|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Yen Nhật bị bán tháo, giá vàng lập đỉnh

08:04 | 29/02/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục đe dọa nền kinh tế toàn cầu, việc kích hoạt thêm nhiều gói nới lỏng tiền tệ khiến tiền giấy trở nên “rẻ”. Đồng yen của Nhật cũng bị bán tháo mạnh, làm lung lay chức năng “hầm trú ẩn” của tài sản này. Tất cả đã khiến nhu cầu mua vàng tăng mạnh trong tuần qua.
Yen Nhật bị bán tháo, giá vàng lập đỉnh - Ảnh 1.

Giá vàng thế giới lập đỉnh trong bảy năm

Trong tuần qua, vàng mở cửa ở vùng 1.582 đô la Mỹ/ounce, tăng hơn 600 pips, đây là mức tăng lớn nhất trong một tuần kể từ khi virus nCoV xuất hiện đe dọa kinh tế toàn cầu. Nó cũng là “cây nến” tuần dài nhất, hơn bất kỳ “cây nến” nào trong giai đoạn chiến tranh thương mại xảy ra từ đầu năm 2018 cho tới nay.

Kim loại quý này đóng cửa tuần qua ở mức 1.643 đô la Mỹ/ounce - mức đỉnh trong bảy năm qua (đến 0 giờ ngày 26-2, giá vàng thế giới nằm trong khoảng 1.644-1.646 đô la Mỹ/ounce. Giá vàng thế giới có xu hướng đi ngang và hội tụ sau hai ngày tăng và giảm đột ngột).

Yen Nhật bị bán tháo, giá vàng lập đỉnh - Ảnh 2.

Tăng mạnh là vậy nhưng thật ngạc nhiên, đó lại là một bước tăng rất vững chắc nếu nhìn khung giá tại biểu đồ M15 và M30 (biểu đồ giá 15 phút và 30 phút). Đây là hai khung giá ngắn hạn, nếu thị trường có tin tức đột ngột nào đó thì thường xuất hiện những cây nến dài vào các khung giờ này do nhu cầu bất ngờ thay đổi khi tin tức mới ra làm thay đổi kỳ vọng của nhà đầu tư.

Nhìn từ biểu đồ nến 30 phút giá vàng tuần qua, có thể thấy các mức tăng khá đều, xen kẽ các vùng giá đi ngang trong thời gian ngắn, song không có một đà tăng sốc nào diễn ra. Như vậy, gần như không có nhiều xáo trộn cho một “lập trình” mua vàng trên thị trường đã hình thành từ trước đó.

Vàng tăng trong nỗi lo bán tháo yen Nhật

Rõ ràng, nỗi “sợ hãi nCoV” vẫn là cốt lõi cho nhiều suy luận để giới đầu tư tìm đến vàng “bảo hiểm” và đầu cơ cho danh mục đầu tư. Tuần qua cũng chứng kiến số ca tử vong do dịch Covid-19 cao kỷ lục, tăng gần 40%, tương đương với gần 700 người. Nhưng như vậy là chưa đủ để đánh giá đà tăng của vàng tuần qua. Khi có bất ổn kinh tế thế giới, như dịch bệnh thời điểm hiện tại, giới đầu tư có xu hướng tìm tới các kênh trú ẩn an toàn, phổ biến như vàng, yen Nhật. Hãy xem động thái của họ đối với các tài sản đó thông qua biểu đồ giá.

Với yen Nhật, ngày 19-2-2020, ghi nhận tỷ giá giữa đô la Mỹ và yen Nhật (USD/JPY) tăng mạnh nhất trong chín tháng trở lại, đóng cửa ở mức 111,27. Đồng yen giảm 1,4%, cũng là mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ năm 2018 tới nay. Đồng tiền vốn trải qua giai đoạn giảm phát kéo dài - vẫn luôn được tìm đến khi có bất ổn kinh tế - chính trị thế giới đang dần mất đi vị thế “hầm trú ẩn” của mình.

Giới chức Nhật Bản đang cho thấy sự lúng túng trong phương pháp phòng ngừa và hạn chế dịch bệnh lan rộng.

Yen Nhật bị bán tháo, giá vàng lập đỉnh - Ảnh 3.

Trong bối cảnh số ca nhiễm tại quốc gia này vẫn tăng lên nhanh chóng trong khi các biện pháp phòng hộ đang tỏ ra không hiệu quả, Nhật Bản có nguy cơ cao tiếp tục lún sâu vào đà giảm tăng trưởng khi ngành du lịch và sản xuất bị tàn phá nặng nề. Giới đầu tư đang nhìn nhận dịch bệnh nếu tiếp tục xấu hơn có thể ảnh hưởng tới Thế vận hội mùa hè tổ chức lại Tokyo vào cuối tháng 7 tới. Đây sẽ là đòn giáng mạnh mẽ vào kinh tế Nhật trong năm nay. Điều này giải thích cho việc giới đầu tư liên tiếp bán tháo đồng yen tuần qua.

Khi tài sản “trú ẩn” - đồng yen - bị bán tháo thì xu hướng mua vàng lại càng gia tăng - như một loại tiền tệ không có lạm phát và một dạng tài sản luôn tăng giá trong mỗi cơn bất ổn của toàn cầu.

Động lực đẩy giá vàng có còn mạnh?

Nhìn một cách tổng quan giữa hai bên: một là vàng, hai là tiền giấy, có thể thấy lượng tiền giấy đang tăng lên nhanh chóng sau các gói nới lỏng tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương thế giới. Và xu thế này đang được dự báo gia tăng như một liệu pháp để củng cố lại tăng trưởng đang bị dịch bệnh và chiến tranh thương mại “bào mòn”.

Khi vaccin ngừa nCoV vẫn còn là ẩn số, Hàn Quốc đang đối mặt với nguy cơ trở thành ổ dịch lớn mới, thì nhiều khả năng nới lỏng tiền tệ sẽ vẫn là xu thế của năm và trải rộng tại nhiều quốc gia. Tiền giấy và lạm phát gia tăng, sự suy yếu của kinh tế sẽ là động lực đẩy vàng lên “ngôi” trong trung hạn.

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, vàng đã có một tuần tăng mạnh nhưng vững chắc. Vì vậy, thật khó kỳ vọng sẽ có một cú điều chỉnh giảm mạnh, tương đương với một đà bán chốt lời mạnh mẽ. Song vàng đã tăng khá nóng nên cần một sóng swing (đi ngang trong một biên độ nào đó) để tiếp tục đà tăng trong trung hạn. Đây cũng là giai đoạn tích lũy của thị trường để tiếp nhận và đánh giá thêm tin tức mới về dịch bệnh.

Vì vậy, nhiều khả năng vàng sẽ đi ngang trong tuần tới, thiên về xu hướng tăng khi lực mua lên tuần qua rất mạnh, có thể tạo “quán tính” tiếp tục tăng trong những phiên đầu tuần này. Đồng hành cùng giá vàng thế giới, giá vàng trong nước có thể diễn biến tương tự.

Một điểm đáng chú ý đó là cả vàng và đô la Mỹ đều tăng giá trong tuần trước. Chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) ngày 20-2 đạt gần 99,8 điểm, mức cao nhất trong hơn hai năm qua sau dữ liệu lạm phát tương đối tốt, đi kèm là lập trường thiên về giữ nguyên lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Yen Nhật bị bán tháo, giá vàng lập đỉnh - Ảnh 4.

Sau giai đoạn dài, giá vàng và đô la Mỹ đã tăng cùng chiều. Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 dường như chưa rõ ràng tới kinh tế Mỹ, thay vào đó, nó ảnh hưởng tới các quốc gia lân cận Trung Quốc nhiều hơn. Ngoài ra, Mỹ cũng kiểm soát tốt những người bị nhiễm Covid-19. Lập trường trung lập về lãi suất của Powell - Chủ tịch Fed -  cũng là nhân tố đẩy chỉ số DXY tăng mạnh.

Tuy nhiên, ngược lại với những gì quan chức Fed phát biểu thì đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục đảo ngược. Lợi suất kỳ hạn 10 năm ngày 21-2 ở dưới 1,5%, thấp hơn 0,06 điểm phần trăm so với kỳ hạn ba tháng, bất chấp dữ liệu kinh tế Mỹ khá tốt và một sự thận trọng trong quyết định hạ lãi suất của Chủ tịch Powell, cho thấy thị trường vẫn dự tính về việc Fed sẽ cắt mạnh lãi suất trong năm nay.

Có thể giới traders đang phản ứng một cách thái quá về tác động của dịch bệnh tới kinh tế Mỹ và toàn cầu. Đường cong lợi suất đảo ngược là một chỉ báo trước các cuộc suy thoái, song không phải lúc nào cũng đúng. Bằng chứng là đường cong lợi suất này đã đảo ngược trong hầu hết năm 2019 khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc căng thẳng, tuy nhiên không có một cuộc suy thoái nào xảy ra.

Điểm này rất đáng lưu ý cho giới đầu tư vàng vì có thể giá vàng hiện tại đang tăng quá mức so với những tác động của dịch Covid-19 lên kinh tế toàn cầu. Theo quan điểm của người viết thì đây là lúc hợp lý để đóng trạng thái vàng, chờ thêm tin tức và các cơ hội mới.

Vàng đã tăng mạnh, tuy vững chắc song dịch bệnh là điều không thể lường trước. Một tin tức tốt bất ngờ sẽ khiến các “cá mập” của thị trường bán tháo, đẩy vàng giảm mạnh. Lực tăng của vàng vẫn còn, song giai đoạn tới sẽ là tích lũy và chờ thêm tin tức mới.

Hương Lan