|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tiki hoạt động ra sao trước thông tin nhà sáng lập Trần Ngọc Thái Sơn đệ đơn từ chức?

15:19 | 14/07/2023
Chia sẻ
Từng được định giá chạm ngưỡng kỳ lân (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên), vị thế của sàn TMĐT Tiki trong vài năm gần đây đã dần thay đổi, đặc biệt kể từ khi TikTok Shop chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 4/2022.

Mới đây, ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập và CEO của nền tảng thương mại điện tử Tiki, được cho là đã gửi đơn từ chức lên hội đồng quản trị công ty, theo nguồn tin từ DealStreetAsia.

Thông tin về việc ông Trần Ngọc Thái Sơn đệ đơn từ chức lên hội đồng quản trị diễn ra vào thời điểm sàn thương mại điện tử (TMĐT) Tiki đang dần tụt dốc so với các đối thủ lớn như Shopee và Lazada. Thậm chí, ngay cả đối thủ mới trên thị trường TMĐT Việt Nam là TikTok Shop cũng đang bắt kịp và vượt qua Tiki.

Theo dữ liệu từ Metric, trong quý I, doanh thu của Shopee đạt mức 24.700 tỷ đồng, chiếm thị phần lớn nhất (63,1%) tổng doanh thu của 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam.

Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Lazada (7.500 tỷ đồng – chiếm 19,1% thị phần), TikTok Shop (6.000 tỷ đồng – chiếm 15,5% thị phần), Tiki (846,5 tỷ đồng – chiếm 2,2% thị phần) và Sendo (55 tỷ đồng).

Shopee cũng là sàn TMĐT có sản lượng sản phẩm bán ra nhiều nhất giai đoạn ba tháng đầu năm với 289,7 triệu sản phẩm. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Lazada (55,2 triệu sản phẩm), TikTok Shop (42,1 triệu sản phẩm), Tiki (2,8 triệu sản phẩm) và Sendo (290.000 sản phẩm).

Trước đó, vào năm 2022, những dấu hiệu cho thấy Tiki đang dần tụt lại trong cuộc đua TMĐT đã bắt đầu xuất hiện. Chỉ tính riêng trong tháng 11/2022, trong khi doanh thu của Tiki chỉ đạt 396 tỷ đồng, doanh thu của TikTok Shop đã lên tới 1.698 tỷ đồng, dù đơn vị này chỉ mới gia nhập thị trường Việt Nam từ tháng 4/2022, theo dữ liệu từ Metric.

Doanh thu trong cùng tháng của Tiki cũng kém xa so với hai sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam là Shopee (8.761 tỷ đồng) và Lazada (2.603 tỷ đồng).

Doanh thu các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam. (Nguồn: Metric - Doanh Chính tổng hợp).

Trong cả năm tài chính 2022, Tiki cũng ghi nhận doanh thu giảm so với năm tài chính trước đó. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng số liệu năm tài chính 2022 của Tiki được kiểm toán còn số liệu của năm tài chính 2021 thì không.

Thông tin nói trên đến từ hồ sơ quản lý của công ty đăng ký tại Singapore Tiki Global Pte Ltd vốn được thành lập từ tháng 5/2021 và sở hữu hơn 90% phát nhân tại Việt Nam, theo Tech in Asia.

Theo đó, tổng doanh thu của Tiki ghi nhận mức giảm 7% trong năm tài chính 2022 so với năm tài chính 2021. Cùng kỳ, chi phí ghi nhận mức tăng 4%. Kết quả là lỗ từ hoạt động của Tiki đã tăng 39% trong năm tài chính 2022.

Kết quả kinh doanh Tiki giai đoạn 2021 - 2022 (Số liệu năm 2021 chưa được kiểm toán). (Nguồn: Tech in Asia - Doanh Chính tổng hợp).

Tiki, hiện theo đuổi cả mô hình B2B và B2C, chia tổng doanh thu của mình thành hai phần: Doanh số bán hàng và doanh số dịch vụ. Trong đó, doanh số bán hàng chiếm tới 88% tổng doanh thu trong năm tài chính 2022.

Ở mảng dịch vụ, logistics là lĩnh vực đang mang lại nhiều doanh thu nhất cho Tiki. Đây là điều không quá ngạc nhiên bởi Tiki đã cung cấp các dịch vụ như giao hàng nhanh từ khá sớm, tương tự chiến lược của Amazon.

Bên cạnh đó, Tiki cũng đầu tư mạnh vào năng lực và hạ tầng xử lý logistics của riêng mình. Trong năm tài chính 2022, doanh thu mảng dịch vụ logistics tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, doanh thu từ thu phí sàn giao dịch giảm 37%,

Cần chú ý rằng mảng dịch vụ tăng trưởng nhanh nhất của Tiki là Tiki Ads khi doanh thu tăng 131% so với năm tài chính 2021. Dù vậy, mảng dịch vụ này chỉ chiếm vỏn vẹn 2% tổng doanh thu công ty.

Cơ cấu doanh thu theo từng hoạt động kinh doanh của Tiki giai đoạn 2021 - 2022. (Nguồn: Tech in Asia - Doanh Chính tổng hợp).

Trong khi tổng doanh thu của Tiki giảm tới 7% trong năm tài chính năm 2022, chi phí bán hàng chỉ giảm 1%. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 9% xuống 16%.

Trong đó biên lợi nhuận gộp của mảng hàng hoá là -19% còn biên lợi nhuận gộp của mảng dịch vụ là 3%. Như vậy, khả năng sinh lời của Tiki có thể sẽ được cải thiện nếu doanh thu từ dịch vụ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn.

Theo dữ liệu từ chuyên trang theo dõi startup Crunchbase, tính đến ngày 2/5/2022, Tiki đã trải qua tổng cộng 10 vòng gọi vốn, huy động thành công 470,5 triệu USD. Trong đó, vòng có số lượng nhà đầu tư tham gia đông đảo nhất là vòng gọi vốn Series E vào tháng 10/2021, với 6 nhà đầu tư tham gia.

Một số tên tuổi từng rót vốn cho sàn TMĐT này có thể kể tới như UBS, Yuanta Investment, Mirae Asset-Naver Asia Growth Fund, Nextrans, Northstar Group, STIC Investment,….

Vào thời điểm tháng 10/2021, sau vòng gọi vốn Series E, định giá của Tiki từng đạt mức 832 triệu USD, tiệm cận trạng thái “kỳ lân” (các startup có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên).

Trong suốt quá trình hoạt động, Tiki cũng từng tạo được nhiều tiếng vang thông qua các thương vụ thâu tóm và hợp tác. Chẳng hạn, vào năm 2019, Tiki đã chính thức công bố mua lại nền tảng đặt vé Ticketbox, đơn vị chuyên phân phối vé xem các buổi biểu diễn của những nghệ sĩ nổi tiếng như Đen Vâu, Hà Anh Tuấn,… và sắp tới đây chính là Blackpink.

Tiki từng thâu tóm Ticketbox, đơn vị chuyên phân phối vé show diễn của các nghệ sĩ như Đen Vâu, Hà Anh Tuấn,... và sắp tới là Blackpink, vào năm 2019. (Ảnh: Ticketbox).

Tháng 7/2021, AIA Vietnam đã ký hợp đồng hợp tác kéo dài 10 năm với Tiki, qua đó, Tiki trở thành sàn thương mại điện tử độc quyền phân phối bảo hiểm của hãng này tại Việt Nam. Được biết, AIA cũng chính là một trong những nhà đầu tư lớn (khoảng 60 triệu USD) vào vòng gọi vốn Series E của Tiki.

Tới tháng 7/2022, Home Credit Việt Nam, một chi nhánh của công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Hà Lan, cũng đã tham gia vào nền tảng TMĐT Tiki để ra mắt Home PayLater, dịch vụ mua trước, trả sau (Buy Now, Pay Later - BNPL) tại nước ta.

Doanh Chính