|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Việt Nam trở thành 'chảo lửa' cạnh tranh cho các ví điện tử: Tham gia và tích cực 'đốt tiền'

07:49 | 07/08/2021
Chia sẻ
Việt Nam có quy mô nền kinh tế nhỏ hơn Thái Lan hay Indonesia song vẫn đặc biệt hấp dẫn với các nhà đầu tư fintech.
MoMo tự tin thắng 'cuộc chơi' ví điện tử tại Việt Nam bất chấp cạnh tranh - Ảnh 1.

Một siêu thị tại TP.HCM chấp nhận thanh toán qua MoMo. (Ảnh: Nikkei).

Cuộc đua thu hút vốn đầu tư của các ví điện tử đang nóng dần lên

Tại Việt Nam, MoMo là một trong những cái tên đầu tiên xuất hiện trên "làng ví điện tử" và có sự phát triển mạnh mẽ tới hiện tại trở thành một trong những ví điện tử lớn nhất tại thị trường Việt Nam.

Theo cho biết từ công ty này, MoMo đang có 60% thị phần thanh toán di động ở Việt Nam và xử lý khối lượng giao dịch năm lên tới 14 tỷ USD cho hơn 25 triệu người dùng.

Sự đa dạng trong danh mục sản phẩm giúp thúc đẩy doanh thu của MoMo ngay cả trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Mạnh Tường, CEO MoMo, chia sẻ với Nikkei.

Dù vậy, sự phát triển của MoMo cũng thu hút sự chú ý của các đối thủ từ nước ngoài. Xu hướng này biến Việt Nam thành một trong những môi trường công nghệ tài chính (fintech) cạnh tranh nhất Châu Á.

Hàng chục công ty, gồm cả các công ty hàng đầu Đông Nam Á như Grab và Sea, đều đã thâm nhập thị trường và đang tích cực "đốt tiền".

Các nhà phân tích dự đoán chỉ một số công ty có thể tồn tại sau "trận chiến" này. Họ không chỉ phải chiến đấu với nhau mà còn phải chiến đấu với các dịch vụ tương tự từ các ngân hàng và nhà mạng.

"Thị trường có thể chứng kiến sự hợp nhất để chỉ còn lại 2 hoặc 3 công ty"..."Nhưng các nhà đầu tư đằng sau vẫn còn nhiều vốn. Miễn là còn dòng tiền đầu tư, nhiều công ty có thể tồn tại song song nhưng đây là một cuộc chiến đau thương", ông Takahiro Suzuki, Giám đốc điều hành Genesia Vietnam, chia sẻ. 

Cuộc chiến giữa các công ty fintech đang nóng dần lên. VnLife, nhà vận hành dịch vụ VNPay, cho biết đã nhận được 250 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư gồm  General Atlantic, Dragoneer Investment Group và PayPal Ventures hồi tháng 7.

Hồi tháng 1, MoMo cũng kêu gọi được 100 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư bao gồm Warburg Pincus. Hiện tại, MoMo cũng đang cân nhắc gọi thêm vốn. Bên cạnh mở rộng mạng lưới cửa hàng chấp nhận ứng dụng, MoMo cũng chạy đua để bổ sung thêm dịch vụ như bảo hiểm xe máy hay cho vay tiêu dùng.

Gần đây, MoMo thâu tóm một công ty phần mềm để nhanh quá trình phát triển sản phẩm. MoMo có thể sẽ kêu gọi thêm nhiều đầu tư hơn nêu như MoMo chọn cách phát triển như Ant Group (Trung Quốc) hay Paytm (Ấn Độ), trong đó các công ty thanh toán sẽ dịch chuyển theo hướng thành một ngân hàng số.

MoMo tự tin thắng 'cuộc chơi' ví điện tử tại Việt Nam bất chấp cạnh tranh - Ảnh 2.

(Nguồn: Nikkei/CB Insights, Việt hoá: Thái Sơn).

Việt Nam có một trong những nền công nghiệp startup lâu năm nhất Đông Nam Á với đại diện là VNG (thành lập vào năm 2004). Dù vậy, Việt Nam đang tụt lại so với các quốc gia láng giềng, ví dụ như Indonesia, nơi các ông lớn như SoftBank đang rót hàng trăm triệu USD vào các startup địa phương. 

Việc những startup Đông Nam Á như Grab đang chuẩn bị niêm yết tại Mỹ kéo theo sự quan tâm rộng lớn hơn của các nhà đầu tư vào startup khu vực.

Mặc dù quy mô nền kinh tế Việt Nam nhỏ hơn so với Indonesia, Thái Lan và Philippines, mảng fintech trong nước lại đặc biệt hấp dẫn vì một số lý do.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dùng điện thoại di động cao nhất khu vực (khoảng 80% dân số người trưởng thành) song tỷ lệ chi nhánh ngân hàng trên đầu người lại khá thấp.

Các nhà điều hành cũng ủng hộ fintech và đã cấp giấy phép hoạt động ví điện tử cho hàng chục công ty. Hai đặc điểm này tạo ra mảnh đất màu mỡ để các startup có thể cung cấp dịch vụ tài chính qua điện thoại.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng cởi một nút thắt để fintech thăng hoa. Thuyết phục các cửa hàng chấp nhận ví điện tử vẫn là một nhiệm vụ khó khăn vì chủ cửa hàng hoài nghi về việc phải trả phí cho nhà cung cấp dịch vụ. Dù vậy, các lệnh giãn cách xã hội đang khiến họ phải tìm cách để có thể tiếp cận khách hàng thông qua Internet.

Thành lập từ năm 2007 trong vai trò một công ty cung cấp dịch vụ nạp tiền điện thoại, MoMo nhìn thấy tiềm năng khi tỷ lệ người dùng điện thoại di động tăng lên.

MoMo tự tin thắng 'cuộc chơi' ví điện tử tại Việt Nam bất chấp cạnh tranh - Ảnh 3.

ZaloPay có lợi thế nhờ hệ sinh thái của Zalo. (Ảnh: Nikkei).

MoMo ra mắt một ứng dụng chuyển tiền cho điện thoại cơ bản và chuyển một phần mạng lưới phân phối thẻ điện thoại của mình sang hoạt động thanh toán. Cuối cùng, MoMo được người trẻ ở thành thị đón nhận trong bối cảnh nhiều người chuyển sang dùng điện thoại thông minh.

Tuy nhiên sự thành công ban đầu của MoMo cũng kéo theo rất nhiều đối thủ. Lớn nhất trong số này là VNG với dịch vụ thanh toán ZaloPay.

Lợi thế lớn nhất của ZaloPay là việc được liên kết với Zalo, ứng dụng nhắn tin phố biến nhất Việt Nam, ông Huy Phạm, người điều phối Trung tâm FinTech-Crypto của Đại học RMIT Việt Nam, nói.

Ở Trung Quốc, Tencent tận dụng lượng người dùng lớn của WeChat để triển khai dịch vụ thanh toán.

Cùng thời điểm, Grab hợp tác với Moca, một công ty thanh toán di động địa phương, để đưa Moca thành dịch vụ thanh toán chính cho dịch vụ của mình tại Việt Nam. Sea cũng có hiện diện ở mảng thanh toán thông qua ShopeePay và cũng có cổ phần chi phối trong Now, một trong những dịch vụ giao đồ ăn phổ biến nhất Việt Nam.

Trong khi đó, MoMo cho rằng mình có thể chiến thắng đối thủ bằng cách hợp tác với các cửa hàng tiện lợi và chuỗi cà phê. Người tiêu dùng trẻ tiêu dùng tại đây thường xuyên hơn mua sắm trực tuyến hay gọi xe.

Ông Huy Phạm nhận định tính trung thành của người dùng Việt Nam không cao. Nhiều người Việt tải nhiều ứng dụng và chọn  ví có chiết khấu cao nhất cho nơi mà họ đang mua sắm. Thách thức nằm ở việc làm sao để thuyết phục người dùng tiếp tục dùng ứng dụng khi không còn khuyến mãi. 

Ông Huy Phạm cho rằng điều này rất khó. Ông hỏi 40 sinh viên lớp công nghệ tài chính của mình về điều này. Tất cả đều nói không.

MoMo tự tin thắng 'cuộc chơi' ví điện tử tại Việt Nam bất chấp cạnh tranh - Ảnh 4.

(Nguồn: Nikkei/JPMorgan, Việt hoá: Thái Sơn).

"Chúng ta cần đặt ra câu hỏi vì sao chúng tồn tại", ông nói với Nikkei. "Chúng tồn tại vì vài năm trước hệ thống ngân hàng di động chưa được phát triển tốt", ông chia sẻ. Song hiện tại, ngân hàng đang cung cấp được dịch vụ tương tự ví điện tử. Các công ty ví điện tử vì thế phải tìm cách khác biệt hoá.

Bên cạnh đó, mobile money, vốn được bật "đèn xanh" để thử nghiệm tại Việt Nam, thậm chí cho phép người dùng thanh toàn mà không cần đến tài khoản ngân hàng.

Các nhà phân tích nhìn nhận rủi ro lớn nhất với toàn ngành liên quan đến vấn đề điều hành. Các startup fintech đang phát triển vì môi trường điều hành thuận lợi. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói rằng hiện có 34 ví điện tử tại Việt Nam song chỉ có 5 trong số đó thu hút được sự chú ý có ý nghĩa.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang thắt chặt hoạt động của các công ty fintech, trong đó có Trung Quốc. Indonesia cũng đang tạm thời dừng cấp giấy chứng nhận hoạt động ví điện tử mới.

Bên cạnh đó, một rào cản khác là hoạt động IPO ở Việt Nam. Các công ty Việt Nam niêm yết tại nước ngoài cần thực hiện xin phê duyệt từ cơ quan chức năng, trong khi đó thị trường chứng khoán nội địa lại khá nhỏ và có giới hạn sở hữu đối với pháp nhân nước ngoài.

Năm 2017, VNG ký biên bản ghi nhớ với sàn Nasdaq (Mỹ) để tìm kiếm cơ hội niêm yết tại đây song hiện chưa rõ quá trình này đang được thực hiện đến đâu.

Các nhà đầu tư nói rằng VNLife có thể là một trong những ví điện tử đầu tiên của Việt Nam niêm yết, MoMo sẽ theo chân sau đó. Dù vậy, quá trình này vẫn còn khá mù mờ. Cả hai công ty đều nói rằng hiện chưa có kế hoạch IPO trong ngắn hạn.

Theo Nikkei, vài tháng tiếp theo có thể là thời điểm quan trọng để quyết định cái tên nào có thể tồn tại trên thị trường. "Chẳng ai muốn dùng đến 5 ví điện tử", một nhà đầu tư nói. 

Nam Khánh