Tổ chức trong nước có tháng xả mạnh nhất từ đầu năm, đột biến từ thương vụ bán cổ phiếu quỹ của Sacombank
Thị trường chứng khoán phiên cuối tháng 7 khép lại hiệu ứng bùng nổ theo đà tại hầu hết các nhóm cổ phiếu. Cộng hưởng với sự chuyển biến tích cực của dòng tiền, VN-Index đã thành công vượt ngưỡng cản tâm lý tại vùng 1.300 điểm.
Tuy nhiên, nhìn lại những kỷ lục mà thị trường tháng 6 đã tạo ra, tháng 7 là một nỗi buồn với nhiều nhà đầu tư khi phần lớn thành quả giao dịch gần như bị 'cuốn trôi' sau những phiên đổ dốc liên tiếp.
Tương quan giữa số phiên tăng/giảm trong tháng 7 là 13/9. Ba phiên bán tháo có mức giảm trên 50 điểm mỗi phiên, trong khi phiên tăng mạnh nhất mới chỉ ghi nhận 33,76 điểm.
VN-Index kết phiên 30/7 tại 1.310,5 điểm, giảm 98,5 điểm, tương đương 6,99% so với cuối tháng 6. Tính từ vùng đỉnh cao nhất, chỉ số sàn HOSE đã bốc hơn 8% về giá trị. Diễn biến tương tự, HNX-Index và UPCoM-Index cũng giảm lần lượt 2,62% và 3,68% so với hồi cuối tháng 6.
Dữ liệu thống kê từ Fiinpro cho thấy, NĐT tổ chức trong nước đã bán ròng 4.306 tỷ đồng trong tháng 7. Lực xả từ khối này gấp đôi tháng trước và ghi nhận mức cao nhất từ đầu năm. Áp lực bán từ tổ chức nội đã tác động phần nào lên tâm lý thị trường chung. Không chỉ bộ phận NĐT tổ chức trong nước, khối tự doanh công ty chứng khoán cũng tăng quy mô bán ròng từ 540 tỷ đồng tháng trước lên 1.645 tỷ đồng trong tháng này.
Tổ chức nội xả hơn 3.100 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng
Quan sát diễn biến theo từng nhóm ngành cho thấy cổ phiếu ngân hàng bị các tổ chức trong nước bán mạnh nhất qua kênh khớp lệnh trong tháng 7 với giá trị trên 3.100 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giá trị tháng 6.
Dễ thấy, áp lực xả cổ phiếu ngân hàng diễn ra trong bối cảnh thị trường liên tục lao dốc và cổ phiếu nhóm này đã trải giai đoạn tăng nóng trước đó nên nhà đầu tư có xu hướng hiện thực hóa lợi nhuận.
Theo dự báo của các chuyên gia, tốc độ tăng của cổ phiếu của các nhà băng sẽ chậm hơn để 'nhường chỗ' cho những nhóm ngành khác, đặc biệt khi nền kinh tế đón làn sóng phục hồi sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Trở lại với giao dịch của NĐT tổ chức trong nước, quy mô bán ròng cũng tăng lên ở nhóm bán lẻ, bất động sản với giá trị lần lượt là 349 tỷ và 480 tỷ đồng.
Tại chiều mua, cổ phiếu nhóm dầu khí trở lại hút tiền tổ chức nội với giá trị mua ròng hơn 83 tỷ đồng, dù tháng trước đó nhóm này bị bán ròng mạnh nhất với hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tổ chức trong nước cũng chuyển vị thế mua ròng tại nhóm hóa chất, tài nguyên cơ bản (thép).
Tập trung xả hơn 2.500 tỷ đồng STB và loạt mã ngân hàng
Thống kê giao dịch theo từng mã, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) bị NĐT tổ chức trong nước xả mạnh nhất với giá trị đột biến gần 2.521 tỷ đồng. Một số mã khác ngành ngân hàng cũng bị bán ra là CTG (610,6 tỷ đồng), MBB (247,2 tỷ đồng), TCB (245,4 tỷ đồng), VPB (238,2 tỷ đồng).
Mặc dù không có quá nhiều thông tin hỗ trợ để ủng hộ cho xu hướng tăng tiếp diễn của nhóm ngân hàng, nhưng trên thị trường cũng không xuất hiện tin xấu khiến lực cung tăng đột biến. Do đó, chỉ có thể lý giải dòng tiền rút khỏi cổ phiếu ngân hàng trên diện rộng đến từ áp lực chốt lời sau giai đoạn tăng nóng.
Lực bán của khối tự doanh còn xuất hiện tại một số bluechip như NVL (607,5 tỷ đồng), VHM (448,1 tỷ đồng), MWG (359,6 tỷ đồng) và FPT (249,8 tỷ đồng).
Cuối cùng, VCI là đại diện duy nhất của nhóm chứng khoán nằm trong Top 10 mã bị NĐT tổ chức trong nước bán ròng mạnh nhất tháng 7 với giá trị 184 tỷ đồng.
Cùng thuộc dòng cổ phiếu ngân hàng nhưng ACB lại dẫn đầu Top10 mã được mua ròng với giá trị 450 tỷ đồng. Kế đó, dòng tiền tự doanh còn tìm đến cổ phiếu của các nhà băng khác như OCB (350 tỷ đồng), LPB (132 tỷ đồng). Nhiều khả năng các cổ phiếu này được gom ròng do hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF.
Dòng tiền cũng tập trung giải ngân lần lượt 121 tỷ và 119 tỷ đồng vào hai cổ phiếu DGC và VIC. Cùng chiều, các mã ghi nhận giá trị vào ròng dưới 100 tỷ trong tháng qua là KDH, NLG, IJC, PLX và chứng chỉ quỹ E1VFVN30.