Mặt trái của sự nổi tiếng trên TikTok
Khi Junna Faylee bắt đầu kiếm tiền trên TikTok, cô không nghĩ rằng điều này sẽ thay đổi cuộc đời mình. Cô dành mỗi tối và cuối tuần để làm video và đã thuê một nhóm quản lý để xử lý các giao dịch, theo Washington Post.
Giờ đây, được biết đến với tài khoản “nintendo.grl” có 9 triệu người theo dõi, cô ấy là một trong những nhà sáng tạo nội dung thành công trên TikTok. Dù vậy, sự nổi tiếng này cũng phải đánh đổi bằng nhiều thứ, chẳng hạn như làm việc không ngừng nghỉ, bị lăng mạ, sỉ nhục trên mạng,…
“TikTok quá phổ biến. Để thành công, bạn phải làm việc không ngừng nghỉ để nổi bật hơn những người khác. Mọi thứ đều có cái giá của nó, và việc trở nên nổi tiếng trên TikTok cũng như vậy”, Junna Fayle chia sẻ.
TikTok đã trở thành ứng dụng phổ biến bậc nhất thế giới, mở ra cơ hội đổi đời cho nhiều người. Điều này đã khiến nhiều người trẻ mơ về một tương lai tươi sáng nhờ TikTok. Tuy nhiên, chưa có ai thực sự nghĩ về những thứ họ phải đánh đổi sau khi nổi tiếng.
Các video trên TikTok có thể lan truyền với tốc độ nhanh chóng mặt trên internet và thuật toán của nó được xây dựng để đưa video của người sáng tạo đến đám đông những người lạ ẩn danh với hy vọng tối đa hóa sự lan truyền của họ.
TikTok không thể kiểm soát tất cả người dùng. Đó là lý do nhiều nhà sáng tạo nội dung phải nhận những lời chi trích, miệt thị và xúc phạm từ người dùng TikTok ở nhiều nơi khác nhau.
Casey Fiesler, một Phó giáo sư tại Đại học Colorado tại Boulder, người nghiên cứu về cộng đồng trực tuyến, cho biết: “Cụm từ mọi người sử dụng là “mặt trái của TikTok”. Một nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên TikTok từng nói với tôi rằng ước gì các video của anh ấy chỉ dừng ở mức 30.000 lượt xem đổ xuống thay vì hàng triệu như hiện tại”.
Một số người sáng tạo trên TikTok cho biết họ rất ngạc nhiên trước mức độ phản ứng và những lời bình luận “tàn nhẫn” của nhiều người dùng TikTok khác. Nhiều khi các nhà sáng tạo nội dung còn nhận về những lời lẽ đe dọa, gây nguy hiểm tới sự an toàn của bản thân.
Quấy rối từ lâu đã là một vấn đề của internet và TikTok cho biết họ đang nỗ lực tăng cường các biện pháp bảo vệ người sáng tạo, bao gồm cả việc cho phép mọi người tự động chặn các bình luận xúc phạm. Tháng trước, công ty cho biết họ đã xóa hơn 100 triệu video từ tháng 4 đến tháng 6 vì hành vi quấy rối và các mối lo ngại khác.
Hilary McQuaide, phát ngôn viên của TikTok cho biết: “Chúng tôi muốn mọi người cảm thấy an toàn, được chào đón và kiểm soát trải nghiệm của họ. Chúng tôi kết hợp các chính sách an toàn để chống lại hành vi bắt nạt, quấy rối và gây thù địch với các công cụ để trao quyền cho người sáng tạo quyết định ai có thể xem và tương tác với các video của họ.
15 giây cho sự nổi tiếng
Dữ liệu từ công ty phân tích Social Blade cho thấy hiện có khoảng 40.000 tài khoản TikTok có hơn một triệu người theo dõi, nhiều hơn con số 23.000 trên Instagram, dù Instagram đã xuất hiện từ rất lâu.
Brandon Conway, 22 tuổi, từng trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm nhờ một video chơi DJ chỉ trong 15 giây thu hút hơn 9 triệu lượt xem. Tài khoản TikTok của anh đã có hơn 170.000 lượt theo dõi mơi, khiến anh bắt đầu mơ về một cuộc sống khác.
Người xem TikTok cho biết họ yêu thích ứng dụng này vì các đề xuất thuật toán của nó dự đoán sở thích của họ và loại các video khác. Điều này khiến các video đề xuất trở nên gần gũi với sự quan tâm của người xem hơn.
Việc thu hút sự chú ý của mọi người có thể là một thách thức, những người sáng tạo cho biết. Không ai biết chính xác thuật toán của TikTok hoạt động ra sao, khiến họ thường xuyên phải hiệu chỉnh đề phù hợp với quy định. Một số người sáng tạo có xu hướng gắn nhiều hashtag để video trở nên phổ biến hơn.
Một người sáng tạo với hơn 10 triệu người theo dõi trên TikTok cho biết: “Điều quan trọng về một xu hướng là nó chỉ tồn tại trong vài ngày hoặc vài tháng. Trong khoảng thời gian này, nếu may mắn, tài khoản của bạn có thể hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi và hàng triệu lượt xem mới”.
Thuật toán của TikTok cũng có thể khiến nhiều video không đúng quy định bị xóa. Hank Green, một trong những nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên TikTok, cho biết những người sáng tạo đã "khiếp sợ" về hệ thống kiểm duyệt "hỗn loạn" của nền tảng này. Hệ thống có thể cấm bất kỳ tài khoản nào mà không cần giải thích.
Belle Ives, một nhiếp ảnh gia tự do ở Los Angeles, chia sẻ: “TikTok đã nói rõ rằng họ muốn nền tảng của mình trở thành một ứng dụng nội dung vui nhộn, nhưng họ đã vượt xa điều đó từ rất lâu rồi”.
Mặt trái của TikTok
TikTok không chỉ tạo ra người nổi tiếng, mà còn là nơi xuất hiện nhiều “vai phản diện”. Các công cụ của ứng dụng giúp người dùng dễ dàng đăng các video, thuật toán hiển thị những video đó cho những người mà ứng dụng mong đợi có thể có tương tác.
Ginny Di, một người sáng tạo nội dung 32 tuổi ở Denver, từng có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trên các nền tảng khác, cũng khẳng định không thể nghĩ được mức độ ảnh hưởng của TikTok lại lớn như vậy.
“Cộng đồng này “đặc biệt hung hãn, đầy rẫy những hành vi thực sự xấu tính, bắt nạt mọi người, có quá nhiều thông tin tiêu cực. Đôi khi một video có nội dung hay lại trở nên tồi tệ do những bình luận đó”, cô chia sẻ.
Những gì xảy ra trên TikTok có thể ảnh hưởng tới cả cuộc sống bên ngoài. Nhiều người sáng tạo cho biết họ đã phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa thường xuyên, từ những người chia sẻ địa chỉ nhà của họ đến việc thực hiện các cuộc gọi giả mạo để khiêu khích cảnh sát.
Khả năng phổ biến từ các video trên TikTok cũng trở thành công cụ để nhiều người kiếm tiền một cách bất hợp pháp. Họ đăng tải thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận với mục đích cá nhân.
Trước tình trạng đó, TikTok lập luận rằng họ đang làm việc để biến ứng dụng này trở nên tốt hơn. Công ty cho biết họ đã thay đổi thuật toán vào năm ngoái để giảm việc quảng cáo các video có nội dung tiêu cực.
TikTok cũng phát động các chương trình về sức khỏe tinh thần, thuê các nhà quản lý để phát triển các quy tắc chống lại “hành vi quấy rối và bắt nạt” và cho biết họ sẽ bắt đầu cung cấp cho các video một “tính năng” được tạo tự động để ngăn người xem nhỏ tuổi xem các video có “chủ đề phức tạp”.