Tiếp tục đề nghị cấm hoạt động đòi nợ thuê do xuất hiện nhiều biến tướng
Cấm dịch vụ đòi nợ thuê khó khả thi? | |
TP HCM kiến nghị Chính phủ cấm dịch vụ đòi nợ thuê |
Nguồn: vtv |
Theo ý kiến của cử tri tỉnh Thanh Hoá, hiện nay hoạt động cho thuê tài chính và kinh doanh dịch vụ đòi nợ có chiều hướng phát triển và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hoạt động này hiện được quy định tại Nghị định số 39 ngày 7/5/2014 và Nghị định 104 ngày 14/6/2007 của Chính phủ.
Tuy nhiên trên thực tế, loại hình này xuất hiện nhiều biến tướng, một số vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm, sử dụng nhiều chiêu trò, đe dọa, mang tính chất trấn áp khủng bố tinh thần, gây hoang mang cho người đi vay và đã xảy ra nhiều hệ lụy.
Do đó, cử tri đề nghị Bộ Tài chính xem xét nghiên cứu đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh hoặc xây dựng các quy định siết chặt hoạt động này, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và mục tiêu quản lý của nhà nước.
Cũng đồng quan điểm trên, cử tri tỉnh Quảng Ngãi cho biết dịch vụ kinh doanh đòi nợ đã có nhiều biến tướng, hoạt động không đảm bảo các điều kiện đăng ký kinh doanh, như: một số công ty dịch vụ đòi nợ có hành vi “khủng bố”, nhân viên có cấu kết với các đối tượng xã hội đen thực hiện bắt cóc, tống tiền để đòi nợ… gây mất an ninh, trật tự xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng liên quan đến tài sản, tính mạng và hạnh phúc gia đình.
Hiện nay, mặc dù Bộ Tài chính đang trình dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 104 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, tuy nhiên, trong thời gian chờ ban hành Nghị định mới, cử tri đề nghị cần có biện pháp mạnh để chấn chỉnh ngay tình trạng trên.
Đồng thời nghiên cứu sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định trên một cách phù hợp để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước hoặc xem xét có nên để tồn tại và cho phép hoạt động dịch vụ này hay không.
Trước đó không lâu, UBND TP HCM cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài Chính đề nghị đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.
Đại diện UBND TP HCM cho rằng "vay nợ" là quan hệ dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tham gia thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như tòa án, thi hành án...
Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại… sẽ có thẩm quyền thi hành. Do đó, không cần thiết phải có thêm hoạt động đòi nợ thuê.