|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiếp tục đề xuất phải mặc đồng phục, đeo thẻ khi đi đòi nợ thuê

07:53 | 21/08/2018
Chia sẻ
Dự thảo mới đây lại tiếp tục đưa quy định tất cả các nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục và đeo thẻ nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ. Đề xuất này đã từng được đưa ra hơn một năm trước nhưng bị loại bỏ sau đó.
tiep tuc de xuat phai mac dong phuc deo the khi di doi no thue Nhân viên đòi nợ thuê phải có trình độ từ trung cấp trở lên
tiep tuc de xuat phai mac dong phuc deo the khi di doi no thue
Tiếp tục đề xuất phải mặc đồng phục, đeo thẻ khi đi đòi nợ thuê (Ảnh minh hoạ)

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Theo dự thảo này, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải cung cấp trang phục và thẻ nhân viên cho người lao động. Trên thẻ phải có ảnh, ghi rõ họ tên, chức vụ của người được giao nhiệm vụ và có dấu của doanh nghiệp, trên trang phục phải có tên doanh nghiệp và mẫu trang phục phải được công khai tại trụ sở chính và các chi nhánh.

Đồng thời, nhân viên phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.

Doanh nghiệp phải thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp cho người lao động khi kết thúc hợp đồng lao động với người lao động.

Hơn 1 năm trước đó, đề xuất nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, đeo thẻ từng được Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo Nghị định năm 2016. Tuy nhiên đến khi xin ý kiến năm 2017, cơ quan này lại bỏ điều kiện trên sau khi Bộ tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Chính phủ và cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ cần thiết duy trì các quy định về điều kiện an ninh, trật tự.

Cùng với đó, dự thảo cũng quy định người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ phải được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 6 tháng trở lên. Đồng thời, có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.

Đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh cần có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành trên, không giữ chức danh quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị thu hồi giấy phép, chưa từng bị kết án.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng. Quy định này đã nới lỏng hơn so với quy định cũ khi mức 2 tỷ đồng là vốn pháp định (vốn tối thiểu phải có để thành lập doanh nghiệp).

Bên cạnh đó, dự thảo lần này bỏ điều khoản chủ nợ và khách nợ không phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật gây ra so với quy định hiện hành.

Xem thêm

Trúc Minh