|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước bán ròng hơn 2.900 đồng tuần VN-Index lỡ hẹn mốc 1.300 điểm, tập trung xả dòng BĐS, bán lẻ

14:58 | 06/06/2022
Chia sẻ
Thống kê dòng tiền tổ chức nội trong tuần 30/5 - 3/6, khối này bán ròng đột biến với giá trị hơn 2.900 tỷ đồng, tuy nhiên tính riêng kênh khớp lệnh thì họ xả ròng 751 tỷ đồng.

VN-Index ghi nhận 1 tuần giao dịch giằng co khi tiếp cận với vùng kháng cự 1.300 điểm. Điểm sáng trong tuần vừa qua có thể kể đến nhóm cổ phiếu bán lẻ, dầu khí, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Đây là những nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ những yếu tố vĩ mô khi giá hàng hóa có xu hướng tăng ở mức cao.

Thanh khoản dần được cải thiện đạt xấp xỉ trung bình 16.000 tỷ đồng mỗi phiên tuy nhiên tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư khi chỉ số chung tiếp cận vùng kháng cự mạnh cũng như những thông tin không mấy tích cực về vĩ mô đã không tạo động lực mạnh mẽ để giúp VN Index có thể vượt qua mốc 1.300.

Tương tự với diễn biến của chỉ số chung, nhóm cổ phiếu VN30 cũng ghi nhận sự phân hóa rõ ràng khi giao dịch rung lắc quanh vùng điểm số 1.340 và vẫn chưa thể bứt phá lên cao hơn. Về xu hướng dòng tiền khối ngoại, thời gian gần đây, dòng vốn qua ETF đang dẫn đầu xu hướng trở lại của khối ngoại trên thị trường Việt Nam trong khi các quỹ chủ động vẫn đang bán ròng khá mạnh.

Trong tháng 5 vừa qua, riêng 4 quỹ gồm DCVFM VNDiamond ETF, Fubon FTSE Vietnam ETF, DCVFM VN30 ETF và SSIAM VNFinlead ETF đã hút ròng tổng cộng 5.100 tỷ đồng. Nhờ đó, thị trường tiếp tục ghi nhận tháng thứ 2 liên tiếp khối ngoại mua ròng với giá trị gần 3.200 tỷ đồng.

Trở lại với dòng tiền tổ chức nội, tuần qua khối này bán ròng đột biến với giá trị hơn 2.900 tỷ đồng, tuy nhiên tính riêng kênh khớp lệnh thì họ xả ròng 751 tỷ đồng.

Dòng tiền tổ chức nội chủ yếu tìm đến họ dầu khí trong tuần VN-Index đi ngang

Trong tuần 30/5 – 3/6, cổ phiếu điện, nước & xăng dầu khí đốt đặc biệt thu hút dòng tiền của các tổ chức trong nước với giá trị mua ròng đạt trên 108 tỷ đồng, vượt trội so với những nhóm ngành còn lại và gấp đôi so với tuần trước. Tuần qua, chỉ số giá chung của nhóm cổ phiếu điện, nước & xăng dầu khí đốt tăng 7,29%.

Bên cạnh đó, lực cầu từ tổ chức trong nước cũng gia tăng đáng kể ở nhóm dầu khí khi ngành này có tỷ trọng giá trị giao dịch tăng mạnh lên 7,83%, là mức cao nhất trong 10 tuần liên tiếp và gấp gần 3 lần tuần thấp nhất. Điều này cho thấy cầu vào nhóm này tăng mạnh đẩy giá tăng (chỉ số giá ngành tăng 8,37% trong tuần).

Đây là nhóm ngành được hưởng lợi từ giá dầu liên tục duy trì ở mức trên 100 USD/thùng trong khi doanh nghiệp đặt kế hoạch năm dựa theo giá dầu thấp hơn rất nhiều. Ngoài ra, việc dự án Ô Môn B sẽ được trao quyết định đầu tư vào tháng 7 sẽ là cú hích cho ngành.

Ngoài ra, dòng tiền tổ chức nội còn chảy vào các ngành hóa chất (81,3 tỷ đồng), công nghệ thông tin (30,4 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (23,4 tỷ đồng),…

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều ngược lại, áp lực bán ròng được ghi nhận ở 11/18 nhóm ngành. Theo đó, NĐT tổ chức trong nước duy trì xu hướng bán ròng cổ phiếu bất động sản với 342 tỷ đồng.

Áp lực bán ra cũng tiếp tục tập trung tại nhóm bán lẻ trong bối cảnh ngành này giao dịch khởi sắc.

Cụ thể, khối này rút ròng 182 tỷ đồng cổ phiếu của các doanh nghiệp bán lẻ trước khi rút ròng nhẹ hơn ở các ngành thực phẩm & đồ uống (153 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (118 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (108 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (59 tỷ đồng), ngân hàng (41 tỷ đồng),…

Tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất ccq E1VFVN30, nhưng bán ròng chủ yếu MWG

Giao dịch cụ thể theo từng mã, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 dẫn đầu với giá trị 122,9 tỷ đồng. Kế đến, cổ phiếu MBB được tổ chức trong nước gom ròng với giá trị 67,5 tỷ đồng.

Liên quan đến giao dịch mã MBB, Quỹ đầu tư Japan Asia MB Capital (JAMBF) đã thực hiện bán ra toàn bộ 393.000 cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) mà quỹ nắm giữ. Giao dịch được thực hiện bằng phương thức khớp lệnh từ 29/4 đến 18/5. Mục đích bán ra cổ phiếu của quỹ được cho biết là để giải thể quỹ.

Trước đó, JAMBF cũng đã bán toàn bộ hơn 4,5 triệu cổ phiếu nắm giữ tại Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC - Mã: MIG), ước thu 124,6 tỷ đồng. Giao dịch diễn ra từ ngày 25/3– 22/4 theo phương thức khớp lệnh trên sàn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Chủ tịch HĐQT CTCP Quản lý Quỹ đầu tư MB, đơn vị quản lý của JAMBF hiện đang là thành viên HĐQT của MB. Bà đang sở hữu gần 544.000 cổ phiếu MBB, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,014%

Trở lại với giao dịch của tổ chức nội, danh mục bán ròng còn có sự góp mặt của PLX (58,4 tỷ đồng), VCB (54,1 tỷ đồng), GEX (51,6 tỷ đồng).

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Tại chiều bán ra, cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động chịu áp lực xả lớn nhất 172,3 tỷ đồng từ các tổ chức nội khi mã này ghi nhận tđà tăng hơn 4,4% chỉ trong tuần vừa qua. Đối ứng với hoạt động rút vốn mạnh của NĐT tổ chức trong nước, MWG dẫn đầu danh mục mua ròng của NĐT cá nhân, giao dịch gần như đối ứng với hơn 160 tỷ đồng. 

Kế đó, áp lực rút vốn ròng cũng xuất hiện ở chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị 110 tỷ đồng. Theo sau, các cổ phiếu nằm trong Top bán ròng gồm VJC (108,7 tỷ đồng), VHC (102,6 tỷ đồng) và VHM (102,2 tỷ đồng).

Thảo Bùi