chia sẻ cơ hội đầu tư từ đầu tư chứng khoán, sau khi được thêm vào nhóm, người này được hướng dẫn cài đặt một ứng dụng có tên là Stock X qua một đường link (trong ảnh dưới đây), sau đó chuyển tiền qua một tài khoản cá nhân để nạp tiền vào ứng dụng và có thể thực hiện giao dịch T+0.

Nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường, nhà đầu tư đã phản ánh với Bản tin Tài chính kinh doanh của VTV Digital. Người này còn cho rằng lời mời gọi này đến từ nhân viên tư vấn của các công ty chứng khoán chính thống.

Theo ghi nhận, tất cả các hình ảnh về biên nhận chuyển tiền đều được gửi lên nhóm và đều có chung 1 người nhận. Với số tiền ngày một lớn từ vài trăm triệu lên đến hàng tỷ đồng, cùng với đó là hình ảnh khoe tài khoản lãi khủng, giá trị hiển thị trên ứng dụng lên tới hàng chục tỷ đồng.

Bên cạnh đó các nhóm này thường xuyên tổ chức các lớp học trực tuyến, thường vào 8h tối, tuy nhiên theo tìm hiểu đây gần như là video được thu sẵn. Người được gọi là thầy cũng chưa bao giờ lộ mặt và phần tương tác cũng chỉ là những bình luận tự động. Cũng có nhà đầu tư trao đổi rằng họ nạp vào app tiền tỷ nhưng không rút được ra.

NĐT cần làm gì để không trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo?

Điều đầu tiên bản thân các nhà đầu tư cần đặt câu hỏi rằng ứng dụng sẽ lấy tiền từ đâu để trả lãi khủng nếu ình tham gia? Nếu thực sự kinh doanh có hiệu quả tại sao cần huy động vốn lẻ tẻ từ nhiều người?

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, với trường hợp này tôi thấy có dấu hiệu rất bất thường, dấu hiệu gian lận, lừa dối khách hàng. Nộp tiền vào một tài khoàn chứng khoán thường phải thông qua công ty chứng khoán, đều phải xử lý qua ngân hàng trung gian chứ những đơn vị không rõ lai lịch đứng ra tổ chức như vậy thì có dấu hiệu sai trái và vi phạm pháp luật.

Chia sẻ trong chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, Ngô Minh Đức, Chủ tịch LCTV Investment cũng có những khuyến cáo cho nhà đầu tư với những lời mời gọi đầu tư trá hình và nặc danh

Trong chứng khoán có hai dạng thị trường là thị trường giá lên và thị trường giá xuống. Đối với thị trường giá lên thì nhà đầu tư có thể sử dụng leverage (tỷ lệ đòn bẩy – PV) để mở rộng đầu tư. Đối với thị trường giá xuống cách tốt nhất theo ông Đức là cắt bỏ càng sớm càng tốt các khoản leverage và margin. Đó là các khoản công ty chứng khoán cho vay, chỉ cần leverage cao thì hiệu suất đòn bẩy nó sẽ làm cho những nhà đầu tư đang thua lỗ càng lún sâu vào thua lỗ.

Thực tế cho thầy vẫn còn nhà đầu tư đang sử dụng leverage rất cao trong bối cảnh thị trường đi xuống rất mạnh, đấy là một điều hoàn toàn không nên.

Mặt khác những giao dịch T+0 qua ứng dụng hay tương tự là những giao dịch ẩn danh, nó không phải là giao dịch đích danh như mua/bán cổ phiếu tài sản trên tài khoản của nhà đầu tư.

“Những giao dịch ẩn danh này hàm chứa rất nhiều yếu tố rủi ro. Một khi chúng ta đầu tư chứng khoán hay tài chính, chỉ khi quản trị được thì mới nên tham gia. Còn với những thứ hàm chứa rất nhiều rủi ro trong bối cảnh thị trường đi xuống thì chúng ta nên cân nhắc đến việc chúng ta sẽ có thể không được pháp luật bảo vệ nếu một ngày rủi ro đó xảy ra”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Thu Thảo