|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

CEO PayPal nói về sự chấp nhận bitcoin và tham vọng về một 'siêu ứng dụng' thanh toán

11:57 | 25/08/2021
Chia sẻ
Ông Dan Schulman, CEO PayPal, cho rằng tiền mã hoá có thể cải thiện mức độ hiệu quả và tính bao hàm của hệ thống tài chính, song ông tiếp cận vấn đề một cách khá thận trọng.

Đầu năm 2016, ông Dan Schulman, CEO PayPal, quyết định rằng ông thực sự cần tìm hiểu về tiền mã hoá.

Thời điểm đó, bitcoin, đồng tiền mã hoá phổ biến nhất có giá 400 USD/đồng, trong khi vốn hoá của PayPal là 50 tỷ USD sau khi khởi động quá trình tách ra khỏi công ty mẹ là eBay môt vài tháng trước đó.

"Khi tôi nhận ghế CEO vào năm 2014, tôi nghĩ rằng nhiều người nghĩ rằng PayPal đã trải qua thời kỳ hoàng kim", ông Schulman, chia sẻ với Financial Times. Ông từng có kinh nghiệm làm việc tại AT&T, Priceline.com, Virgin Mobile và American Express.

CEO PayPal hiến kế nắm bắt cơ hội trong thời kỳ thanh toán số - Ảnh 1.

Ông Dan Schulman, CEO PayPal. (Ảnh: FT)

"Ngày tôi đầu quân cho PayPal là ngày Apple ra mắt phương thức thanh toán Apple Pay. Đó là món quà chào đón mà thung lũng Silicon dành cho tôi. Chúng tôi cần tự tái định hình bản thân", ông chia sẻ.

Ông Schulman muốn biến PayPal từ một nút thanh toán khi mua hàng đơn thuần thành một "nền tảng" hỗ trợ đa dạng các hình thức thanh toán.

Vì thế, vào tháng 1/2016, ông thuyết phục ông Wences Casares gia nhập hội đồng PayPal. Ông Casares là người đồng sáng lập ví bitcoin Xapo đồng thời là một người ủng hộ tiền mã hoá ở Thung lũng Silicon từ khá sớm.

Đây cũng là điểm khởi đầu của quá trình tìm hiểu dài hơi để biến PayPal thành một chỉ dẫn đáng tin cận cho người tiêu dùng và nhà bán hàng trong thế giới tiền mã hoá vốn có nhiều biến động và còn nhiều rắc rối.

"Mỗi lần tôi nghĩ là tôi đã hiểu về nó rồi, tôi lại nói chuyện với ông Casares và sau đó nhận ra mình chưa hoàn toàn hiểu", ông Schulman nhớ lại. "Phần lớn mọi người đều cho rằng họ đã hiểu nhưng thực ra là không. Tiền mã hoá có nhiều sắc thái, tôi muốn chắc chắn rằng nó có thể tăng quy mô và có tiện ích trong thực tế", ông nhấn mạnh thêm.

Trong 5 năm trở lại đây, giá đồng bitcoin đã tăng hơn 100 lần, để chạm mốc 40.000 USD. Trong khi đó, giá trị vốn hoá của PayPal tăng 6 lần lên mức 300 tỷ USD.

Dù vậy, ông Schulman vẫn giữ quan điểm giá bitcoin là "một thứ kém hấp dẫn hơn" khi nói về tiền mã hoá. Ông cho rằng nó chỉ là một phần của động lực nhằm tạo ra một hệ thống tài chính hiệu quả và bao hàm hơn.

"Tôi cho rằng chính phủ, ngân hàng nhà nước đều hiểu rằng thế giới đang dịch chuyển về hướng thanh toán số và bạn không thể điều hành chính sách tiền tệ chỉ bằng cách phát hành tiền pháp định", ông dự đoán.

PayPal đón nhận tiền mã hoá chậm hơn so với đối thủ Square khi dịch vụ này cho phép các nhà bán hàng nhận thanh toán bằng bitcoin từ năm 2014. Trong vài năm trở lại đây, ông Jack Dorsey, người sáng lập Square, cũng là một nhân vật có tiếng nói trong cộng đồng tiền mã hoá.

Theo Financial Times, ông Schulman là người nhiệt thành với công cuộc chuyển đổi. Ông muốn PayPal sẵn sàng hỗ trợ các đồng tiền số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC). Theo ông, CBDC là xu hướng "khó tránh khỏi", nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đã thử nghiệm đồng nhân dân tệ số.

Điều này đồng nghĩa với việc PayPal sẽ song hành với các nhà điều hành và cơ quan chính phủ và đảm bảo "mức độ ổn định và tính đồng nhất hệ thống ở mức cao nhất", ông chia sẻ.

Động thái này của PayPal dường như trái ngược với những gì hãng đã làm với dự án tiền mã hoá của Facebook. PayPal rút khỏi Libra Association vào năm 2019 trước quan ngại Facebook đã không tương tác đủ sâu với các nhà điều hành trước khi ra mắt dự án tiền mã hoá này. Hiện tại Libra đã được đổi tên thành "Diem" song vẫn loay hoay ở khâu triển khai trong thực tế.

"Điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên sáng tạo. Chúng ta nên sáng tạo một cách cẩn trọng. Chúng ta nên sáng tạo một cách cẩn trọng", ông nhấn mạnh.

Ở thời điểm hiện tại, giá bitcoin biến động đang khiến ứng dụng PayPal thu hút được mức độ tương tác cao hơn. Người dùng PayPal đang nắm giữ bitcoin thường có xu hướng đăng nhập nhiều hơn gấp hai lần so với trước đây.

Sau khi hỗ trợ mua, nắm giữ và bán tiền mã hoá ở Mỹ hồi năm ngoái, tính năng này cũng đã được triển khai với người dùng PayPal ở Anh từ tuần này.

Người dùng Mỹ có thể dùng tiền mã hoá như một nguồn tiền đối với ví PayPal. Ông Schulman hy vọng điều này có thể mở rộng tính ứng dụng của tiền mã hoá đồng thời gỡ bỏ hình ảnh đầu cơ gắn liền với nó.

Hiện tại, hơn 30 triệu nhà bán hàng có thể chấp nhận bitcoin qua PayPal mà không cần lo ngại về phí chuyển đổi và những vấn đề phức tạp khác.

Tham vọng xây dựng "siêu ứng dụng" thanh toán

CEO PayPal hiến kế nắm bắt cơ hội trong thời kỳ thanh toán số - Ảnh 2.

PayPal tham vọng xây dựng một "siêu ứng dụng" thanh toán, lấy cảm hứng từ WeChat. (Ảnh: FT).

Tính năng tiền mã hoá là một phần trong kế hoạch mở rộng PayPal thành một "siêu ứng dụng" thanh toán – bao gồm tin nhắn, tài khoản tiết kiệm, thanh toán hoá đơn, chuyển tiền và mua sắm. Ứng dụng này dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Tham vọng của ông Schulman là biến PayPal thành ứng dụng mọi người sử dụng hàng ngày.

Nguồn cảm hứng cho PayPal là WeChat, "siêu ứng dụng" Trung Quốc. Không nhiều công ty ở Mỹ hay Châu Âu có thể sao chép được thành công của WeChat khi "đóng gói" các tính năng như tin nhắn, TMĐT và trò chơi vào trong cùng một ứng dụng. Ông Schulman đã tham vấn ý kiến của ông Martin Lau, chủ tịch Tencent, công ty mẹ của WeChat, khi định hình chiến lược cho PayPal.

PayPal được thành lập vào năm 1998. Ông Schulman thừa nhận việc hoạt động trước một thời gian dài so với các startup fintech như Revolut hay Klarna đã giúp PayPal có được niềm tin từ người dùng.

"Bạn sẽ không dùng một siêu ứng dụng nếu không tin thương hiệu đó", ông nói. Gần đây, PayPal vượt qua mốc 400 triệu tài khoản hoạt động và xử lý gần 5 tỷ giao dịch mỗi quý.

Đợt ra mắt siêu ứng dụng của PayPal được thực hiện ở thời điểm mà PayPal cũng gần hoàn thành tách ra khỏi eBay. Ông Schulman thừa nhận đây là một sự trùng hợp song lại thể hiện rõ nét những thay đổi mà PayPal đã trải qua trong 7 năm trở lại đây.

Quá trình PayPal tách khỏi eBay được thực hiện trong bối cảnh các nhà đầu tư nói rằng tăng trưởng chậm lại của eBay đang kìm hãm tiềm năng của PayPal. Ở thời điểm đó, eBay chiếm khoảng một phần tư doanh thu của PayPal. Hiện tại, con số này chỉ là 4%, sau khi eBay triển khai hệ thống thanh toán của riêng mình,

Ông Schulman và các công sự đã vạch ra kế hoạch 5 năm để "tách hai công ty khỏi nhau". "Chúng tôi có một biểu đồ dự án dài như thể hai dặm. Những chi tiết chúng tôi thực hiện thật điên rồ", ông nhớ lại.

Bên cạnh một số vấn đề về kỹ thuật như tích hợp giữa hai dịch vụ hay tách trung tâm dữ liệu, có những quy định ràng buộc vấn đề mô hình giá, làm việc với các đối thủ và lộ trình sản phẩm.

Các nhà đầu tư cũng tỏ ra ngạc nhiêu khi eBay có thể triển khai nền tảng thanh toán riêng nhanh hơn kỳ vọng. Trong khi đó, ông Schulman nói rằng eBay vẫn là "một đối tác chiến lược của chúng tôi, nhưng là một trong số rất nhiều".

Thái Sơn