'Nên giao dịch vụ đòi nợ cho các công ty luật'
Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ (dịch vụ "đòi nợ thuê") có cơ sở pháp lý là Nghị định 104/2007/NĐ-CP. Sau hơn 10 năm tồn tại, hoạt động đòi nợ đang bộc lộ nhiều điểm bất cập, có dấu hiệu "xã hội đen" như đe dọa, lăng mạ, khủng bố tinh thần, tâm lý đối với bên nợ, nhằm khiến họ cảm thấy sợ hãi mà trả nợ.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc công ty Luật TGS, nhận định rằng, thông thường quá trình đòi nợ không hề dễ dàng và suôn sẻ, bởi nếu có suôn sẻ thì các chủ nợ đã không nhờ bên thứ ba. Do đó phần lớn quá trình đòi nợ thường mang tính chất tiêu cực và cực đoan. Chẳng hạn, hồi tháng 4 vừa qua, một nhóm đối tượng mang theo dao, kiếm, súng đến tấn công, uy hiếp gia đình con nợ ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Gần đây, một thanh niên ở Phú Quốc bị đâm chết trong quá trình tiến hành đòi nợ.
"Nhiều khách hàng từng tâm sự với tôi về việc họ bị đe dọa, làm phiền khiến cuộc sống xáo trộn. Thậm chí những kẻ đòi nợ còn tạt sơn đỏ lên cửa nhà của một khách chỉ vì số tiền nợ 20 triệu", ông Tuấn nói.
Nghị định số 104/2007/NĐ-CP quy định chi tiết về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ - như doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có vốn pháp định tối thiểu 2 tỷ đồng; người quản lý, điều hành doanh nghiệp phải có đủ năng lực hành vi dân sự, có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy trong một số chuyên ngành: kinh tế, luật pháp, công an, quản trị doanh nghiệp và phải chưa có tiền án, tiền sự. Nhân sự của công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ trực tiếp tiến hành nghiệp vụ. Việc doanh nghiệp, hay nhân viên doanh nghiệp thuê người khác đòi nợ là hành động vi phạm pháp luật.
Mặc dù vậy, rất nhiều nhân viên đòi nợ đã có tiền án, tiền sự nhưng các công ty kinh doanh dịch vụ vẫn tuyển. Khi tiến hành đòi nợ, một số doanh nghiệp vẫn sử dụng những cách thức trái pháp luật. Cơ quan nhà nước khó quản lý và kiểm soát những hình thức trái pháp luật khi đòi nợ, do họ không có bằng chứng xác thực. Thực trạng này gây ảnh hưởng tiêu cực tới trật tự an ninh.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc công ty Luật TGS, cho rằng tổ chức luật sư là thực thể phù hợp nhất để thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê. |
Giám đốc công ty Luật TGS nhấn mạnh rằng, bên cạnh quy định của pháp luật, kiểm soát thực thi luật là vấn đề rất quan trọng để các tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ chấp hành nghiêm chỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
“Luật cũng nên xem xét đề xuất chỉ nên để những tổ chức hành nghề luật sư thực hiện hoạt động dịch vụ đòi nợ nhằm đảm bảo việc thi hành đúng pháp luật, tạo sự yên tâm đối với người dân. Những tổ chức hành nghề luật sư nắm rõ và thực thi luật tốt nhất. Họ sẽ có những cách thức, nghiệp vụ chuyên môn để có thể đảm bảo thu hồi công nợ cho khách hàng ủy quyền một cách hiệu quả và đúng luật", ông Tuấn lập luận.
Trong một bài viết trên báo Kinh tế Sài Gòn, luật sư Trần Hồng Phong thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm rằng các nhà làm luật cần xác định dịch vụ đòi nợ là một dịch vụ pháp lý.
Đối với dịch vụ đòi nợ, trong Nghị định 104/2007/NĐ-CP xác định rõ hai vấn đề: đòi nợ phải có "căn cứ hợp pháp" và công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ có chức năng "tư vấn pháp luật cho chủ nợ hoặc khách nợ về việc xác định nợ, biện pháp, quy trình, thủ tục xử lý nợ".
"Như vậy, rõ ràng dịch vụ đòi nợ có đủ yếu tố của một dịch vụ pháp lý", ông Phong nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc xác định một tài liệu có giá trị và là chứng cứ để đòi nợ (khoản nợ hợp pháp) rõ ràng không thuộc chức năng và thẩm quyền của một công ty đòi nợ, mà thuộc thẩm quyền của tòa án, theo quy định trong Bộ luật Dân sự và Luật Tố tụng dân sự. Nói cách khác, trừ trường hợp bên nợ thừa nhận, thì việc phía công ty đòi nợ đơn phương áp đặt quyền đòi nợ thông qua những chứng cứ do khách hàng đưa ra và đang có tranh cãi, để làm căn cứ đòi nợ là hành động không hợp lý, thậm chí trái pháp luật.
Theo ông Phong, đòi nợ là một quyền dân sự. Nếu bản thân người chủ nợ không tự đòi, họ có thể ủy quyền cho người khác. Do vậy, pháp luật không thể cấm dịch vụ đòi nợ, vì như vậy là hạn chế quyền dân sự của công dân. Vấn đề là ai, tổ chức nào nên được phép triển khai dịch vụ đòi nợ?
"Pháp luật nên quy định dịch vụ đòi nợ chỉ do các tổ chức hành nghề luật sư thực hiện, không nên cho phép đăng ký dịch vụ đòi nợ như một hoạt động kinh doanh bình thường", ông Phong bình luận.
Xem thêm |