Tình trạng thiếu điện trầm trọng hơn khi châu Âu bước vào mùa Đông
Nhiệt độ tại thủ đô của nhiều quốc gia trên toàn châu Âu được dự báo giảm xuống dưới 0 độ C trong tuần này, gây áp lực lên nguồn cung điện trong bối cảnh sản lượng điện gió và điện hạt nhân đều đang ở mức thấp. Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn sau khi Nga giới hạn lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống dẫn khí đốt chính tới Đức.
Giá năng lượng tại các quốc gia châu Âu trong năm 2021 đã liên tục tăng vọt, trong đó giá khí đốt tại châu Âu tăng tới hơn 600%. Giá khí đốt kỳ hạn tại khu vực tăng tới 8,8% trong phiên giao dịch ngày 20/12 và đóng cửa phiên ở mức cao kỷ lục.
Giá năng lượng leo thang đã kéo tỷ lệ lạm phát tăng, gây thêm áp lực cho các nhà hoạch định chính sách vốn đang "đau đầu" đối phó với tình hình lây lan của biến thể Omicron ngay trước kỳ nghỉ lễ. Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine cũng có thể sẽ góp phần khiến tình hình phức tạp hơn, do bất ổn chính trị có thể đẩy giá năng lượng cao hơn nữa.
Jeremy Weir, giám đốc điều hành của công ty giao dịch hàng hóa Trafigura Group, trong tháng 11/2021 cảnh báo rằng châu Âu có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng mất điện hàng loạt trong trường hợp mùa Đông năm nay lạnh hơn bình thường.
Sau đó, tập đoàn điện lực Pháp (EDF) tuyên bố ngừng hoạt động một số lò phản ứng – chiếm khoảng 10% lượng điện hạt nhân trên toàn nước Pháp, Do đó, nhiều khả năng châu Âu sẽ phải đối phó với đỉnh điểm mùa lạnh trong tháng 1-2 năm 2022 một cách khá bấp bênh.
Ngày 20/12, tập đoàn khí đốt Nga Gazprom đã ký kết sử dụng 21% đường ống dẫn khí đốt từ Yamal tới châu Âu để vận chuyển khí đốt tới Đức vào tháng 1/2022.
Theo Ole Hansen, trưởng phòng chiến lược bán hàng tại ngân hang Saxo Bank, hợp đồng này sẽ không góp phần nhiều vào giảm thiểu rủi ro thiếu nguồn cung, do lượng khí đốt khá hạn chế. Nhưng trong một thị trường đang vô cùng khan hiếm năng lượng, châu Âu sẽ phải chấp nhận được chút nào hay chút nấy.
Ngoài ra, nguồn cung năng lượng trong những ngày còn lại của tháng 12 tại châu Âu vẫn đối mặt với nhiều yếu tố không chắc chắn.
Do ảnh hưởng từ việc các lò phản ứng năng lượng hạt nhân đang không thể hoạt động hết công suất, các công ty sản xuất điện sẽ phải dựa vào khí đốt để sản xuất năng lượng.
Nga vẫn có kế hoạch sẽ giới hạn lượng khí đốt được xuất khẩu tới Đức thông qua đường ống từ Yamal sang châu Âu, và quyết định này có thể buộc châu Âu phải sử dụng lượng khí đốt dự trữ vốn không dồi dào. Các kho dự trữ khí đốt chỉ ở mức khoảng 60%, mức thấp nhất trong năm 2021.
Với nhiệt độ trong tuần tới được dự báo sẽ tiếp tục thấp hơn mức bình thường hàng năm, thị trường năng lượng tại các nước Anh, Đan Mạch và miền Bắc nước Đức sẽ gần như không tránh khỏi tình trạng khan hiếm.
Mặc dù các công ty giao dịch tin rằng khí đốt hóa lỏng có thể sẽ giúp giải quyết được phần nào vấn đề năng lượng, do nhu cầu đối với khí đốt tại châu Á đang giảm, việc chuyển hướng xuất khẩu mặt hang này vẫn sẽ cần nhiều thời gian và thời điểm các thuyền chở khí đốt cập cảng châu Âu dự kiến sẽ vào tháng 1/2022.