TikTok gặp 'đối cứng' ngay ở sân nhà Trung Quốc: Sự trỗi dậy của WeChat đe dọa vị thế ByteDance trên thị trường video ngắn
Tencent Holdings, gã khổng lồ công nghệ lớn nhất Trung Quốc hiện tại, đang có những nỗ lực đáng kể để thu hút người dùng đến với ứng dụng video ngắn Channels trên nền tảng WeChat của mình. Đây là ứng dụng được cho là tạo ra thách thức với Douyin, phiên bản TikTok dành cho người dùng Trung Quốc của ByteDance, theo South China Morning Post.
Sự vươn lên của WeChat
Theo báo cáo quý I, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết số lượng video và tổng thời gian xem trên Channels đã "tăng trưởng đáng kể", nhờ vào nhiều chương trình giải trí hơn và các thuật toán được cải thiện.
Khi Tencent nỗ lực thúc đẩy sự phổ biến của Channels, công ty đã cung cấp cho ứng dụng này khả năng hiển thị nổi bật trên WeChat, nền tảng mạng xã hội có hơn 1,29 tỷ người dùng và đẩy nội dung do người dùng tạo ra thông qua các thuật toán đề xuất.
Công ty cũng tổ chức các buổi phát trực tuyến có sự góp mặt của nhiều ngôi sao lớn, bao gồm ca sĩ Đài Loan Mandopop Lo Ta-yu, người có sự kiện trên Channels vào cuối tuần trước đã thu hút 42 triệu lượt xem, theo Tencent.
Dữ liệu từ công ty phân tích iiMedia Research của Trung Quốc cho thấy dịch vụ video của WeChat đã phát triển nhanh chóng trong 6 tháng qua nhờ vào nhiều phát trực tuyến và nội dung giải trí hơn dựa trên nguồn lực của chi nhánh về âm nhạc của Tencent.
Zhang Yi, CEO iiMedia Research cho biết: “Channels đã giúp đưa Tencent thoát khỏi tình cảnh lúng túng khi tụt lại phía sau trong cuộc chơi về các ứng dụng video ngắn”.
Sự phổ biến ngày càng tăng của Channels có thể làm rung chuyển thị trường video ngắn của Trung Quốc, vốn được thống trị bởi Douyin của ByteDance, kỳ lân lớn nhất thế giới. Douyin, có hơn 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, được biết đến với hệ thống thuật toán đề xuất mạnh mẽ giúp thu hút người xem.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Tencent là sử dụng âm nhạc và sức hút từ người nổi tiếng để thu hút người tiêu dùng đang đưa cuộc cạnh tranh lên một tầm cao mới. Không chịu thua kém, Douyin cũng tổ chức một buổi phát trực tuyến của ngôi sao nhạc pop người Singapore Stefanie Sun gần như cùng lúc với buổi hòa nhạc của Lo Ta-yu.
Số lượt xem trên Douyin đã vượt mốc 200 triệu vào cuối sự kiện, theo số liệu hiển thị trên ứng dụng, mặc dù các số liệu không phân biệt được một người đã nhấp bao nhiêu lần vào buổi phát trực tuyến đó.
“Hai buổi phát trực tuyến này thực sự thể hiện cuộc chiến khốc liệt giữa hai nền tảng để thu hút người xem, trong đó Tencent chơi trò tấn công trong khi Douyin phòng thủ. Dựa trên những con số hiện tại, WeChat đã và đang đạt được những mục tiêu nhất định. WeChat đang đi đúng hướng khi sử dụng những phát trực tuyến này để kéo người dùng đến với Channels. Đó là một con át chủ bài”, theo ông Zhang Yi.
Thu hút người xem nhờ chiến lược sử dụng ca sĩ nổi tiếng
Buổi biểu diễn của Lo không phải là thành công đầu tiên của WeChat. Theo Tencent, hai buổi hòa nhạc của ngôi sao Mandopop Jay Chou được phát sóng trên Channels một tuần trước đó đã có lần lượt 47 triệu và 25 triệu người xem. Chỉ riêng khán giả của buổi livestream đầu tiên đã có thể lấp đầy các chỗ ngồi của tổng cộng 530 sân vận động Wembley hoặc 3.800 Hong Kong Coliseums.
Ngày 1/4, phiên bản làm lại của buổi hòa nhạc kinh điển của huyền thoại Canto-pop Leslie Cheung vào năm 2000 được cho là đã thu hút hơn 17 triệu người xem trực tuyến. Trước đó, thành công đột phá đầu tiên của Channels là buổi biểu diễn trực tiếp của nhóm nhạc người Ireland Westlife, vốn cực kỳ nổi tiếng ở Trung Quốc vào đầu những năm 2000, đã thu hút 27 triệu khán giả vào tháng 12/2021.
Zhang Yi cho biết lựa chọn mời các nhạc sĩ nổi tiếng trong những năm 1990 và 2000 của Tencent cũng phù hợp với cơ sở người dùng của phần video ngắn của WeChat, do họ có độ tuổi trung bình lớn hơn người dùng Douyin của ByteDance.
Channels cũng tận dụng mạng truyền thông xã hội rộng lớn trên WeChat, cho phép người dùng xem các bài đăng và video mà họ đã bấm “like” trên mạng xã hội phổ biến này.
Li Qingshan, phó giám đốc nghiên cứu người tiêu dùng tại EqualOcean, một công ty nghiên cứu đầu tư tập trung vào Trung Quốc cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các buổi biểu diễn trực tiếp ngoại tuyến, dẫn đến sự trỗi dậy của các buổi hòa nhạc trực tuyến. Các buổi livestream trên Channels đã trở thành những sự kiện lớn có tính lan truyền”.
Tuy nhiên, Douyin và Kuaishou vẫn có ưu thế hơn về nội dung dựa trên thuật toán, “Lợi thế cho Douyin và Kuaishou là các thuật toán dựa trên sở thích của họ có thể mang lại nội dung mới lạ cho người dùng”, Li Qingshan nói thêm.
Lizzie Hu, một chuyên viên tài chính ở Thâm Quyến, cho biết cô cảm thấy hơi buồn vì đã không xem các buổi livestream của Jay Chou trên WeChat hai tuần trước do bận đi chơi với bạn bè, nhưng cô lại nằm trong số hàng triệu người đã xem buổi livestream của nhóm nhạc huyền thoại Westlife.
“Tôi sẽ theo dõi nếu có thời gian vì tôi là một fan của Jay Chou”, Hu nói, mặc dù cô ấy phàn nàn rằng xem trên điện thoại thông minh không phải là cách tốt nhất để thưởng thức buổi biểu diễn của thần tượng.
Mặc dù Hu cho biết cô không phải là người dành quá nhiều thời gian để xem video ngắn, nhưng cảm thấy yêu thích Channels hơn Douyin vì chúng được chia sẻ thường xuyên hơn trong các cuộc trò chuyện nhóm của cô và trên mạng xã hội.
“Đó là lý do tại sao tôi bỏ Douyin sau một thời gian, bởi vì nó giống như một cuộc hành trình không mục đích và bạn không biết thuật toán sẽ cung cấp cho bạn điều gì tiếp theo. Nó rất dễ gây nghiện và có thể dễ dàng chiếm quá nhiều thời gian của tôi”, cô nói.