Tiêu thụ nhựa sẽ tăng mạnh nếu không có biện pháp can thiệp
Báo cáo do hai tổ chức Economist Impact và The Nippon Foundation cùng thực hiện và công bố ngày 26/2 cho thấy ngay cả khi các biện pháp tiềm năng nhất về giảm tiêu thụ nhựa được triển khai cũng không ngăn chặn được sự gia tăng đáng kể trong sản xuất và sử dụng nhựa.
Cách đây một năm, 175 quốc gia đã nhất trí chấm dứt cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa thông qua việc xây dựng một hiệp ước mang tính ràng buộc của LHQ, dự kiến có thể ra đời vào cuối năm 2024. Trong báo cáo trên, các nhà khoa học đã mô hình hóa 3 cách tiếp cận về mặt chính sách đang được thảo luận tại các cuộc đàm phán của LHQ, trong đó đề cập toàn bộ vòng đời của nhựa, từ khâu sản xuất cho đến khi bị thải bỏ. Những biện pháp chủ chốt đang được thảo luận hiện nay là lệnh cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, cơ chế phạt tài chính đối với hành vi gây ô nhiễm và thu thuế đối với hoạt động sản xuất nhựa.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học, ngay cả khi những chính sách này được áp dụng vẫn có nguy cơ "đáng kể" không đủ sức nặng để giảm thiểu việc sử dụng nhựa.
Kế hoạch mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất hầu như sẽ không kìm hãm được mức tăng sử dụng nhựa trên thế giới. Nếu xu hướng hiện nay tiếp diễn, số lượng nhựa được sử dụng tại các quốc gia thuộc G20 sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2050 so với mức ghi nhận năm 2019, lên tới 451 triệu tấn/năm. Trong khi đó, ở thời điểm năm 1950, chỉ có 2 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới.
Theo các chuyên gia, lệnh cấm toàn cầu đối với các loại nhựa sử dụng một lần không thiết yếu, như túi ni lông, tăm bông, cho dù áp dụng từ nay đến năm 2050 cũng chỉ làm chậm 14% mức tăng tiêu thụ nhựa. Kể cả khi áp một khoản thuế đáng kể đối với nhựa dẻo "nguyên chất", nguyên liệu thô để sản xuất nhựa, cũng sẽ chỉ giúp giảm 10% lượng nhựa tiêu thụ so với mức dự báo cơ sở cho đến năm 2050.