Tiếp tục chủ động trước biến động tỷ giá USD/VND?
Có một nhiệm vụ mà nhà điều hành chính sách tiền tệ được giao: trong điều kiện phù hợp, gia tăng dự trữ ngoại hối - nguồn lực quốc gia. |
Lần thứ ba trong vòng 6 tháng, FED tăng thêm 25 điểm lãi suất. Đây cũng là thời điểm nửa cuối tháng 6, thời điểm thường có biến động tỷ giá USD/VND quen thuộc nhiều năm trước.
Fed tăng lãi suất lần thứ hai trong ba tháng
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm nay tăng lãi suất lần thứ hai trong 3 tháng và cho biết sẽ bắt đầu cắt ... |
Nhưng, trên các thị trường, tỷ giá USD/VND vẫn rất ổn định. Trong ngày đầu tiên đón tác động từ quyết định của FED, giá USD bán ra của các ngân hàng ổn định quanh 22.720 VND; trên thị trường tự do thậm chí còn thấp hơn, ở gần 22.705 VND; trên thị trường liên ngân hàng giá bán quanh 22.692 VND.
Diễn biến trên cũng đáng chú ý, sau khi lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tiếp giảm mạnh trong tháng 5 và ổn định ở mức thấp từ đầu tháng 6, như lãi suất qua đêm chỉ quanh 2,1%/năm.
Với sự ổn định trên, đã có một số nhận định, hoạt động đầu cơ ngoại tệ đón quyết định tăng lãi suất của FED vừa qua, tạm thời, đã không thành công.
Một mặt, đường đi và quyết định của FED đã được thị trường dự tính trước và không gây nhiều bất ngờ. Yếu tố kỳ vọng cũng đã phản ánh vào thị trường.
Trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động trước đường đi đó. Như một bài viết VnEconomy phản ánh gần đây, tranh thủ quãng thời gian ổn định, nhà điều hành đã chủ động tăng đều tỷ giá trung tâm, hiện đã lên tới 22.417 VND so với mốc 22.159 VND cuối năm 2016.
Việc chủ động nâng tỷ giá trung tâm cũng nhằm giảm thiểu những cú sốc tiềm ẩn hoặc những biểu hiện căng thẳng khi có biến động. Tỷ giá trung tâm lên cao, với biên độ +/-3%, vùng biến động “cho phép” được nâng lên cao hơn.
Tất nhiên, đi cùng, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước duy trì thông điệp: sẵn sàng bán ra ngoại tệ với giá thấp hơn mức trần biên độ. Đến nay, thông điệp này vẫn nguyên giá trị, dù đã thu hẹp khoảng cách giá bán với trần từ thấp hơn 50 VND còn thấp hơn 20 VND.
Và như thể hiện kể từ khi ra đời, cơ chế tỷ giá trung tâm với rổ tham chiếu 8 đồng tiền cũng là cơ chế giúp “pha loãng”, giảm chấn những tác động lớn từ bên ngoài đối với tỷ giá, như quyết định FED tăng lãi suất là một ví dụ.
Dù thế nào, tỷ giá USD/VND cũng phải dựa trên cân đối cung - cầu trên thị trường, trạng thái ngoại tệ của hệ thống.
Theo tìm hiểu của VnEconomy ở kênh giám sát chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước, cung - cầu và trạng thái ngoại tệ vẫn ổn định và tốt; nguồn vốn đầu tư nước ngoài (với một phần thu hút từ tỷ giá ổn định) vào và giải ngân cao hơn cùng kỳ năm ngoái, cả ở nguồn vốn gián tiếp trên thị trường chứng khoán; và đáng chú ý, thay vì quan ngại giảm vì cơ chế lãi suất USD 0%/năm, kiều hối vẫn ổn định và có xu hướng tăng lên.
Điểm bất lợi đối với ổn định tỷ giá là nhập siêu trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, nhập siêu chủ yếu từ nhập khẩu nguyên vật liệu và thiết bị, trong khi xuất khẩu đang cho đà tăng trưởng trở lại.
Và để hỗ trợ xuất khẩu, ngoài những bước đi của tỷ giá trung tâm, nếu tỷ giá USD/VND quá ổn định, VND lên giá so với nhiều đồng tiền khác, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục có bước đi chủ động. Từ đầu năm, nhà điều hành đã hai lần chủ động nâng giá mua vào USD.
Ở hướng đó, có một nhiệm vụ mà nhà điều hành chính sách tiền tệ được giao: trong điều kiện phù hợp, gia tăng dự trữ ngoại hối - nguồn lực quốc gia.
Và sáng nay (19/6), tỷ giá USD/VND đã có bước tăng mới trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại, từ 22.720 VND lên 22.750 - 22.760 VND.