Tình cảnh TikTok phá tan tham vọng mở rộng toàn cầu của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc
Chỉ vài tháng trước, ByteDance – công ty mẹ của TikTok – vẫn là một trong những câu chuyện về thành công toàn cầu đầu tiên của giới công nghệ Trung Quốc.
Theo giới truyền thông Trung Quốc, ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok nhanh chóng thu hút 70 triệu người dùng chỉ riêng tại Mỹ, 200 triệu người dùng khác ở Ấn Độ và 10 triệu ở Nhật Bản.
Phát triển ngoạn mục, TikTok lọt vào tầm ngắm của Mỹ
Sở hữu mức định giá khoảng 140 tỉ USD theo CB Insights, ByteDance hiện là "kì lân" khởi ngiệp giá trị nhất thế giới.
Bất chấp qui mô nhỏ hơn các "đại gia" công nghệ Trung Quốc khác như Baidu, Alibaba hay Tencent, ByteDance đang nhanh chóng bắt kịp. Điều quan trọng nhất là tập đoàn phụ thuộc rất ít vào thị trường nội địa.
Song, tốc độ bành trướng nhanh chóng của ByteDance đã gây sự chú ý. Mỹ gọi TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia vì các công ty Trung Quốc buộc phải hợp tác với chính phủ nước này theo luật an ninh mạng năm 2017.
Chính quyền Mỹ cáo buộc TikTok và các ứng dụng khác xuất xứ từ Trung Quốc tiết lộ dữ liệu người dùng Mỹ cho Bắc Kinh.
Ngày 2/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trả lời phỏng vấn Fox News, thể hiện sự nghi ngờ TikTok sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để thu thập thông nơi cư trú, số điện thoại và người thân, bạn bè người dùng Mỹ.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt hạn chót để cấm TikTok, tuyên bố chủ sở hữu ứng dụng có 45 ngày để đạt thỏa thuận bán lại cổ phần cho một công ty Mỹ, nếu không sẽ phải ngừng hoạt động tại nước này. Hạn chót của ông Trump là ngày 15/9.
Hiện Microsoft đang rục rịch săn đón TikTok, liên tiếp khẳng định thái độ quyết tâm mua lại ứng dụng tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand.
Kiểm duyệt thông tin, chuyện mới mà cũ
Mỹ và Nhật Bản có luật cho phép chính phủ truy cập vào thông tin cá nhân mà không cần sự chấp thuận của các đối tượng, song giới chức thường sử dụng khi điều tra tội phạm hay truy tìm phần tử khủng bố.
Nikkei Asian Review nhận định chính quyền Trung Quốc thực thi luật gắt gao hơn so với các quốc gia khác.
Năm 2018, Google từng xem xét ra mắt công cụ tìm kiếm của họ tại thị trường Trung Quốc. Song, vấp phải nhiều lo ngại về luật an ninh mạng lúc bấy giờ, cùng rủi ro hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, Google phải bỏ ý định.
Trung Quốc dựng bức tường kiểm duyệt Great Firewall vào năm 2006 với mục đích vì an toàn cộng đồng người dân trong nước. Great Firewall bắt đầu chặn quyền truy cập vào YouTube, Facebook và Twitter vào năm 2009 ngay khi các nền tảng ấy bắt đầu trở nên phổ biến, vì các nội dung nhạy cảm về Tây Tạng và khu vực Cáp Nhĩ Tân lan truyền trên các nền tảng này.
Đến năm 2010, dịch vụ tìm kiếm và thư điện tử của Google bị chặn ở Trung Quốc, sau khi tập đoàn công nghệ Mỹ từ chối yêu cầu kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng ấy. Sau đó, Google buộc phải thu hẹp hoạt động, chuyển sang Hong Kong và các nơi khác.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ vững lập trường cứng rắn về vấn đề an ninh mạng. Trong tháng 7, Bắc Kinh đã công bố một dự thảo luật bảo mật dữ liệu mới, bao gồm các qui định chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp về quản lí thông tin.