|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tiêu tiền tăng bất thường ở Habeco trước cổ phần hóa

07:06 | 02/09/2016
Chia sẻ
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, chi phí quản lý doanh nghiệp tại Habeco tăng từ mức 182 tỷ đồng lên 226 tỷ đồng.

Theo giải thích của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), đó chính là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận công ty sụt giảm.

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng của doanh nghiệp này tăng đáng kể (464 tỷ đồng) chủ yếu do chi cho quảng cáo, khuyến mãi (110 tỷ đồng), tăng 32,6 tỷ đồng, tương ứng 42% so với cùng kỳ năm 2015.

Vì thế, theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đạt 4.049 tỷ đồng, giảm 610 tỷ đồng (13%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 320 tỷ đồng, giảm 220 tỷ đồng (41%) so với 6 tháng đầu năm 2015.

tieu tien tang bat thuong o habeco truoc co phan hoa

Nhà nước thoái vốn tại Habeco năm 2016 trong khi việc cổ phần hóa Sabeco sẽ chia thành 2 đợt. Ảnh: VTC

Cũng theo báo cáo này, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp lần lượt là 576 tỷ đồng và 664 tỷ đồng.

Như vậy tổng nợ tại đơn vị này là 1.240 tỷ đồng, chiếm 53,5% vốn góp chủ sở hữu.

Chủ nợ lớn nhất của Habeco là Ngân hàng Quốc tế Việt Nam với 356,6 tỷ đồng. Doanh nghiệp này còn vay Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam 244 tỷ đồng, Ngân hàng Standard Chartered với 179 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị này phải trả hơn 37 tỷ đồng tiền lãi vay trong khi mang hơn 1.156 tỷ đồng tiền mặt đi gửi ngân hàng.

Điều đáng nói, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải vừa mới ra thông báo sẽ thoái vốn khỏi doanh nghiệp này một cách công khai, minh bạch theo đúng cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, tránh hiện tượng lợi ích nhóm, gây thiệt hại cho Nhà nước, cổ đông.

Đồng thời, phải tiến hành niêm yết cổ phiếu của hai đơn vị trước khi thực hiện việc thoái vốn, tổ chức thuê tư vấn, kể cả tư vấn nước ngoài để bảo đảm tính chính xác, minh bạch, thẩm định giá trị cổ phiếu của hai công ty làm căn cứ để thoái vốn theo quy định.

Ông Hải thông tin, thực chất Habeco đã được cổ phần hóa, Nhà nước hiện chỉ giữ 81,79% vốn điều lệ ở đây. Bộ sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu nhà nước (9.000 tỷ đồng) tại doanh nghiệp này trong năm 2016.

Điều đáng quan tâm, hầu hết các DN trước khi nhà nước cổ phần hóa hoặc thoái vốn đều có chi phí bán hàng và điều hành doanh nghiệp tăng lên đột xuất.

Ngày 8/10/2015, Chính phủ đã quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Vinamilk. Trước đó không lâu, tại Đại hội cổ đông thường niêm diễn ra ngày 25/4/2014, Cty cổ phần sữa VN (Vinamilk) đã công bố kế hoạch giảm lợi nhuận, đồng thời tăng đột biến chi phí tiếp thị để giữ thị phần.

Theo Sơn Ca

Đất Việt