|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao nhóm chứng khoán vẫn sốt sắng với kế hoạch tăng vốn?

10:22 | 06/06/2022
Chia sẻ
Tái khởi động câu chuyện tăng vốn của ngành chứng khoán trong bối cảnh thị trường có tín hiệu tạo đáy sau nhịp điều chỉnh thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Câu hỏi tại sao các công ty chứng khoán vẫn đang sốt sắng với kế hoạch tăng vốn đầy tham vọng của mình.

Nhóm chứng khoán lớn tiếp tục với cuộc đua tăng vốn

Quan sát thị trường chứng khoán Việt Nam thấy rằng tốc độ phát triển như vũ bão hơn 2 năm trở lại đây. Hàng triệu tài khoản giao dịch được mở mới đẩy tổng số tài khoản trên thị trường vượt ngưỡng 5,2 triệu vào cuối tháng 4. Số tài khoản giao dịch chứng khoán tương đương hơn 5% dân số Việt Nam, về đích sớm hơn 3 năm so với kế hoạch đề ra của Chính phủ.

Sự bùng nổ nhà đầu tư mới từng là trở ngại của thị trường, điểm nghẽn vốn từ các công ty chứng khoán khiến VN-Index điều chỉnh mỗi khi xuất hiện thông tin “căng margin”. Phải thừa nhận rằng, những năm trước “con sóng” lớn của thị trường, hoạt động tăng vốn của công ty không được chú trọng.

Cuộc đua tăng vốn trước đó chủ yếu diễn ra ở các công ty tư nhân (SSI, VNDirect, SHS) hay nhóm được công ty Hàn Quốc mua lại (Mirae Asset, KIS, KB Việt Nam).

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ngành chứng khoán phải đẩy mạnh tăng vốn. Năm 2021, thị trường có 44/79 công ty nâng vốn điều lệ thông qua các hình thức như phát hành cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng rẻ, công ty mẹ tăng vốn.

Tổng vốn điều lệ của 79 công ty tại ngày 31/12/2021 là 104.079 tỷ đồng, tăng 35.272 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Đáng nói, mức tăng vốn này cao hơn con số 25.187 tỷ đồng trong cả giai đoạn 2016 – 2020.

Dù bằng nhiều hình thức khác nhau, hoạt động tăng vốn của ngành chứng khoán có thể phân ra làm hai nhóm. Thứ nhất là những công ty tăng vốn trong các năm qua nhằm đáp ứng kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh như SSI, VNDirect, SHS, VIX. Nhóm thứ hai là những đơn vị tăng vốn sau thâu tóm, cơ cấu lại, đổi chủ như ORS, KS Securities, DNSE, DSC.

Sang đến năm 2022, hoạt động tăng vốn của nhóm thứ nhất dường như chiếm ưu thế, trong khi nhóm thứ hai không còn nhiều thương vụ nổi bật ngoài câu chuyện nâng vốn của VPBank Securities hậu đổi chủ Chứng khoán ASC. Nhóm những công ty chứng khoán dẫn đầu tiếp tục trên chặng đua tăng vốn, trong khi những nhóm theo sau dường như chưa tái khởi động “câu chuyện tăng vốn”của mình.

Mới đây, câu chuyện tăng vốn ngành chứng khoán dậy sóng trở lại khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận cho Chứng khoán SSI tăng vốn. Theo đó, SSI sẽ phát hành 497,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 với giá 15.000 đồng/cp. Nếu thành công, vốn điều lệ của Chứng khoán SSI sẽ tăng lên gần 15.000 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra tại sao những công ty chứng khoán vẫn sốt sắng với cuộc đua tăng vốn?

 10 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Những kỳ vọng lớn về câu chuyện nâng hạng, cải thiện công nghệ

Trước tiên, về tổng quan, định giá thị trường Việt Nam được đưa về vùng hấp dẫn với mức P/E khoảng 12,x lần vào cuối tháng 5, thấp hơn đáng kể mức trung bình 10 năm. Góc nhìn của những quỹ đầu tư hay công ty chứng khoán, mức định giá hấp dẫn sẽ thu hút được dòng tiền đầu tư trên thị trường.

Bởi vậy nhu cầu về vốn của nhà đầu tư vẫn ở ngưỡng cao. Sau giai đoạn điều chỉnh, hoạt động margin có thể quay trở lại ngay khi thị trường khởi sắc trở lại. Khi đó, các công ty chứng khoán vẫn cần một lượng vốn lớn.

Mặc dù trải qua năm tăng vốn kỷ lục như đã nêu trên, cấu trúc vốn của ngành chứng khoán vẫn cần có sự thay đổi mang tính bền vững hơn bằng việc giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ.

Mặt khác, thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam dù điều chỉnh giảm trong hai tháng gần đây nhưng vẫn ở ngưỡng cao so với cùng kì năm ngoái hay so trung bình 3 năm, 5 năm. Hiện dòng tiền bớt “nóng” đưa thanh khoản về ngưỡng ổn định.

Bên cạnh nhu cầu vốn lớn của thị trường, chứng khoán Việt Nam hướng đến giải bài toán tồn đọng của nhiều năm trước đó là nâng hạng lên thị trường mới nổi hay cải thiện công nghệ.

Chủ đề nâng hạng lên thị trường mới nổi thu hút được sự quan tâm của toàn thể cơ quan quản lý nhà nước, những thành viên thị trường, cộng đồng nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán Việt Nam quá chật chội với chiếc áo mác “thị trường cận biên”. Thậm chí, sở giao dịch chứng khoán New York đặt vấn đề hỗ trợ Việt Nam trong câu chuyện nâng hạng.

Theo dự báo của các chuyên gia, việc cải thiện các tiêu chí có thể giúp Việt Nam nâng hạng trong năm 2023 trong kịch bản tích cực. Thị trường sẽ hút thêm hàng chục tỷ USD vốn ngoại, đây chính là cơ hội của ngành chứng khoán.

Kể từ đầu tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam có tín hiệu tích cực khi khối ngoại đã trở lại mua ròng trở lại sau gần 2 năm bán liên tiếp. Hàng trăm triệu USD đã được giải ngân vào thị trường Việt Nam thông qua các ETF.

Cùng với câu chuyện nâng hạng, kế hoạch sớm đưa vào hoạt động hệ thống KRX cũng là yếu tố tích cực đến thị trường. Nếu đi vào vận hành hệ thống công nghệ mới, nhiều sản phẩm mới cũng sẽ được ra mắt như giao dịch T+0, chứng quyền bán, quyền chọn cổ phiếu…

Ước tính của một vị chuyên gia, khi giao dịch T+0 được thực hiện, thanh khoản mỗi phiên của thị trường có thể lên tới 2 – 3 tỷ USD. Khi đó nhu cầu vốn từ các công ty chứng khoán sẽ lớn hơn rất nhiều.

Những phân tích trên phần nào lý giải vì sao các công ty chứng khoán vẫn đang sốt sắng với cuộc đua tăng vốn trong khi nhà đầu tư cá nhân dường như lưu tâm đến yếu tô “nguy” nhiều hơn “cơ” trong nhịp điều chỉnh ngắn hạn của thị trường.

Thu Thảo - Hoàng Linh