|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiền tệ của các thị trường mới nổi - điểm bất ổn mới?

09:13 | 11/05/2020
Chia sẻ
Thị trường tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi đang đứng trước nguy cơ sụp đổ với những ảnh hưởng sâu sắc nhất kể từ năm 2015, khi đồng NDT lao dốc khiến các thị trường tài chính toàn cầu hoảng loạn.
Tiền tệ của các thị trường mới nổi - điểm bất ổn mới? - Ảnh 1.

Đồng tiền mệnh giá 100 Nhân dân tệ (NDT) tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Xu hướng sụt giảm hiện tại phản ánh tâm lý lo ngại ngày càng gia tăng của giới đầu tư liên quan đến triển vọng tài chính công của các quốc gia mới nổi.

Triển vọng này vốn đã xấu đi nhanh chóng vì sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và tình trạng giá dầu thô giảm mạnh. Ngoài ra, giá trị đồng tiền giảm mạnh sẽ làm tăng gánh nặng nợ định giá bằng đồng USD của những quốc gia này.

Thị trường chao đảo vì đại dịch COVID-19 và sự lao dốc của giá dầu

Mặc dù thị trường tài chính dường như đã phần nào lấy lại sự ổn định nhờ nguồn cung thanh khoản khổng lồ của Mỹ cùng các ngân hàng trung ương Nhật Bản và châu Âu, các chuyên gia kinh tế vẫn quan ngại ngại rằng các nền kinh tế mới nổi sẽ trở thành một “điểm đen” bất ổn mới.

Chỉ số thị trường mới nổi của MSCI, chỉ số theo dõi biến động chung của các thị trường tiền tệ mới nổi, đã giảm 6% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, tương đương mức giảm mạnh nhất theo quý kể từ năm 2015 - thời điểm đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu với đà lao dốc mạnh.

Trong bối cảnh đó, giá trị tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi so với đồng đô la Mỹ đang biến động mạnh. Cụ thể, tỷ giá đồng rand của Nam Phi và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ (so với đồng USD) hiện đã rơi xuống mức thấp nhất sau khi lần lượt giảm mạnh 26% và 15% so với hồi tháng 12/2019.

Dự trữ ngoại hối của hai quốc gia này cũng đang ở mức dưới chuẩn theo quy định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tương tự, đồng rupiah của Indonesia và đồng real của Brazil cũng hạ lần lượt 7% và 25% giá trị so với đồng bạc xanh.

Trong khi đó, nhiều nền kinh tế mới nổi vốn dựa vào du lịch đã chứng kiến nhu cầu gần như biến mất vì đại dịch. Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với một vấn đề nan giải khi ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất để củng cố hoạt động kinh tế nhưng điều này lại đẩy nhanh sự mất giá của đồng lira.

40 tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi quỹ đầu tư trái phiếu của các nền kinh tế mới nổi kể từ đầu năm 2020, vượt quá mức kỷ lục của năm 2015, theo Tổ chức theo dõi các quỹ đầu tư (EPFR). 

Tâm lý quan ngại xoay quanh tính bền vững trong lĩnh vực tài chính của các nền kinh tế mới nổi là lý do chính dẫn đến sự sụt giảm giá trị đồng tiền của họ.

Trong khi doanh thu thuế chắc chắn sẽ giảm vì đình trệ kinh tế do đại dịch COVID-19 và các biện pháp cách ly xã hội liên quan, chi tiêu tài khóa sẽ phải tăng để kích thích hoạt động kinh tế và bù đắp cho nhu cầu của khu vực tư nhân, đồng thời củng cố cơ sở hạ tầng y tế.

Điển hình, Malaysia đã đề xuất gói kích thích kinh tế khổng lồ có giá trị tương đương 18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, trong khi Indonesia đã tạm thời gác lại các quy tắc kỷ luật tài khóa được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

IMF dự báo thâm hụt ngân sách chung của các nền kinh tế mới nổi sẽ đạt mức tương đương 8,9% GDP trong năm nay, cao hơn 1,8 lần so với mức ước tính được đưa ra vào mùa Thu năm 2019. 

Tỷ lệ thâm hụt sẽ thiết lập mức cao mới cho Indonesia và Nam Phi, trong khi các quốc gia sản xuất dầu như Brazil và Mexico cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ đà lao dốc của giá dầu thế giới.

Nguy cơ hạ cấp xếp hạng tín nhiệm khiến gánh nặng nợ tăng cao

Các thị trường mới nổi đang bị cuốn vào một "cơn bão hoàn hảo", IMF cho biết. Trong khi đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu nước Mỹ S&P Global Rating cũng đã hạ cấp xếp hạng của 15 quốc gia kể từ tháng 1/2020 với lý do yếu kém tài chính. 

Cùng với đó, khoảng 10 quốc gia khác cũng đang có nguy cơ tiếp tục xuống hạng.

Số quốc gia bị hạ cấp xếp hạng tín nhiệm trong năm 2020 có thể lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu năm 2011. Nếu uy tín của một quốc gia bị tổn hại do bị hạ cấp xếp hạng, khả năng trả nợ của quốc gia đó sẽ là một thách thức.

Điều này có thể dẫn đến động thái gia tăng lãi suất và khiến trái phiếu chính phủ mất giá. Một ví dụ điển hình là Ecuador, nước này rơi vào tình trạng vỡ nợ khi giá dầu thô lao dốc khiến đất nước rơi vào bế tắc tài chính.

Nợ của các thị trường mới nổi đã tăng lên mức cao kỷ lục và đang phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế thế giới. 

Trong khi đó, nợ của các nền kinh tế mới nổi, bao gồm cả khu vực công và tư nhân, đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 71.000 tỷ USD vào tháng 12/2019, tương đương  2,2 lần tổng GDP của các nền kinh tế này, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF).

Các khoản nợ và lãi được định giá bằng đồng USD sẽ tăng khi giá trị tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi tiếp tục mất giá so với đồng USD. IIF cho biết các nền kinh tế mới nổi sẽ cần huy động thêm 730 tỷ USD vào cuối năm nay để đáp ứng nhu cầu trả nợ bằng ngoại tệ.

Trong khi đó, việc giá trị đồng tiền của một quốc gia giảm cũng tạo ra áp lực lạm phát khiến giá hàng hóa nhập khẩu gia tăng. Hậu quả là các thị trường mới nổi, vốn đã chịu ảnh hưởng từ đại dịch, có thể suy yếu hơn về kinh tế và phải đối mặt với vòng xoáy suy giảm tiền tệ.

Trong một cuộc họp báo, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã đề cập đến một kế hoạch kích thích bổ sung và khẳng định Fed sẽ sử dụng "đầy đủ các công cụ để hỗ trợ nền kinh tế vào thời điểm đầy thách thức này".

Phương Nga

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.