Tiêu thụ vàng Trung Quốc giảm hơn 5% trong nửa đầu năm vì giá cao
Theo China Daily, dữ liệu được công bố tại Hội nghị Vàng Trung Quốc 2024, cho thấy sản lượng vàng của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024 đạt hơn 179,6 tấntăng 0,58% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi tiêu thụ vàng đạt hơn 523,7 tấn giảm hơn 5,6% so với nửa đầu năm ngoái.
Theo Bastille Post, có sự tương phản rõ rệt về khối lượng bán ra giữa đồ trang sức bằng vàng và thỏi vàng, tiền vàng.
Trong tổng lượng vàng tiêu thụ của cả nước, vàng miếng và tiền vàng chiếm 213.635 tấn, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước; vàng trang sức đạt 270.021 tấn, giảm 26,7%; và tiêu thụ vàng cho mục đích công nghiệp và mục đích khác đạt 40.097 tấn, giảm 0,53% so với cùng kỳ năm trước.
Dữ liệu cũng cho thấy trong nửa đầu năm nay, tổng khối lượng giao dịch tất cả các loại vàng tại Sàn giao dịch vàng Thượng Hải đạt 29.800 tấn, tăng 39,77% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi tổng khối lượng giao dịch tất cả các loại vàng tại Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải đạt 80.100 tấn, tăng 34,74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Vàng Thế giới cho biết: “Giá vàng cao đã làm tăng rủi ro cho các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh vàng”.
“Mua hàng từ các doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ giảm, khối lượng chế biến trang sức cũng giảm đáng kể.”
Trong cùng thời kỳ, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bổ sung 28,93 tấn vàng vào dự trữ của mình. Tính đến cuối tháng 6, dự trữ vàng của Trung Quốc đạt tổng cộng 2.264,3 tấn.
ÔngDavid Tait, Giám đốc điều hành của Hội đồng vàng thế giới cho biết, vàng đã có một năm đặc biệt khi giá tính theo đồng USD tăng 12% trong nửa đầu năm nay. Nguyên nhân của đà tăng này đến từ hoạt động mua hàng của ngân hàng trung ương được duy trì, nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ ở châu Á, nợ toàn cầu gia tăng và những bất ổn địa chính trị.
Ông nhận định thị trường vàng Trung Quốc đã chuyển đổi từ người đi sau thành người dẫn đầu trong một số lĩnh vực quan trọng và sẽ tiếp tục thúc đẩy sự đổi mới trên thị trường vàng toàn cầu trong nhiều năm tới.
Ông cho biết, kể từ đầu những năm 1990, nhu cầu vàng của Trung Quốc đã tăng trưởng ổn định, đỉnh điểm là việc thành lập Sàn giao dịch vàng Thượng Hải vào năm 2002. Đây được xem là một cột mốc quan trọng.
“Nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc trong những thập kỷ qua, Trung Quốc đã đảm bảo vị trí dẫn đầu trên thị trường vàng toàn cầu. Trong hơn 10 năm liên tiếp, Trung Quốc là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Đồng thời, nước này cũng giữ vị trí là nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới trong 15 năm liên tiếp" ông nói.
Ông Tait cho biết thành tựu này nêu bật vai trò và ảnh hưởng quan trọng của Trung Quốc trong việc định hình tương lai của ngành vàng toàn cầu, đồng thời kỳ vọng thị trường vàng Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy sự đổi mới của thị trường vàng toàn cầu trong nhiều năm tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như số hóa, chuỗi cung ứng có trách nhiệm cũng như khai thác thủ công.
Theo khảo sát dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương tháng trong tháng 6 do WGC công bố, 29% ngân hàng trung ương có kế hoạch tăng thêm dự trữ vàng của họ trong vòng 12 tháng tới, mức cao nhất được quan sát kể từ năm 2018.
Theo Reuters, các chuyên gia nhận định mặc dù tạm dừng mua trong tháng 5 và 6 nhưng nhu cầu vàng của Trung Quốc vẫn rất lớn vì tỷ lệ nắm giữ vàng thỏi trong dự trữ vẫn ở mức thấp trong khi căng thẳng địa chính trị vẫn đang tiếp diễn.
Một chuyên gia trong lĩnh vực chính sách Trung Quốc, cho biết dự trữ vàng của nước này cần phải tăng cả về giá trị tuyệt đối và tương đối vì chúng không tương xứng với vị thế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hiện tỷ trọng vàng trong dự trữ của Trung Quốc vẫn ở mức thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn.
“Nhưng yếu tố về giá cũng cần được cân nhắc bởi ngân hàng trung ương không thể duy trì lượng mua vào liên tục mỗi tháng", vị này cho biết, đồng thời nói thêm rằng các yếu tố địa chính trị thúc đẩy bởi xung đột Nga-Ukraine và tại Trung Đông là một trong những động lực thúc đẩy nhu cầu vàng của Trung Quốc trong những năm gần đây.