|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Một tháng chao đảo vì dịch COVID-19 của thị trường tiền tệ

06:46 | 11/03/2020
Chia sẻ
Diễn biến khó lường của dịch COVID-19 trong thời gian qua đã khiến thị trường tài chính biến động mạnh, giá vàng và đồng USD liên tục tạo đỉnh mới trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ chạm đáy lịch sử. Thị trường tài chính tiền tệ sẽ tiếp tục tiềm ẩn những biến động khó lường.

Một tháng biến động mạnh vì dịch COVID-19

Nhận định về thị trường tiền tệ trong tháng 2, CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng thị trường đã có một tháng chao đảo vì dịch COVID-19.

Trong tháng 2, dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng đã tạo nên tâm lí lo sợ rủi ro của các nhà đầu tư trên thị trường. Điều đó khiến giá vàng tăng mạnh, có thời điểm lên sát 1.700 USD/oz, mức đỉnh 7 năm trong khi chỉ số USD Index cũng lên sát mốc 100, đi ngược với qui luật USD tăng thì giá vàng giảm như thông thường. 

Các thông tin tích cực về tăng trưởng kinh tế khiến Mỹ trở thành điểm sáng và đồng USD được giới đầu tư lựa chọn là một kênh trú ẩn. Tuy vậy, trong tuần cuối tháng 2, dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng tại Mỹ khiến đồng USD đã hạ nhiệt nhanh và lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung đồng loạt giảm mạnh về vùng thấp lịch sử. 

Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 3 tháng cao hơn khá nhiều lợi tức các kì hạn 10 năm trở xuống, đường cong lợi tức dịch chuyển xuống 1 đoạn dài (0,3 - 0,4 điểm %) và tiếp tục tình trạng đảo ngược.

Một tháng chao đảo vì dịch COVID-19 của thị trường tiền tệ - Ảnh 1.

Các đồng tiền đã biến động ra sao?

Đồng yen Nhật (JPY) lấy lại vị trí đồng tiền trú ẩn hàng đầu khi tăng 0,54% so với tháng trước trong khi hầu hết các đồng tiền khác đều giảm giá so với USD. Giảm mạnh nhất là rub của Nga ( giảm 4,52% so với tháng trước và giảm 7,92% so với cùng kì năm trước), baht của Thái Lan ( giảm 0,98% MoM, 5.97% Ytd) và won của Hàn Quốc (0.37% MoM, 3.82% Ytd), đây đều là những nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề do giá dầu, dịch vụ, du lịch giảm. 

Trong bối cảnh đó, đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc chỉ giảm 0,42% so với tháng trước và 1,17% so với cùng kì năm trước nhờ những nỗ lực kích thích nền kinh tế của Chính phủ và dấu hiệu dịch bệnh được kiểm soát.

Một tháng chao đảo vì dịch COVID-19 của thị trường tiền tệ - Ảnh 2.

Làn sóng nới lỏng tiền tệ

Trong khoảng thời gian qua, nới lỏng tiền tệ tiếp tục được sử dụng như một biện pháp để kích thích kinh tế. 

Trong tháng 2, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã giảm một loạt các lãi suất điều hành, tăng tỷ giá tham chiếu, bơm mạnh tiền trên OMO. Cùng với PBoC, các nước khác như Nga, Thái Lan, Philippines, Indonesia… và mới đây là Mỹ, Australia, Malaysia, Canada cũng đã cắt giảm lãi suất. 

Tuy nhiên, sau làn sóng nới lỏng mạnh năm 2019, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều nên các Chính phủ có thể phải hướng đến các chính sách tài khóa như tăng chi tiêu chính phủ và giảm thuế. 

Thực tế, Chính phủ Singapore đã công bố gói ngân sách trị giá 4,6 tỉ USD; Chính phủ Nhật Bản chi 93,8 triệu USD, Malaysia miễn thuế thu nhập cá nhân cho lao động trong ngành du lịch; Hàn Quốc đang trình Quốc hội gói ngân sách bổ sung…

Có thể nhận thấy rằng, tình hình dịch bệnh đến hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và khó đoán định, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đứng trước rủi ro lớn và vì vậy thị trường tài chính tiền tệ sẽ tiếp tục tiềm ẩn những biến động khó lường.

 

Diệp Bình