Tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước sắp lên TP trực thuộc Trung ương, dẫn đầu hút FDI hai tháng 2022
Tỉnh có diện tích nhỏ nhất nhưng dẫn đầu về sản xuất công nghiệp năm 2021
Bắc Ninh (822,7 km2), là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước. Dù vậy, tỉnh lại nằm ở vị trí địa lý chiến lược, rất gần Hà Nội và cũng dễ dàng kết nối với các tỉnh thành sôi động khác như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Cùng với Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa, Bắc Ninh cũng dự kiến sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn 2021-2030.
Điểm qua một số dấu ấn kinh tế nổi bật gần đây, năm ngoái Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp với giá trị đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, vượt TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Quy mô GRDP năm 2021 đã tăng lên 230.000 tỷ đồng, đứng thứ 8 toàn quốc.
Hai tháng đầu năm 2022, Bắc Ninh cũng là địa phương dẫn đầu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 7,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Một số dự án đầu tư lớn trong hai tháng đầu năm 2022 tại Bắc Ninh gồm: Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD; Dự án Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Goertek) điều chỉnh tăng thêm gần 306 triệu USD vốn đầu tư tại KCN Quế Võ.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh cấp đăng ký đầu tư cho 1.727 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt gần 22,54 tỷ USD.
Nếu xét theo 5 tiêu chuẩn để đạt thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay, Bắc Ninh đáp ứng 3/5 tiêu chuẩn. Cụ thể, quy mô dân số từ 1,5 triệu người trở lên; diện tích tự nhiên; số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc và cơ cấu trình độ phát triển kinh tế - xã hội (cân đối thu, chi ngân sách; tỷ lệ hộ nghèo; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ).
Tỉnh có hai tiêu chuẩn chưa đạt (sẽ đáp ứng trong giai đoạn 2021-2030) là khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương chưa được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại I; có 60% đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc là quận; 3 điểm của cơ cấu trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
Để hoàn thiện tiêu chí còn thiếu của thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021 - 2030, Bắc Ninh tập trung quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, hoàn thành việc nâng cấp các đô thị nhằm nâng cao tỷ lệ đô thị hóa.
Tỉnh sẽ xây dựng hạ tầng để nâng cấp 5 đơn vị hành chính cấp huyện phía Bắc sông Đuống đạt tiêu chí quận. Thành lập các KCN mới; phát triển các khu đô thị lớn như: Khu Đông Nam thành phố Bắc Ninh có diện tích khoảng 1.000 ha; khu đô thị du lịch sinh thái văn hóa nghỉ dưỡng khoảng 1.400 ha; khu đô thị du lịch Phật Tích 1.000 ha, khu đô thị nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí Thuận Thành 1.200ha...
Về tình hình phát triển khu công nghiệp (KCN), đến hết năm 2021, Bắc Ninh có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 6.398 ha; có 10 khu đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 91,2% diện tích đất đã thu hồi; quy hoạch 35 cụm công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch 1.101,7 ha, trong đó, 31 cụm được thành lập, 21 cụm đã đi vào hoạt động.
Năm 2022, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu thu hút 105 dự án thứ cấp đầu tư vào các KCN, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng khoảng 1,15 tỷ USD. Trong đó 85 FDI dự án với tổng vốn một tỷ USD và 20 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD.
Chi gần 43.000 tỷ vào hạ tầng
Về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, Bắc Ninh có kế hoạch chi gần 43.000 tỷ cho các dự án hạ tầng. Đáng chú ý là cầu đầu tiên vượt sông Thái Bình, kết nối Bắc Ninh và Hải Dương có tổng mức đầu tư gần 1.600 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm nay.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh đang hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, huyện với nhiều cây cầu bắc qua sông Đuống và sông Thái Bình.
Đã có 2 cây cầu được xây dựng và đưa vào khai thác trên hệ thống này là cầu Hồ, nối Thuận Thành và Tiên Du tại quốc lộ 38; cầu Bình Than nối huyện Gia Bình và Quế Võ tại quốc lộ 17. Hiện cầu Phật Tích, tại xã Tân Chi, Tiên Du nối với xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành đang được thi công và sắp hoàn thành.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cầu Chì, nối huyện Gia Bình với Quế Võ. Mặt khác, theo quy hoạch đường vành đai 4 vùng Thủ đô sắp được triển khai, sẽ có thêm cầu Hán Quảng nối Thuận Thành với Quế Võ phía bên dưới cầu Hồ.
Bên cạnh Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, trong năm nay, một dự án giao thông quan trọng khác là đường tỉnh 287 (đoạn QL38 - QL18) cũng sẽ được hoàn thành và đưa vào khai thác.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng sẽ mở rộng cầu Ngà (trên QL18) và đường hai đầu cầu; xây dựng mới 2 đoạn Đường tỉnh 287 (đoạn từ từ xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong đến phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn và đoạn từ nút giao đường dẫn phía Bắc cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành đến nút giao QL.38 mới).
Đồng thời, tỉnh dự kiến bố trí 2.000 tỷ đồng tham gia vốn đầu tư “siêu dự án” đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và hơn 710 tỷ đồng triển khai thực hiện Dự án Quản lý giao thông thông minh thuộc hợp phần Dự án Trung tâm điều hành thành phố thông minh cấp tỉnh.