|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

TikTok hạ mục tiêu doanh thu từ quảng cáo

12:02 | 10/11/2022
Chia sẻ
Theo các nguồn tin, do bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu đang xấu đi, TikTok đã hạ dự báo doanh thu từ quảng cáo cho cả năm 2022 từ ít nhất 12 tỷ USD xuống còn 10 tỷ USD.

Ứng dụng mạng xã hội nổi tiếng TikTok đã cắt giảm khoảng 2 tỷ USD so với mục tiêu doanh thu quảng cáo đưa ra hồi đầu năm 2022. Đại diện TikTok cho biết một phần nguyên nhân dẫn tới việc công ty cắt giảm mục tiêu doanh thu từ quảng cáo là vì cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã có tác động mạnh tới những công ty lớn trên lĩnh vực internet và quảng cá, từ Google tới Meta, theo Bloomberg.

Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew đã nói với một số nhân viên trong cuộc họp gần đây rằng ứng dụng do kỳ lân giá trị nhất Trung Quốc ByteDance sở hữu đã cắt giảm dự báo doanh thu từ quảng cáo cho năm 2022 từ mức tối thiểu 12 tỷ USD xuống còn 10 tỷ USD, theo những nguồn tin thân cận với vấn đề này.

Bản sửa đổi mục tiêu doanh thu không bao gồm các phân khúc kinh doanh nhỏ hơn như thương mại điện tử, người này nói thêm, đồng thời cho biết thêm rằng chưa rõ những mục tiêu doanh thu và lợi nhuận khác của TikTok có bị thay đổi hay không.

TikTok có các hoạt động đáng kể trên toàn cầu và cho biết họ muốn tăng lực lượng lao động của mình ở Dublin lên hơn 3.000 người vào cuối năm nay. Gần đây, công ty đã ký một hợp đồng đầu tư bất động sản để nâng diện tích của mình tại thủ đô Cộng hòa Ireland lên 26.663 m2.

TikTok hạ dự báo doanh thu cho cả năm 2022. (Nguồn: Bloomberg).

Việc cắt giảm mục tiêu doanh thu của công ty mạng xã hội này phản ánh sự sụt giảm trong chi tiêu về quảng cáo trên toàn thế giới khi các công ty và người tiêu dùng thắt chặt ngân sách để chuẩn bị đối phó với một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu tiềm ẩn.

Nhiều công ty lớn nhất thế giới bao gồm Alphabet (công ty mẹ Google và YouTube), Amazon, Meta (công ty mẹ Facebook và Instagram) và Microsoft đã công bố báo cáo tài chính quý III với những kết quả không đạt kỳ vọng của giới chuyên gia Phố Wall. Điều này đã khiến mức định giá của nhiều gã khổng lồ công nghệ bị giảm cả trăm triệu cho tới cả tỷ USD trong thời gian qua.

ByteDance, kỳ lân giá trị nhất Trung Quốc, cũng đã phát triển thành công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới nhờ sự thành công của các ứng dụng như TikTok và phiên bản dành riêng cho người dùng Trung Quốc có tên Douyin.

Tuy nhiên, chính TikTok cũng chịu chung số phận với nhiều công ty công nghệ và internet hàng đầu khác của Trung Quốc khi chính phủ nước này siết chặt quy định đối với hai lĩnh vực trên trong suốt năm qua, khiến hàng loạt công ty gặp khó khăn.

TikTok cũng đứng trước sự nghi ngờ từ phía Washington liên quan tới các vấn đề bảo mật dữ liệu người dùng Mỹ. Mối quan tâm về cách TikTok lưu trữ dữ liệu của người dùng Mỹ và quản lý luồng thông tin giữa các nhân viên ở Trung Quốc và các nơi khác đã dấy lên trong các nhà lập pháp và chính trị gia Mỹ khi họ chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa kỳ.

Mới nhất, trong một bài đăng trên blog, chính TikTok cũng đã tuyên bố rằng họ đang đạt được tiến bộ trong việc quản trị dữ liệu tốt hơn ở châu Âu, song cũng ngầm thừa nhận rằng một trung tâm dữ liệu đã được lên kế hoạch từ lâu ở Ireland dự kiến ​​sẽ hoạt động từ cuối năm nay chưa thể đi đúng lộ trình.

Dữ liệu từ người dùng TikTok ở Liên minh Châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Thụy Sĩ và Na Uy sẽ tiếp tục được lưu trữ ở Mỹ và Singapore, bao gồm dữ liệu cá nhân được chia sẻ về vị trí gần đúng của họ, và nhân viên của TikTok có thể truy cập vào dữ liệu từ 10 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những người ở Trung Quốc.

"Chúng tôi dựa vào lực lượng lao động toàn cầu để đảm bảo rằng trải nghiệm TikTok của người dùng là nhất quán, thú vị và an toàn", Elaine Fox, người đứng đầu bộ phận quyền riêng tư của TikTok tại thị trường châu Âu, cho biết.

Việc thiếu các rào cản cụ thể về quyền riêng tư dữ liệu là một phần nguyên nhân khiến thành viên cấp cao của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (Federal Communications Commission - FCC), Brendan Carr, kêu gọi về một lệnh cấm TikTok, tuyên bố rằng dữ liệu người dùng có thể rơi vào tay của các quan chức lãnh đạo Trung Quốc.

Giống như hầu hết các nền tảng truyền thông xã hội khác, TikTok kiếm được phần lớn doanh thu từ quảng cáo. Công ty mẹ ByteDance đã hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng khi các nhà đầu tư chạy trốn khỏi các tài sản rủi ro kể từ đầu năm 2022.

Vào tháng 9, ByteDance đã đề nghị mua lại 3 tỷ USD lượng cổ phiếu của chính mình, qua đó khiến mức định giá của công ty đạt 300 tỷ USD, mang lại cho nhiều nhà đầu tư cơ hội để kiếm tiền. Douyin tạo ra nhiều doanh thu hơn, nhưng không rõ liệu sự tăng trưởng kinh tế chững lại của Trung Quốc ảnh hưởng đến ứng dụng “chị em” của TikTok như thế nào.

Hiện tại, đại diện của TikTok và ByteDance vẫn chưa đưa ra bình luận gì về vấn đề cắt giảm mục tiêu doanh thu từ quảng cáo cho năm 2022, theo Financial Times.

Anh Nguyễn

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.