|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Không nên quy định công ty luật là tổ chức duy nhất có thể đòi nợ thuê'

17:00 | 05/11/2018
Chia sẻ
Một số luật sư nhận định các tổ chức hành nghề luật không nên, và cũng không thể, đảm nhận hoạt động đòi nợ thuê vì nhiều vấn đề bất cập.
khong nen quy dinh cong ty luat la to chuc duy nhat co the doi no thue Đòi nợ cũng phải có nghề

Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ (dịch vụ "đòi nợ thuê") có cơ sở pháp lý là Nghị định 104/2007/NĐ-CP. Sau hơn 10 năm tồn tại, hoạt động đòi nợ đang bộc lộ nhiều điểm bất cập, có dấu hiệu "xã hội đen" như đe dọa, lăng mạ, khủng bố tinh thần, tâm lý đối với bên nợ, nhằm khiến họ cảm thấy sợ hãi mà trả nợ.

Nghị định số 104/2007/NĐ-CP quy định chi tiết về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ - như doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có vốn pháp định tối thiểu 2 tỷ đồng; người quản lý, điều hành doanh nghiệp phải có đủ năng lực hành vi dân sự, có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy trong một số chuyên ngành: kinh tế, luật pháp, công an, quản trị doanh nghiệp và phải chưa có tiền án, tiền sự. Nhân sự của công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ trực tiếp tiến hành nghiệp vụ. Việc doanh nghiệp, hay nhân viên doanh nghiệp thuê người khác đòi nợ là hành động vi phạm pháp luật.

khong nen quy dinh cong ty luat la to chuc duy nhat co the doi no thue
Chính quyền TP.HCM lo ngại dịch vụ đòi nợ thuê biến tướng, ảnh hưởng xấu tới trật tự xã hội. Ảnh: Vietnamnet.

Trong một bài viết trên báo Kinh tế Sài Gòn, luật sư Trần Hồng Phong thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm rằng các nhà làm luật cần xác định dịch vụ đòi nợ là một dịch vụ pháp lý.Mặc dù vậy, rất nhiều nhân viên đòi nợ đã có tiền án, tiền sự nhưng các công ty kinh doanh dịch vụ vẫn tuyển. Khi tiến hành đòi nợ, một số doanh nghiệp vẫn sử dụng những cách thức trái pháp luật. Cơ quan nhà nước khó quản lý và kiểm soát những hình thức trái pháp luật khi đòi nợ, do họ không có bằng chứng xác thực. Thực trạng này gây ảnh hưởng tiêu cực tới trật tự an ninh.

Đối với dịch vụ đòi nợ, trong Nghị định 104/2007/NĐ-CP xác định rõ hai vấn đề: đòi nợ phải có "căn cứ hợp pháp" và công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ có chức năng "tư vấn pháp luật cho chủ nợ hoặc khách nợ về việc xác định nợ, biện pháp, quy trình, thủ tục xử lý nợ".

"Như vậy, rõ ràng dịch vụ đòi nợ có đủ yếu tố của một dịch vụ pháp lý", ông Phong nhấn mạnh.

khong nen quy dinh cong ty luat la to chuc duy nhat co the doi no thue
Thạc sỹ luật Nguyễn Anh, một chuyên gia pháp lý ở Hà Nội.

Mặc dù vậy, một số luật sư nhận định các tổ chức hành nghề không nên, và cũng không thể, đảm nhận hoạt động đòi nợ thuê.

"Ở Việt Nam, luật sư hoạt động chủ yếu ở hai mảng tư vấn và tranh tụng. Hoạt động đòi nợ không thuộc hai mảng này", thạc sỹ luật Nguyễn Anh, một chuyên gia pháp lý ở Hà Nội, phát biểu.

Nguyễn Anh - người sáng lập Công ty Tư vấn Luật và Quản lý doanh nghiệp L & P - cho rằng tổ chức hành nghề luật sư chỉ nên tham gia dịch vụ đòi nợ thuê với tư cách là đối tác tư vấn, chứ không nên trực tiếp triển khai. Theo anh, chủ nợ thường thích dùng những dịch vụ do người có đủ chức năng (có nghiệp vụ, kỹ thuật tốt) và giấy phép đòi nợ, chứ chưa chắc họ sẽ muốn thuê luật sư. Nhiều khách hàng tin rằng trong hoạt động đòi nợ, kiến thức chuyên môn về luật pháp chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là nghiệp vụ điều tra, phân tích và đánh giá khả năng trả nợ của con nợ.

"Quan điểm của tôi là luật sư chỉ nên tham gia giải quyết các vụ vay nợ rõ ràng giữa các bên với nhau. Giao toàn bộ việc đòi nợ cho luật sư có thể khiến chủ nợ không đạt mục đích", vị chuyên gia pháp lý bình luận.

Hơn nữa, theo Nguyễn Anh, luật sư phải tuân thủ Quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư. Hoạt động đòi nợ lại có tính chất xã hội, kinh doanh nên nếu luật sư tham gia với tư cách chuyên sâu, chuyên trách, nguy cơ họ vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề sẽ khá cao.

khong nen quy dinh cong ty luat la to chuc duy nhat co the doi no thue
Trịnh Việt Kiều - giám đốc Công ty Luật 249 - cho rằng mọi cá nhân, tổ chức đáp ứng đủ điều kiện về việc nhận ủy quyền đều có thể thu hồi nợ giúp các chủ nợ.

Luật sư Trịnh Việt Kiều - giám đốc Công ty Luật 249 - nhận định nhà nước không nên quy định tổ chức hành nghề luật là đối tượng duy nhất có thể đảm nhận hoạt động đòi nợ thuê. Theo nữ luật sư, món nợ phát sinh do một giao dịch mà thành. Chủ nợ là người thực hiện hoặc đại diện để thực hiện giao kết đó, nên họ có quyền ủy quyền cho bên thứ ba thu hồi nợ.

"Bên thứ ba có thể là mọi cá nhân, tổ chức đáp ứng đủ điều kiện về việc nhận ủy quyền, không nhất thiết phải là tổ chức hành nghề luật", luật sư Kiều nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo quy định tại Luật luật sư, chỉ các tổ chức hành nghề luật sư mới có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý và những người hành nghề hành nghề trong lĩnh vực pháp lý (luật sư). Bởi vậy, để việc thu hồi nợ diễn ra đúng pháp luật, chủ nợ nên liên hệ tổ chức hành nghề luật để tư vấn pháp lý trước khi tiến hành.

"Ưu thế của luật sư là họ có thể tư vấn pháp luật để hợp pháp hóa khoản nợ, rồi thu thập tài liệu, chứng cứ để có phán quyết của Tòa án. Khi có quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án sẽ là lực lượng song hành với luật sư trong quá trình thu hồi nợ", chị Kiều lập luận.

Xem thêm

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.