Nhiều đại gia trên thế giới rót tiền vào bóng đá, toan tính vượt xa việc bán hàng cho fan
Kết hợp hàng không và bóng đá
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways mới đây đã tiết lộ tham vọng mua một đội bóng đá ở giải Ngoại hạng Anh để làm "bàn đạp" mở rộng hoạt động kinh doanh đến Anh cũng như toàn châu Âu.
Trong tương lai hành khách có thể đặt các tour du lịch bay Bamboo Airways đến Anh để xem bóng đá.
Ý tưởng kết hợp hàng không và bóng đá không phải quá mới mẻ. Nhiều hãng bay lớn trên thế giới đã tài trợ hoặc mua lại cả đội bóng.
Có thể kể đến một số thương vụ nổi tiếng như Etihad Airways của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tài trợ 10 năm cho Manchester City. Sân nhà của Man City được đổi tên thành Etihad vào năm 2011, tên và màu áo của Man City được in lên hình máy bay của Etihad.
Một hãng bay khác của UAE là Emirates Airlines cũng rót tiền cho nhiều tên tuổi lớn của làng bóng đá thế giới như Arsenal, AC Milan, Real Madrid. Sân nhà của Arsenal cũng được đặt tên là Emirates.
Một hãng bay không phải của UAE nhưng cùng đến từ khu vực Trung Đông là Qatar Airways mua lại đội bóng Pháp Paris Saint-Germain (PSG). Dòng tiền từ Qatar đã giúp cho PSG trở thành đội bóng giàu nhất nước Pháp và nằm trong top 10 giá trị nhất thế giới.
Dùng bóng đá để bán khí đốt?
Tập đoàn khí đốt nhà nước Nga là Gazprom cũng bạo chi cho bóng đá. Năm 2005, Gazprom mua đội Zenit St. Peterburg ở thành phố mà tập đoàn đặt trụ sở chính. Sang năm sau, Gazprom rót tiền vào Schalke 04, một đội bóng Đức đang ngập trong khối nợ 110 triệu euro.
Zenit St. Peterburg và Schalke 04 đã từng đấu giao hữu với nhau vào năm 2007 theo sự sắp xếp của Gazprom. Sau khi nhận được khối tiền khủng từ Gazprom, cả hai đội bóng đã nhanh chóng ký những bản hợp đồng đắt đỏ để chiêu mộ cầu thủ tài năng.
Ngoài ra, Gazprom còn tài trợ cho các giải đấu danh giá nhất hành tinh như FIFA World Cup hay UEFA Champions League.
Nếu như Emirates, Etihad hay Qatar Airways có thể quảng cáo và bán vé máy bay cho các fan hâm mộ bóng đá thì Gazprom không trực tiếp bán gì cho người tiêu dùng cá nhân.
Hoạt động kinh doanh chính của tập đoàn nhà nước Nga này là bán khí đốt cho các chính phủ, sau đó chính phủ phân phối cho người dân. Vậy tại sao Gazprom lại đổ tiền tấn vào bóng đá?
Đường ống đi đến đâu, mua đội bóng đến đấy
Tài trợ cho bóng đá là một nước đi quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Gazprom.
Nga là đối tác cung cấp khí đốt chính cho châu Âu, nhưng đường dẫn khí đốt trên bộ phải đi qua Ukraine. Theo tạp chí Vox, Nga hàng năm phải trả hàng tỷ USD tiền phí cho Ukraine. Quan trọng hơn, quan hệ giữa hai nước thường có nhiều sóng gió và chính quyền điện Kremlin lo rằng nếu Ukraine trở mặt thì Nga sẽ mất đường buôn bán nhiên liệu.
Vì vậy, Nga quyết định xây dựng đường dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) dưới lòng biển Baltic để đưa khí đốt thẳng từ Nga tới phía bắc nước Đức, qua mặt tất cả quốc gia không thân thiện trên đất liền.
Dự án này gây nhiều tranh cãi cả ở nước Đức lẫn trên trường quốc tế. Mỹ lo rằng Đức nói riêng và châu Âu nói chung đang trở thành một "con nghiện" lệ thuộc vào khí đốt của Nga.
Để giành được sự ủng hộ của công chúng Đức, Gazprom mạnh tay chi tiền vào bóng đá. Logo và thương hiệu của Gazprom xuất hiện mọi lúc mọi nơi, tạo cho người dân Đức cảm giác rằng Gazprom là người bạn thân thiết, là một thương hiệu quen thuộc và đáng tin cậy.
Sergey Fursenko, Chủ tịch của Lentransgaz (một công ty con của Gazprom) không che dấu động cơ phía sau bước đi vào bóng đá: "Schalke có rất nhiều mối quan hệ trong ngành năng lượng của Đức và được nhiều người ủng hộ. Vậy nên chúng tôi đã quyết định tài trợ".
Năm 2011, Schalke 04 vô địch giải DFB-Pokal sau khi loại Bayern Munich ở vòng bán kết. Cùng năm 2011, Dòng chảy phương Bắc hoàn thành, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng nhiều lãnh đạo châu Âu hồ hởi dự lễ khai trương tuyến đường ống vận chuyển khí đốt trực tiếp từ Nga.
Năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của mình, giữa hai nước xảy ra xung đột vũ trang. Nếu không có Dòng chảy phương Bắc, có lẽ Nga đã không dám gây hấn với Ukraine như vậy.
Để gia tăng hơn nữa năng lực vận chuyển khí đốt, Nga xây dựng thêm tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đến châu Âu. Gazprom không chỉ quảng cáo cho thương hiệu của mình mà còn quảng bá trực tiếp cho tuyến đường ống dẫn khí trị giá 11 tỷ USD này. Các biển quảng cáo với dòng chữ Nord Stream 2 thường xuyên chạy dọc các trận đấu của Schalke 04.
Hiện nay, Gazprom vẫn tài trợ cho Schalke 04 và Nord Stream 2 vẫn đang được triển khai. Thời điểm đi vào vận hành bị chậm so với dự kiến do những cản trở từ phía Mỹ cũng như một số nước liên quan. Ngày 16/11 vừa qua, giá khí đốt ở châu Âu bật tăng 17% sau khi chính phủ Đức tạm hoãn phê duyệt Nord Stream 2.
Xuôi xuống phía nam, Nga có tham vọng xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Nam (South Stream) đi qua Serbia. Năm 2010, Gazprom rót tiền tài trợ cho đội bóng Red Star Belgrade tại thủ đô của Serbia.
Lúc này, Red Star Belgrade đang ôm khối nợ khoảng 25 triệu USD.
Năm 2014, dự án South Stream bị hủy bỏ do Phương Tây áp lệnh trừng phạt Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea. Tuy vậy, Gazprom vẫn tiếp tục là nhà tài trợ của đội bóng tại thủ đô Belgrade.
Sau khi South Stream thất bại, Gazprom chuyển sang xây dựng tuyến đường ống TurkStream đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và đem khí đốt đến Bulgaria vào 1/1/2020, từ đó giúp Nga tiếp cận khu vực Nam Âu.
Năm 2020, Gazprom nắm 32,2% thị phần khí đốt của châu Âu, lớn hơn tất cả đối thủ khác.
Có lẽ chính thành công của Gazprom đã gợi ý cho các quốc gia giàu dầu mỏ của Trung Đông như UAE và Qatar rót tiền cho bóng đá. Các hãng hàng không Emirates, Etihad Airways, Qatar Airways đều thuộc sở hữu của các chính phủ và việc tài trợ cho bóng đá phục vụ những lợi ích lớn hơn nhiều hoạt động bán vé máy bay.
Khi đội Red Star Belgrade do Gazprom của Nga tài trợ đối đầu Paris Saint-Germain do Emirates của UAE tài trợ, đó không chỉ là trận đấu trên sân cỏ giữa hai đội bóng mà còn là cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng của hai cường quốc dầu mỏ.
Trận đấu trên sân cỏ kết thúc sau 90 phút bóng lăn nhưng trận đấu về kinh tế và địa chính trị thì còn kéo dài mãi.