TikTok đánh giá nhân viên qua mức độ xả thân vì công việc, bất chấp sức khỏe và thời gian: Muốn xin nghỉ phải trình bệnh án
Với một kho tàng nội dung giải trí tưởng chừng như vô tận, đầy rẫy những video hài hước, clip nhảy múa và ca hát, thật dễ để công chúng đánh đồng công việc kiểm duyệt nội dung trên TikTok với cảm giác tiêu khiển mà ứng dụng này mang lại, theo WSJ.
Tuy nhiên, theo như những nhân viên tại văn phòng của TikTok tại Mỹ, với phần lớn trong số họ là những cái tên gạo cội trong ngành, sự thành công của họ yêu cầu một môi trường làm việc hà khắc và nghiêm ngặt, kèm theo những quy định khép kín về bảo mật ở một mức độ khác thường, thậm chí cao hơn so với những tập đoàn công nghệ khác.
Tuy mới chỉ được thành lập từ 6 năm trước, TikTok đã đánh bật các ông lớn và trở thành mạng xã hội chia sẻ video nổi tiếng nhất thế giới, nắm giữ vị trí ứng dụng được tải về nhiều nhất cho tới quý đầu năm nay.
Bộ phận tại Mỹ của TiktTok gồm 1.500 nhân viên và dự đoán sẽ còn tăng lên 10.000 nhân viên trong thời gian sắp tới. Công việc chủ đạo của họ là biến các sản phẩm đã được vận hành tại Trung Quốc trở nên phù hợp với khán giả tại Mỹ và vận dụng tiềm năng quảng cáo của người dùng nội địa, một ví dụ tiêu biểu cho sự kết hợp giữa văn hóa làm việc phương đông và phương tây.
Tại trụ sở TikTik ở Los Angeles, một số nhân viên đã lên tiếng về tình trạng thiếu ngủ do quá tải công việc, kèm theo đó là những buổi họp mệt mỏi với các đối tác cách 12 múi giờ, mà theo một số nhân viên cũ, chúng chiếm tới 85 giờ một tuần. Một nhân viên khác đã chia sẻ rằng anh đã phải thuyết phục sếp của mình cho nghỉ sau vài ngày làm việc trắng đêm bằng kết quả y tế nêu rõ tình trạng sức khỏe đi xuống của bản thân.
Với những nhân viên khác, tăng giảm cân nặng đột ngột, thay đổi cực đoan trong cảm xúc và những cuộc gặp cần thiết với bác sĩ tâm lý là chuyện xảy ra hàng ngày. TikTok vay mượn văn hóa làm việc của mình từ Amazon, một tập đoàn đã chịu nhiều sự chỉ trích về cách họ đối xử với nhân viên.
“Hãy luôn làm việc như ngày đầu tiên”, một câu nói nổi tiếng của Jeff Bezos, thường được lặp đi lặp lại trong văn phòng của TikTok. Mọi nhân viên được đánh giá bởi mức độ xả thân vì công việc, bất chấp sức khỏe và thời gian.
“Chúng tôi ủng hộ một môi trường làm việc trong sạch và rõ ràng, và luôn sẵn sàng đón nhận những góp ý và phản ứng từ mọi người, với mục tiêu xây dựng một nền tảng vững chắc và lành mạnh cho người dùng, cũng như các nhân viên của chúng tôi”. TikTok tuyên bố sau khi nhấn mạnh về những sự thay đổi của họ về cách thức quản lý nhân viên.
Những đêm quá giờ thức trắng chạy deadline không phải là một thứ xa lạ với những tập đoàn công nghệ. Google, trước đây, và gần đây nhất là Netflix cũng đã chịu không ít chỉ trích từ chủ trường đề cao văn hóa xả thân vì công việc. Nhưng những gì đang xảy ra tại TikTok có vẻ như đã vượt quá định lượng thông thường. Những nhân viên cũ đã đồng loạt chia sẻ trải nghiệm của họ tại TikTok trên Youtube.
“Làm việc tại TikTok đã vắt kiệt tôi về mọi mặt, và dạy tôi nhiều thứ về việc lên kế hoạch cũng như thực hành dự án, kèm theo đó là cả những sự khác biệt nhỏ nhất tại một môi trường đa văn hóa”. Melody Chu, một nhân viên quản lý nội dung kỳ cựu, chia sẻ. Dù mang trong mình kinh nghiệm làm việc tại Facebook và Roblox, cô cũng đã phải nghỉ việc tại TikTok vào tháng 11 vừa qua.
Khối lượng công việc tại TikTok đã chiếm trọn cuộc sống của cô. Những cuộc họp đã lấy đi tất cả bữa tối với gia đình, và thậm chí ảnh hưởng đến cả tình trạng hôn nhân. Cân nặng cô sụt giảm và khó ngủ. Mọi mục tiêu cá nhân, sức khỏe tâm lý hay gia đình đều đến sau TikTok.
Nhiều nhân viên trẻ hơn sẵn sàng hi sinh sức khỏe của mình cho một sự nghiệp vững chắc, nhất là khi công ty của họ chuẩn bị lên sàn chứng khoán. Dĩ nhiên kế hoạch của họ đã khựng lại từ năm ngoái khi những nhà lập pháp tại Bắc Kinh càn quét các tập đoàn công nghệ Trung Quốc.
Doanh thu của TikTok đã lên tới 4 tỷ USD và năm 2021, và được các chuyên gia cho rằng sẽ lên tới 12 tỷ cho năm nay. So sánh với ông lớn Facebook, giờ được biết đến với cái tên Meta, họ mới chỉ có thể đạt được con số 12 tỷ tận 10 năm sau khi vận hành.
TikTok thường xuyên huy động nhiều đội khác nhau thực hiện cùng một dự án và để họ cạnh tranh xem bên nào có thể hoàn thành hiệu quả hơn. Một chiến thuật nhằm khéo léo ép nhân viên làm việc nhanh nhất có thể, nhưng đồng thời tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh, mang tính ganh đua và đàn áp. Nhiều dự án có thể mất tới hàng trăm tiếng để triển khai chỉ để làm đòn bẩy cho đối thủ trong cùng công ty.
TikTok không làm sơ đồ tổ chức công ty và đồng thời cấm các nhân viên tự tạo hay chia sẻ chúng, một điều bình thường ở Trung Quốc nhằm tránh việc săn đón và cướp nhân viên. TikTok tự cho rằng một sơ đồ tổ chức là không cần thiết vì cơ cấu của công ty cho phép bất cứ nhân viên nào, kể cả bộ máy cấp cao, cũng đều có thể được liên lạc dễ dàng.
Mô hình này khiến sự hợp tác giữa các phòng ban trở nên cực kỳ khó khăn, khi bạn không có thông tin nào về vị trí của các đồng nghiệp đang trong quá trình trao đổi thư từ gấp rút. Một nhân viên đã kể rằng phòng tài chính và nhân sự của văn phòng TikTok của New York đã hoàn toàn không hay biết rằng có một bộ phận khác đang làm y hệt phần công việc của họ trong cùng thành phố trong suốt hàng tháng trời.
Jamie Lim Yin Yin, một nhân viên cũ tại Singapore, chia sẻ trong một video Youtube nói về lý do tại sao cô rời TikTok chỉ sau 4 tháng làm việc rằng cô luôn phải để một tab trình duyệt cho LinkedIn để tra xem người đồng nghiệp vừa gửi thư cho cô đang làm ở vị trí nào trong công ty.
Ông Martinez, nguyên trưởng phòng bộ phận quảng cáo tại văn phòng Los Angeles, đã đề cập về sự thiếu minh bạch và tin tưởng trong bộ máy làm việc. Dữ liệu và thông số trong các cuộc họp thường xuyên bị che đi hoặc cắt bỏ hoàn toàn, kèm theo đó là chỉ thị từ cấp trên nghiêm cấm ông chia sẻ thông tin với các nhân viên cấp dưới.
TikTok thu hút vô số những hồ sơ tiềm năng, nhưng lại thất bại trong việc giữ chân họ ở lại. Ông Lucas Ou-Yang, từng nắm vị trí trưởng phòng bộ phận kỹ thuật tại California, đã chia sẻ rằng cả 10 trưởng bộ phận quản lý nội dung ông từng làm việc cùng đã nghỉ việc chỉ sau 1 năm vì những khó khăn trong việc hợp tác với các đồng nghiệp tại Trung Quốc.
Vào tháng vừa rồi, trước sự thiếu hụt nhân viên trầm trọng tại Mỹ, bộ máy cấp cao của TikTok đã phải đề xuất các quy chế mới, như tổ chức các cuộc họp bằng tiếng Anh nếu tất cả các thành viên không nói tiếng Trung Quốc, hay cung cấp các phương án phiên dịch hiệu quả hơn. Tuy nhiên ngôn ngữ chỉ là một trong nhiều vấn đề. Với các nhân viên tại Mỹ, họ sẽ phải bắt đầu ngày làm việc của mình vào chiều Chủ Nhật để bắt kịp cuộc họp với sếp vào sáng thứ Hai tại Trung Quốc.
Với bà Zuezhao Lan, nhà sáng lập và đối tác quản lý của hãng đầu tư công nghệ Basis Set Ventures, môi trường cạnh tranh trong ngành công nghệ tại Trung Quốc vẫn luôn khắc nghiệt hơn tại Mỹ. “Dĩ nhiên không ai muốn làm việc tới tận hai giờ sáng, nhưng nếu nhân viên không bỏ công sức như vậy, thì công ty sẽ không tồn tại được. Có lẽ đó là thứ mọi người không hiểu khi đánh giá văn hóa làm việc của Trung Quốc”. TikTok từng gửi nhiều nhân viên Mỹ tới Bắc Kinh để trải nghiệm môi trường làm việc của ByteDance trong một tuần. Dĩ nhiên điều đó đã dừng lại từ khi đại dịch bắt đầu.
Để giúp nhân viên dễ dàng đánh đổi lợi ích cá nhân hơn, nhiều tập đoàn công nghệ thường phát hành cổ phiếu hạn chế (RSU), hứa hẹn về món lời tiềm năng khi công ty lên sàn chứng khoán vào một tương lai không xa. Tuy nhiên lựa chọn đó mới chỉ được cung cấp cho số ít nhân viên tại Mỹ vào năm 2020. Thay vì vậy, họ cho phép nhân viên đổi tiền thưởng của mình thành RSU, ít nhất là với những ai có phong độ làm việc được đánh giá tốt.
Quy chuẩn đánh giá được dựa trên những thước đo mập mờ như “Luôn vươn tới sự hoàn hảo” hay là “Vững vàng và can đảm”. Điều này cho phép bộ phận quản lý lười nhác thưởng cho những nhân viên chiều ý họ hơn, đồng thời làm im lặng những lời kêu ca phàn nàn về môi trường làm việc.
Anh Dylan Juhnke, nhân viên bộ phận đối tác, đã nhiều lần thắc mắc với phòng nhân sự về quyền lợi cổ phiếu hạn chế của anh cũng như nhiều đồng nghiệp khác, về việc tại sao bộ máy cấp cao thường xuyên né tránh các câu hỏi về RSU trong suốt các cuộc họp. Không lâu sau đó, anh Dylan đã lập tức nhận được thư từ cấp trên nhắc nhở anh về hành vi đề cập tới những nội dung không phù hợp và thậm chí đề cập đến việc sa thải anh với phòng nhân sự. Anh Dylan đã nghỉ việc chỉ vài tháng sau.
TikTok đã từ chối bình phẩm về tất cả những chia sẻ nêu trên từ nhân viên cũ. “TikTok mang đến một môi trường làm việc tích cực, năng động, đa dạng và đầy trải nghiệm bất ngờ”. Được trích từ bức thư nội bộ cuối cùng anh Dylan nhận được trước khi nghỉ việc.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/