|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đòi nợ cũng phải có nghề

15:11 | 04/09/2018
Chia sẻ
Không có một thống kê chính thức nào về quy mô thị trường đòi nợ. Cho đến nay kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn hoạt động theo Nghị định 104/2007/NĐ-CP đã có hiệu lực từ gần 12 năm với cơ quan quản lý chính là Bộ Tài chính. Mới đây Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ về việc ban hành nghị định mới bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định 104. Những dự thảo chỉnh sửa, bổ sung là cần thiết, song có lẽ dường như chưa đầy đủ để dịch vụ mang tính khá đặc thù này trở nên chuyên nghiệp.
doi no cung phai co nghe Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Thiện, ác mong manh
doi no cung phai co nghe Nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục để phân biệt với xã hội đen
doi no cung phai co nghe
Các chủ nợ (ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân) thường chỉ tìm đến dịch vụ đòi nợ một khi họ đã thử hết cách mà không thu hồi được nợ. Ảnh: NGUYỄN NAM

“Bí mật” doanh thu, lợi nhuận đòi nợ

Chỉ riêng trên địa bàn TPHCM hiện có ít nhất khoảng 20 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đòi nợ với các hình thức công ty cổ phần, công ty TNHH hoặc đơn giản là công ty thu hồi nợ. Có thể kể ra vài cái tên như Công ty cổ phần Dịch vụ đòi nợ Hưng Thịnh; Hoàng Phong; Song Long; Nam Sài Gòn; Tai Ga; Công Lý; Công ty cổ phần Đòi nợ Cửu Long; Song Việt; Đại Thiên; Công ty Thu hồi nợ Thành Hồ; Thành Danh; An Khang; Công ty TNHH Đòi nợ Song Bảo; Phương Nam; Minh Thắng; Đông Dương; Công ty cổ phần Thu nợ Dân An; Phát Đạt...

Một số đơn vị kể trên đã có thâm niên 5-7 năm trong nghề, cũng có đơn vị mới thành lập được một năm. Đặc điểm chung là họ không thu bất cứ khoản phí nào trước khi thu hồi được nợ. Họ đều niêm yết bảng phí dịch vụ cùng với phí công tác công khai trên trang web. Phí dịch vụ rất cao từ 15-48% tổng số nợ thu. Mức phí cao nhất áp dụng cho các khoản đòi nợ dưới 30 triệu đồng và thấp nhất là trên 5 tỉ đồng. Có đơn vị niêm yết nếu khoản nợ phải đòi từ 5 tỉ đồng trở lên thì phí dịch vụ có thể thỏa thuận. Ngoài phí dịch vụ, họ còn thu phí công tác, tầm từ 1-10 triệu đồng/khoản thu nếu ở TPHCM và cao hơn từ 50-150% so với mức phí của TPHCM nếu ở các địa phương. Cũng có doanh nghiệp miễn phí công tác nếu khoản đòi nợ ở địa phận TPHCM.

Không công ty nào công bố minh bạch doanh số đòi nợ một năm bao nhiêu, mức tăng trưởng thế nào và lợi nhuận ròng lại càng là số “bí mật”. Nhân viên bộ phận thu hồi nợ của một tổ chức tín dụng cho biết một số ngân hàng cũng là khách hàng của các công ty đòi nợ.

Đi đòi nợ phải mặc trang phục

“Bộ Tài chính đã có nhiều công văn đề nghị các địa phương đôn đốc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ báo cáo, nhưng các doanh nghiệp thường xuyên không thực hiện hoặc báo cáo chậm so với quy định” - tờ trình Chính phủ của Bộ Tài chính về việc ban hành nghị định mới bổ sung Nghị định 104 nhấn mạnh.

Cơ quan quản lý nắm rõ do sự nhạy cảm của dịch vụ đòi nợ, nên hoạt động của các công ty trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, xảy ra vi phạm về an ninh, trật tự. Có công ty có hành vi cấu kết với các đối tượng xã hội đen để bắt cóc, tống tiền nhằm đòi nợ. Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về đòi nợ mờ nhạt, nên khi xảy ra các vụ việc vi phạm, chỉ có lực lượng công an tham gia xử lý.

Có nên trao thêm trách nhiệm cho Bộ Công an trong việc tham gia giám sát hoạt động đòi nợ là điểm nên cân nhắc. Thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên quyết, không nên thêm trách nhiệm cho Bộ Công an, bởi như thế vô hình trung có thể tạo ra hình sự hóa những vụ việc dân sự.

Vậy dự thảo nghị định mới bổ sung những gì? Theo tờ trình, bổ sung gồm có quy định về điều kiện an ninh trật tự, quy định về trang phục đối với nhân viên thu hồi nợ và nhất là quy định trách nhiệm của Bộ Công an để tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động này.

Quy định tranh phục là điểm mới. Dự thảo đòi hỏi công ty đòi nợ cấp trang phục cho người lao động, trên trang phục phải có tên doanh nghiệp và mẫu trang phục phải được công khai tại trụ sở chính và các chi nhánh. “Quy định về trang phục là cần thiết để tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hoạt động này thông qua việc nhận diện nhân viên đòi nợ, hạn chế tình trạng tụ tập, gây rối; đồng thời nâng cao nhận thức của xã hội về đòi nợ như một ngành nghề hợp pháp” - tờ trình lý giải.

Ngoài ra, dự thảo yêu cầu mức vốn điều lệ tối thiểu đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỉ đồng. Người quản lý và giám đốc chi nhánh của công ty đòi nợ phải có trình độ đại học trở lên; người lao động công ty phải có học vấn từ trung cấp trở lên.

Trách nhiệm của Bộ Công an

Ai đã từng xem bộ phim Confessions of a Shopaholic (Lời thú tội của một tín đồ mua sắm) đều thấy cô gái trẻ Rebecca Bloomwood đã bị người của công ty đòi nợ “săn đuổi” ra sao khi cô thấu chi quá mức thẻ tín dụng mà không trả đúng hạn.

Các chủ nợ (ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân) thường chỉ tìm đến dịch vụ đòi nợ một khi họ đã thử hết cách mà không thu hồi được nợ. Áp dụng các biện pháp phổ biến như hòa giải, thương lượng, khởi kiện... mà không hiệu quả, chủ nợ hy vọng dịch vụ đòi nợ sẽ có giải pháp mạnh tay hơn để con nợ buộc phải trả tiền. Đấy là lý do vì sao phí dịch vụ đòi nợ lại cao chót vót.

Những dự thảo bổ sung cho Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ đặc biệt cần thiết khi mà hơn chục năm qua môi trường kinh doanh, pháp lý, xã hội đã thay đổi nhiều. Tuy nhiên, có nên trao thêm trách nhiệm cho Bộ Công an trong việc tham gia giám sát hoạt động đòi nợ là điểm nên cân nhắc (cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ).

Dịch vụ đòi nợ là một ngành nghề, và do đó hoạt động phải tuân thủ quy định pháp lý. Nếu vi phạm, vượt quá quyền hạn của tổ chức đòi nợ, thì bản thân tổ chức đó phải bị xử lý theo quy định pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cơ quan quản lý rút giấy phép, đóng cửa. Thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên quyết, không nên thêm trách nhiệm cho Bộ Công an, bởi như thế vô hình trung có thể tạo ra hình sự hóa những vụ việc dân sự, điều mà việc cải thiện môi trường kinh doanh đang cố gắng hạn chế đến mức tối đa.

Xem thêm

Hải Lý

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.