Tình trạng thiếu lao động trên toàn cầu có thể trầm trọng hơn sau đại dịch
Những mối lo ngại về tình trạng dân số già đi của Trung Quốc lại trở thành tâm điểm của sự chú ý trong tuần này khi số liệu thống kê chính thức cho hay nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có tỷ lệ sinh giảm mạnh trong năm vừa qua, xuống mức thấp nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được thu thập vào năm 1984.
Với tỷ lệ sinh năm 2021 giảm hơn gần 1,4 triệu ca so với năm 2020, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm từ 8,52% trên 1.000 người trong năm 2020 xuống còn 7,52 % trên 1.000 người, và gần bằng một nửa so với 10 năm trước.
Đại dịch COVID-19 sẽ không giúp được gì cho vấn đề nhân khẩu học, với tỷ lệ sinh tại nhiều nền kinh tế lớn giảm trong năm 2020, do kinh tế đình trệ nghiêm trọng cũng như những quan ngại về việc làm và tiền bạc.
Trong khi đó, tình trạng xã hội già hóa của Trung Quốc và tình trạng thiếu công nhân cũng đang diễn ra phổ biến ở các nước phát triển.
Đại dịch khiến giới đầu tư và các thị trường tập trung vào những vấn đề hiện nay. Tình trạng thiếu hụt lao động đã làm "nghẽn mạch" việc tái khởi động hoạt động kinh doanh.
Mới đây, ngân hàng đầu tư Jefferies (Mỹ) nhắc lại báo cáo năm 2021 rằng cú sốc thị trường lao động toàn cầu được xem như một trong năm “Xu hướng Lớn” cần theo dõi cùng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi công nghệ, thay đổi địa chính trị và đô thị hóa.
Trích dẫn số liệu từ các nguồn như Ngân hàng Thế giới (WB), Liên hợp quốc (LHQ) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ngân hàng Jefferies cho thấy tỷ lệ sinh tại 75 quốc gia đã thấp dưới mức 2,1, vốn được coi là “tỷ lệ thay thế” và sẽ thấp hơn mức 2 trên toàn cầu vào cuối thế kỷ này.
Đến năm 2050, dân số trong độ tuổi lao động 15-64 của Trung Quốc dự kiến giảm gần 20% so với tỷ lệ hiện nay. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi trên tại Đức, Italy và Hàn Quốc cũng sẽ giảm tương tự trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2050, thậm chí giảm hơn 40% tại Nhật Bản.