|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại đảo chiều gom 4.600 tỷ trong tháng 7 sau hai tháng bán ròng mạnh liên tiếp

10:04 | 29/07/2021
Chia sẻ
Trong tháng 7 khi VN-Index lập đỉnh 1.420 điểm rồi sau đó lao dốc, các nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh mua vào hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu, nhiều nhất là VHM, NVL, HPG và STB.
Khối ngoại đảo chiều gom 4.600 tỷ trong tháng 7 sau hai tháng bán ròng mạnh liên tiếp - Ảnh 1.

Công viên ánh sáng Vinhomes Grand Park. Cổ phiếu VHM của Vinhomes là một trong những mã được khối ngoại mua nhiều nhất trong 7 tháng đầu năm nay. (Ảnh: vinhomes.vn).

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh trong tháng 7. VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.420 điểm vào phiên 2/7 rồi đột ngột lao dốc, chạm đáy 1.243 điểm vào phiên 19/7, tương ứng mất 177 điểm từ đỉnh. Hiện nay chỉ số đã hồi phục một phần lên mức 1.277 điểm.

Trong 20 phiên giao dịch vừa qua có tới 6 phiên VN-Index biến động từ 2% trở lên. Đi kèm với biến động lớn là thanh khoản giảm sút khi nhà đầu tư ngại xuống tiền. 

Trên HOSE không còn những phiên khớp lệnh tỷ đô như hồi tháng 6, giá trị giao dịch duy trì dưới 20.000 tỷ đồng. Gần đây nhất, vào ngày 28/7, giá trị khớp lệnh ở HOSE chỉ còn 11.400 tỷ, mức thấp nhất kể từ tháng 2 trở lại đây.

Trong bối cảnh nhà đầu tư trong nước e dè, khối ngoại vẫn tích cực mua bán với tổng giá trị giao dịch không kém gì những tháng trước. 

Do thanh khoản toàn thị trường giảm nên tỷ trọng giao dịch của khối ngoại tăng từ 6,4% trong tháng 5 và 6 lên 7,9% trong tháng 7.

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng chuyển từ chế độ "xả hàng" trong hai tháng trước thành chế độ "gom hàng" trong tháng 7 này với giá trị tính đến phiên 28/7 là 4.600 tỷ đồng, tương đương với lượng bán ròng trong tháng 6.

Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn bán nhiều hơn mua, giá trị bán ròng vượt 25.800 tỷ đồng.

Khối ngoại đảo chiều gom 4.600 tỷ trong tháng 7 sau hai tháng bán ròng mạnh liên tiếp - Ảnh 3.

Những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong tháng 7 bao gồm NVL của Novaland, VHM của Vinhomes và STB của Sacombank với giá trị gom trên 1.000 tỷ đồng.

Nhóm đứng sau có HPG của Hòa Phát được gom 977 tỷ, MBB của Ngân hàng Quân Đội 880 tỷ, MSN của Masan 533 tỷ đồng.

Đây đều là các cổ phiếu bluechip trong rổ VN30, đa phần doanh nghiệp đã công bố hoặc được dự báo có kết quả kinh doanh vượt trội.

Vinhomes mới đây thông báo doanh thu thuần quý II đạt 28.725 tỷ đồng, tăng trưởng 75% so với cùng kỳ 2020, lãi sau thuế hơn 10.300 tỷ, tăng 202%. Doanh thu và lợi nhuận 6 tháng tăng trưởng lần lượt 82% và 43%.

MBB báo lãi trước thuế xấp xỉ 8.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng 56%. Hòa Phát được nhiều công ty chứng khoán như HSC và VDSC dự báo lãi sau thuế hơn 10.000 tỷ đồng trong quý II, cao gấp gần 4 lần cùng kỳ năm ngoái.

Tập đoàn Masan sở hữu chuỗi siêu thị VinMart và công ty sản xuất hàng tiêu dùng Masan Consumer Holdings (nổi tiếng với sản phẩm nước mắm Nam Ngư, tương ớt Chin Su, mỳ Omachi, ...) được kỳ vọng hưởng lợi khi nhu cầu mua sắm lên cao trong thời dịch.

Sacombank đang trong giai đoạn bán gần 82 triệu cổ phiếu quỹ, dự kiến thu về khoảng 2.400 tỷ đồng. Theo số liệu từ HOSE, ngân hàng này đã bán khoảng 80 triệu đơn vị, sắp hoàn thành giao dịch.

Khối ngoại đảo chiều gom 4.600 tỷ trong tháng 7 sau hai tháng bán ròng mạnh liên tiếp - Ảnh 4.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư ngoại bán mạnh các cổ phiếu VIC của Vingroup, VPB của VPBank, CTG của VietinBank, ... trong tháng 7. Do VPB khóa room ngoại ở mưc 5% nên nhà đầu tư nước ngoài buộc phải hạ tỷ lệ sở hữu xuống tương ứng.

Song Ngọc - Đức Quyền